• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội tăng gấp đôi mức phạt vi phạm trật tự xây dựng

Cưỡng chế tốn kém hàng tỷ đồng

Theo UBND TP Hà Nội, việc xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng rất phức tạp và tốn kém. Tại 10 quận nội thành, năm 2013, có 580 trường hợp vi phạm, trong đó không phép, sai phép là 486 vụ, bằng 84% tổng số vi phạm. Quý I-2014, tại 10 quận nội thành, có 109 trường hợp vi phạm, trong đó xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch là 101 trường hợp, bằng 92% tổng số vi phạm. Một số công trình xây dựng sai phép điển hình như công trình tại số 55A, 55B, 53D phố Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm) hay các công trình trên phố Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng)... riêng việc tổ chức cưỡng chế đã tốn hàng tỷ đồng đối với mỗi công trình. Cùng với đó, lãnh đạo một số phường nội thành thừa nhận, việc buộc các chủ công trình phải thanh toán chi phí cho việc cưỡng chế là hết sức khó khăn.


Cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm ở Hà Nội rất phức tạp, tốn kém

Từ thực tế trên, UBND TP Hà Nội nhìn nhận, cùng hành vi, tính chất như nhau nhưng hậu quả hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng ở Thủ đô sẽ nghiêm trọng, khó khắc phục hơn các địa phương khác, bởi nó còn ảnh hưởng trực tiếp tới mỹ quan đô thị, hình ảnh của Thủ đô với cả nước và quốc tế. Do vậy, cần thiết phải tăng mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng để bảo đảm tính răn đe, tăng cường quản lý trong trật tự xây dựng đô thị của Thủ đô.

Thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 20 - Luật Thủ đô, UBND TP đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm có tính chất điển hình, phổ biến, gây bức xúc trong dư luận, gây mất mỹ quan đô thị và trật tự xây dựng đô thị mà mức tiền phạt quy định tại Nghị định số 121/NĐ-CP chưa đủ sức răn đe như xây dựng không phép, sai phép; sai quy hoạch; sai thiết kế được duyệt; xây dựng gây lún nút, hư hỏng công trình lân cận... Cụ thể, các mức phạt tiền sẽ tăng tối đa gấp 2 lần so với mức quy định tại Nghị định 121/NĐ-CP của Chính phủ và chỉ áp dụng tại 12 quận nội thành Hà Nội.

Phạt cao nhất tới 2 tỷ đồng

UBND TP Hà Nội xác định, các hành vi vi phạm về xây dựng không phép, sai phép; sai quy hoạch... là “những hành vi diễn ra phổ biến, điển hình, gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, gây mất mỹ quan đô thị ảnh hưởng nghiêm trọng tới bộ mặt đô thị của Thủ đô”. Đáng chú ý, giá trị kinh tế của việc vi phạm này mang lại vô cùng lớn nên các mức phạt hiện hành không đủ răn đe. Đơn cử, theo Nghị định 121/NĐ-CP, hành vi xây dựng sai phép sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. Với công trình vi phạm xây dựng vượt tới 4-5 tầng, vượt hàng nghìn m2 xây dựng, giá trị giao dịch mỗi m2 sàn xây dựng có khi lên tới 30-40 triệu đồng, thì việc cố ý xây thêm tầng, cơi nơi trái phép là khó ngăn chặn. Do đó, UBND TP đề xuất, mức phạt hành chính đối với nhóm hành vi này đều tăng gấp 2 lần.

Cụ thể, đối với chủ đầu tư, với hành vi xây dựng sai phép, TP đưa ra mức phạt từ 20-100 triệu đồng. Mức phạt tiền tương tự cũng được áp dụng cho hành vi xây dựng không phép. Đặc biệt, các trường hợp vi phạm sau khi có biên bản vi phạm hành chính của người có thẩm quyền mà vẫn tái phạm thì tùy theo mức độ vi phạm, quy mô công trình, có thể bị xử phạt từ 1 đến 2 tỷ đồng. Nhà thầu thi công các công trình dạng này cũng sẽ bị phạt nặng. Đáng chú ý, UBND TP còn đề xuất quy định, nếu cơ quan liên quan không thực hiện ngừng cung cấp điện, cung cấp nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng khi có quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình của người có thẩm quyền, sẽ bị phạt từ 40 – 60 triệu đồng...

Hoàn toàn đồng tình với các mức phạt nghiêm khắc do UBND TP đề xuất nên trên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Võ Nguyên Phong cho biết: “Các hành vi xây dựng không phép, sai phép có tính chất phổ biến, hay tái phạm. Do đó, nếu không có biện pháp tăng cường quản lý, xử lý nghiêm, triệt để với mức xử phạt đủ sức răn đe thì sẽ có xu hướng gia tăng, dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn”.

  • 0
  • By Admin
  • 26/06/2014
  • 17