• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội nợ 707 tỷ đồng tiền đấu giá quyền sử dụng đất

Lý giải nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản ảm đạm, nên sản phẩm đấu giá chưa thu hút nhà đầu tư hoặc kết quả thu được không cao. Lãi suất cho vay của ngân hàng tăng cao cộng với chính sách thắt chặt cho vay đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc bán hàng, huy động vốn.



Hà Nội nợ 707 tỷ đồng tiền đấu giá quyền sử dụng đất | ảnh 1
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, do một số dự án phải điều chỉnh quy hoạch nên hạ tầng kỹ thuật chưa xong, dẫn đến người trúng đấu giá chưa nộp tiền, thì có nhiều quận, huyện để nợ quá hạn cao, nhưng chưa ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá theo quy định của quy chế đấu giá. Cụ thể như huyện Gia Lâm (504 tỷ đồng), huyện Đông Anh (160 tỷ đồng), huyện Thanh Trì (29 tỷ đồng), quận Cầu Giấy (13 tỷ đồng)...

Ngoài ra, ở khu đấu giá Khu đô thị Nam Trung Yên, đến nay doanh nghiệp vẫn còn nợ 40% tiền trúng đấu giá (trước đó, doanh nghiệp từng nợ 105,6 tỷ đồng); tại khu đô thị mới Xuân Phương (huyện Từ Liêm), các nhà đầu tư còn nợ lên tới 279 tỷ đồng. Đây là khoản nợ đọng của 3 nhà đầu tư do phải chờ ý kiến của UBND thành phố về việc điều chỉnh lại quy hoạch.

Theo đánh giá của HĐND TP Hà Nội, để xảy ra tình trạng nêu trên có phần nguyên nhân từ sự tham mưu của các quận huyện, sở ngành còn chậm và thiếu quyết liệt. Bên cạnh những doanh nghiệp, cá nhân cố tình chây ỳ nghĩa vụ tài chính với nhà nước còn phải kể tới tình trạng có doanh nghiệp muốn nộp tiền vào ngân sách cũng khó do sự quan liêu, thiếu trách nhiệm của một số cơ quan chức năng. Có thể kể đến trường hợp ở huyện Mê Linh, sau hơn 2 năm doanh nghiệp vẫn loay hoay chưa thể nộp số tiền gần 250 tỷ đồng vào ngân sách do phải chờ hoàn thành công tác tiếp nhận và bàn giao hồ sơ kết quả trúng đấu giá đất tại Mê Linh từ tỉnh Vĩnh Phúc về Hà Nội.

Hiện tại, trên địa bàn Mê Linh vẫn còn tới hơn 105.691 m2 đất thương phẩm tại 6 khu đô thị được tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức đấu giá từ trước khi hợp nhất Hà Nội với số tiền phải thu cho ngân sách tại thời điểm đó là hơn 739 tỷ đồng nhưng mới thu được hơn 347 tỷ đồng.

Còn theo thống kê của Cục Thuế Hà Nội, trong số các dự án nợ tiền sử dụng đất, có 11 dự án đã bán và thu tiền theo tiến độ được 1.485 tỷ đồng. Số tiền trên chỉ bằng 26,67% số vốn mà doanh nghiệp đã đầu tư (5.570 tỷ) và bằng 14% so tổng mức đầu tư. Các doanh nghiệp đã sử dụng 2.800 tỷ đồng vốn của doanh nghiệp và 1.485 tỷ đồng vốn huy động nhưng vẫn phải vay ngân hàng 1.000 tỷ đồng (bằng 18% tổng vốn đã đầu tư) với lãi suất cao. 5 dự án chưa bán hàng và chưa thu tiền đã đầu tư 607 tỷ đồng.

Cục thuế Hà Nội sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra các dự án địa ốc nhằm làm rõ lý do nợ của từng doanh nghiệp; vận động, thuyết phục doanh nghiệp thực hiện nộp tiền sử dụng đất; tính và ra thông báo phạt chậm nộp (có dự án số tiền phạt chậm nộp lên đến hàng chục tỷ đồng). UBND thành phố cũng đang xem xét để xử lý nghiêm các dự án chậm triển khai theo quy định của Luật Đất đai. Đối với các đơn vị có nợ quá hạn, nhất là tại huyện Đông Anh và Gia Lâm, phải tiến hành rà soát để hủy kết quả trúng đấu giá và tổ chức đấu giá lại.

Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chức năng, với tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn như hiện nay, trong khi ngành ngân hàng vẫn duy trì chính sách thắt chặt tín dụng, cùng với thị trường bất động sản chưa thể phục hồi, thì việc thu hồi tiền sử dụng đất đang nợ đọng tại các dự án vẫn hết sức khó khăn. Thành phố Hà Nội cần chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp khắc phục để xử lý dứt điểm một số dự án nợ kéo dài; đồng thời tránh tình trạng tham gia đấu giá đất để đẩy giá lên cao với mục đích kiếm lời, không phản ánh đúng giá trị thực của thị trường, ảnh hưởng đến những người có nhu cầu ở thực sự


(Theo CAND)

  • 0
  • By Admin
  • 06/02/2012
  • 17