Hà Nội mở rộng: nâng mức hỗ trợ thu hồi đất có lợi cho dân
Những dự án giao thông chạy qua những địa phận mới mở rộng sẽ được áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ mới - Ảnh: X. Long |
Ông Biền cho biết ngay cả những dự án đã phê duyệt phương án bồi thường nhưng người dân chưa nhận tiền do lỗi của chủ đầu tư cũng sẽ được hưởng mức hỗ trợ của chính sách mới. Ông nói:
- Quá trình rà soát các dự án sau khi Hà Nội hoàn tất việc mở rộng địa giới hành chính bước đầu cho thấy có khoảng 830 dự án đang triển khai liên quan đến thu hồi đất, GPMB. Cụ thể, ngay trong quá trình chuẩn bị cho việc hợp nhất, mọi cơ chế, quy định, chính sách liên quan đến hỗ trợ, bồi thường khi thu hồi đất đã được TP chỉ đạo phải được rà soát trước và xem xét từng nội dung về chính sách đền bù. Đặc biệt về chính sách hỗ trợ và từng mức cụ thể từng địa phương.
Theo đó, cũng làm rõ sự khác biệt, bất cập và đề xuất hướng giải quyết để sau hợp nhất thống nhất được một chính sách phục vụ việc điều hành, không để người dân phải chờ đợi.
* Cụ thể, trong quá trình rà soát những chính sách, cơ chế bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã có những bất cập ra sao, thưa ông?
- Hiện tại chúng tôi đã tổng kết được có ba vấn đề khác nhau giữa các địa phương cần phải điều chỉnh. Thứ nhất về chính sách hỗ trợ khi thu hồi đất thuộc thẩm quyền địa phương, ví dụ Hà Nội quy định mức cao hơn tới 65.000đ/m2 nhưng tỉnh Hà Tây {cũ} thấp hơn mức này rất nhiều. Một số huyện khác như Lương Sơn và Mê Linh cũng vậy.
Thứ hai, về quy định phân cấp phê duyệt phương án bồi thường giữa các nơi cũng có sự khác biệt. Cụ thể ở TP Hà Nội giao cho chủ tịch quận, huyện được phê duyệt tất cả phương án bồi thường của các dự án, không kể quy mô. TP sẽ ban hành cơ chế kiểm tra giám sát chung. Tuy nhiên ở Hà Tây {cũ} cấp quận, huyện chỉ được phê duyệt phương án bồi thường của những dự án dưới 3ha, trên 3ha không được phê duyệt. Vĩnh Phúc cũng chỉ cho phép cấp huyện được phê duyệt đến dự án 5ha.
Thứ ba là hạn mức giao đất giữa các nơi được quy định khác nhau; đơn cử riêng hạn mức đất đồng bằng giữa hai TP Hà Nội và tỉnh Hà Tây {cũ} cũng chênh nhau gần gấp đôi. Ở Hà Tây {cũ} hạn mức tối đa là 150m2 nhưng ở Hà Nội đất đồng bằng tối đa chỉ có 80m2. Đặc biệt, ở Hà Nội phải thu hồi trên 30% đất nông nghiệp từ khi giao đất mới được xét cấp đất dịch vụ và nhà tái định nhưng ở Hà Tây {cũ} không thực hiện theo quy định này.
Ông Nguyễn Đức Biền |
- Theo quyết định về bồi thường, hỗ trợ đối với những trường hợp bị thu hồi đất và tái định cư vừa được TP ban hành chính thức áp dụng từ ngày 9-10 đã thống nhất các nội dung: thứ nhất, chủ tịch UBND quận, huyện các TP như Hà Đông, Sơn Tây được phép phê duyệt phương án bồi thường của tất cả các dự án như quy định của Hà Nội trước đây.
