Hà Nội sẽ không có đột biến về giá đất
* Thưa ông, trước đây Hà Nội nhiều lần đề nghị không thực hiện điều 48 Luật Đất đai, tức là không đền bù bằng đất khi thu hồi đất nông nghiệp, nhưng không được chấp thuận. Tại sao Hà Nội lại đề nghị việc này?
Nguyên tắc của quy định này thực sự đã thể hiện sự quan tâm đến người dân bị mất đất, bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp. Điều này hoàn toàn đúng, nó cân bằng lợi ích của các nhà đầu tư được hưởng lợi từ việc chuyển mục đích sử dụng đất và một bộ phận những người dân mất đất, đời sống gặp khó khăn. Nhưng duy trì nó bằng cách nào và giải pháp ra sao thì phải bàn.
Cái cách chia đất dịch vụ (đền bù bằng đất), tôi cho là không hay vì thực chất là việc thu đất của người này chia lại cho người kia. Nó tạo ra vòng luẩn quẩn đền bù - thu hồi - đền bù, không thoát ra được. Giải pháp tốt nhất, theo tôi là nghiên cứu cơ chế tổng thể để cho người nông dân học nghề, chuyển nghề, tạo thu nhập ổn định cho họ.
Thực tế cho thấy, rất nhiều người sau khi được giao một khoảnh đất dịch vụ lại bán ngay lấy tiền làm nhà, mua xe, tiêu xài hết và rồi nghèo vẫn hoàn nghèo. Ngoài ra, cách chia này còn khiến đất đai bị chia nhỏ, manh mún. Tuy nhiên, do không được chấp nhận nên ngày 29.6.2008 UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 33/2008/QĐ-UBND để thực hiện nguyên tắc của điều 48.
Các dự án có liên quan đến việc bố trí không gian Hà Nội
đã phê duyệt trước ngày 4.3.2008 vẫn tiếp tục thực hiện.
Ảnh: An Nguyên
* Hiện nay, Hà Tây có chủ trương đền bù bằng giao đất dịch vụ cho người bị thu hồi đất nông nghiệp, còn Hà Nội thì không. Vậy chính sách nào sẽ được thực hiện cho Hà Nội mới?
Hà Nội cũng bắt đầu thực hiện Quyết định 33 nhưng có điểm hơi khác, đó là chọn giải pháp giao đất nền (đất ở) thay vì đất dịch vụ như Hà Tây cũ. Hà Nội cũng xác định rõ là phải thu hồi trên 30% đất nông nghiệp thì mới được đền bù bằng đất ở theo quyết định này.
* Có những điểm gì khác nhau nữa trong chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng giữa Hà Nội và Hà Tây?
Hiện nay chúng tôi đang rà soát. Sẽ có một số điểm, chẳng hạn như Hà Tây có chính sách đặc thù đền bù đối với thu hồi đất miền núi, còn Hà Nội không có. Hoặc chính sách đền bù bằng đất như tôi nói ở trên. Hà Tây hiện tại giao đất dịch vụ với cơ chế là cứ thu hồi một diện tích bất kỳ là tính luôn giao đất dịch vụ 10% và diện tích tối đa cho các lần được giao đất dịch vụ đó là 150m2 (hạn mức).
Còn Hà Nội thì quy định khác, dứt khoát phải bị thu hồi trên 30% mới được đền bù bằng đất ở, người xấp xỉ mức này cũng chỉ được đền bù bằng tiền. Ngoài ra, Hà Nội chỉ giao đất dịch vụ 1 lần; người được đền bù bằng đất đó phải cam kết diện tích đất nông nghiệp còn lại (nếu bị thu hồi trên 30%) cũng không được giao đất nữa.
* Những điểm này có làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án của Hà Nội nói chung không?
Về mặt nguyên tắc, chủ thể mới (Hà Nội hợp nhất) sẽ phải ban hành chủ trương mới để áp dụng thống nhất. Trong thời gian chưa thể ban hành được thì trước mắt UBND thành phố sẽ phải có quyết định để khẳng định những cơ chế có tính chung phù hợp pháp luật được áp dụng trên địa bàn thành phố mở rộng, cơ chế nào phải dừng để chờ thống nhất.
Chẳng hạn, giá đất là chuyện mọi người lo ngại nhưng tôi thấy rất bình thường, hoàn toàn vẫn có thể áp dụng khung giá do HĐND 2 địa phương đã thông qua trước đó. Bởi vì sao? Giả sử có ban hành giá đất Hà Nội mới thì cũng giống như hiện nay, cao trong nội thành và thấp dần xuống ngoại thành, Sóc Sơn thấp hơn Đông Anh và sau này Hòa Bình lại thấp hơn nữa...
Cuối năm nay sẽ xem xét, xác định lại giá đất của toàn Hà Nội (áp dụng cho năm 2009), nhưng chắc chắn nguyên tắc vẫn phải theo quy định của Chính phủ xác định giá đất theo từng quận, huyện, địa giới, cự ly với trung tâm; mật độ đô thị và hạ tầng khác nhau thì giá khác nhau nên chắc chắn không có chuyện giá đất tăng vọt tại Hà Nội. Thậm chí vẫn nguyên giá như HĐND tỉnh Hà Tây phê chuẩn nếu không có biến động lớn.
* Hiện tại riêng trên địa bàn Hà Tây có khoảng 300 dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện giải phóng mặt bằng, nay sẽ áp dụng chính sách nào?
UBND TP Hà Nội sẽ có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Nhưng về nguyên tắc đã có các quy định được ghi trong luật. Ví dụ những dự án đã duyệt trước ngày cơ chế mới được ban hành thì đương nhiên áp dụng cơ chế cũ; nếu phương án bồi thường giải phóng mặt bằng được duyệt theo cơ chế cũ nhưng chưa thực hiện trả tiền cho dân thì sẽ phải thực hiện theo cái mới; chính sách đã duyệt nhưng chưa thực hiện xong, nếu nguyên nhân gây chậm trễ là do chính quyền thì phải áp dụng chính sách mới, còn nếu lỗi do người dân thì người dân phải chịu.
Theo Thanh Niên
- 0
- By Admin
- 11/08/2008
- 17