Thứ hai, nâng mức hỗ trợ cho người bị thu hồi đất theo quy định chung của TP Hà Nội theo khung 65.000đ/m2 và không duy trì mức thấp hơn của các địa phương cũ. Đồng thời cũng áp dụng chính sách phát thẻ học nghề đối với những khu vực mới nhập về Hà Nội. Mỗi thẻ có trị giá tới 6 triệu, có dán ảnh và có thể học tại bất cứ trung tâm đào tạo nghề nào trên cả nước. Sau đó ngân sách TP sẽ thanh toán tiền học nghề đối với các cơ sở đào tạo.
Thứ ba, tất cả những trường hợp bị thu hồi đất nông nghiệp từ 30% trở lên từ khi được Nhà nước giao đất mới được cấp đất dịch vụ, tái định cư. Đây là quy định Hà Nội đã triển khai từ trước nhưng ở Hà Tây trước đây cứ thu hồi bao nhiêu được bồi thường bằng đất dịch vụ bấy nhiêu và một gia đình bị thu hồi đất tại nhiều dự án cũng không được cộng gộp.
Mặt khác, người dân có thể chọn các hình thức nếu trong nội thành được mua nhà tái định cư hoặc nhận bằng tiền, khu vực ngoại thành được bồi thường bằng đất nền hoặc mua nhà tái định cư trong phạm vi quỹ nhà tái định cư trên địa bàn quận huyện đó hoặc cũng có thể nhận bằng tiền.
* Vậy theo ông, sau khi điều chỉnh những chính sách và mức hỗ trợ, đâu là điểm người dân sẽ thắc mắc?
- Theo tôi, thứ nhất người dân sẽ thắc mắc về hạn mức giao đất. Cụ thể, cùng là một loại đất đồng bằng nhưng mức mức tối đa của những địa phương sáp nhập về Hà Nội là 150m2 nhưng hạn mức của Hà Nội thấp hơn chỉ có 80m2. Ví dụ huyện Hoài Đức cùng là đồng bằng trước kia hạn mức là 150m2 bây giờ hạ xuống theo quy định của Hà Nội là 80m2. Như vậy, hạn mức này đã bị giảm đi gần một nửa. Chính vì vậy cần phải giải thích rõ với người dân: thứ nhất là quy hoạch phát triển thủ đô tới đây sẽ hướng tới các dịch vụ đô thị phát triển, rất nhiều dự án quan tâm muốn đầu tư, giá đất tại những nơi này rồi cũng sẽ được nâng lên.
Mặt khác, khi hệ thống giao thông, đường sá được mở rộng các dịch vụ đô thị sẽ phát triển rộng về các huyện. Thứ hai, khi người dân bị thu hồi đất sẽ được cộng tất cả diện tích bị thu hồi trước đó để được hưởng cấp đất dịch vụ và tái định cư. Đồng thời cũng được hưởng mức hỗ trợ cao về ổn định chỗ ở, học việc.
* Hiện tại người dân vẫn đang băn khoăn những dự án triển khai từ thời điểm nào sẽ được áp dụng theo chính sách mới ban hành, thưa ông?
- Thực tế có rất nhiều dự án triển khai trên địa bàn toàn TP phải “vắt” qua hai ba kỳ chính sách. Tại thời điểm này những dự án đã được duyệt rồi, đã thu hồi đất xong và người dân đã nhận tiền thì quy định của luật sẽ không hồi tố. Tuy nhiên, những dự án đã phê duyệt phương án bồi thường nhưng người dân chưa nhận tiền mà không thuộc lỗi của người dân thì phải áp dụng chính sách hiện nay.
Ví dụ những dự án đã duyệt, đã thông báo cho người dân đến nhận tiền nhưng lại không đủ tiền, hoặc thiếu kinh phí trả cho dân mà kéo dài tới tận bây giờ thì đương nhiên sẽ phải áp dụng theo đúng chính sách hiện nay. Còn những phương án chưa được duyệt trong cùng dự án đó thì nghiễm nhiên phải áp dụng chính sách mới.
Theo Tuổi trẻ Online
- 229
- By Admin
- 09/10/2008
- 17