• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội mở rộng: Khu vực hồ Tây - sông Hồng nên là khu vực tĩnh

Hà Nội mở rộng: Khu vực hồ Tây - sông Hồng nên là khu vực tĩnh Đó là ý kiến của PGS-TS Doãn Minh Khôi - Phó Chủ nhiệm khoa Kiến trúc và Quy hoạch (ĐH Xây dựng Hà Nội) tại hội thảo về dự án TP bên sông Hồng ngày 8.8.

Dự án vẫn... nghiên cứu

Liên quan đến việc mở rộng Hà Nội, ông Đỗ Viết Chiến - PGĐ Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) Hà Nội - cho biết, dự án này vẫn nghiên cứu song song với đồ án quy hoạch chung thủ đô Hà Nội, nhưng vẫn có sự lồng ghép để bảo đảm phù hợp. "Còn việc có kéo dài vượt khỏi phạm vi nghiên cứu 40km (đoạn qua Hà Nội trước hợp nhất) hay không, chúng tôi sẽ trao đổi với tư vấn nước ngoài và báo cáo UBND TP xin ý kiến" - ông Chiến cho biết.

Theo lãnh đạo Sở QHKT, riêng việc chỉnh trị sông Hồng, đồ án đặt mục tiêu bảo đảm an toàn lên hàng đầu. Vì vậy, bên cạnh những đoạn đề xuất thu hẹp dòng chảy để tạo quỹ đất, có nhiều đoạn bắt buộc phải mở rộng như đoạn cầu Long Biên, mặt cắt đề xuất khoảng 1,2km (mở về phía quận Long Biên) hay thượng lưu cầu Thăng Long, mặt cắt lên tới 1,5km. Về vấn đề di dời dân, sẽ căn cứ trên cơ sở pháp luật chứ không phải trên nghiên cứu của chuyên gia nên số lượng hộ phải di dời sẽ phải tính toán lại.

Phải tính toán lại các thông số thoát lũ

Ông Đào Ngọc Nghiêm - nguyên GĐ Sở QHKT Hà Nội - cho rằng, xu hướng chung của các đồ án quy hoạch là bảo tồn, gìn giữ truyền thống, trong khi nội dung đồ án quy hoạch TP hai bên sông Hồng lại chưa đề cập đến các khu dân cư hiện hữu, trong đó có những làng cổ nổi tiếng như Bát Tràng hay Tứ Liên.

Mặt khác, việc trị thuỷ để bảo đảm an toàn rất quan trọng, nhưng các con số tính toán dường như chưa thật sự chính xác. Chẳng hạn, khi hoàn thành xong dự án thuỷ điện Sơn La, chắc chắn các thông số thoát lũ trên sông Hồng sẽ khác rất nhiều và phải tính toán lại. Ông Đào Ngọc Nghiêm nêu ý kiến: "Dự án hai bên bờ sông Hồng có cần phải di dời hàng vạn hộ dân để xây dựng các công trình hay chỉ cần chú trọng xây dựng cảnh quan hai bên sông, giảm bớt áp lực cho dự án trong lòng Hà Nội?".

PGS-TS Doãn Minh Khôi - Phó Chủ nhiệm khoa Kiến trúc và Quy hoạch (ĐH Xây dựng Hà Nội) - cho rằng, đặc trưng của Hà Nội chính là mặt nước và cây xanh. Do vậy, nếu tạo ra một hệ thống các nhà cao tầng ở khu vực bãi hiện hữu sẽ hình thành barie ngăn cản sự gắn kết giữa đô thị mới và đô thị cũ, giữa sông Hồng với TP. Khu vực 2 (khu vực giữa sông Hồng và hồ Tây theo sự phân chia của tư vấn) được ông Khôi nhận xét là khu vực đẹp nhất Hà Nội hiện hữu, nhưng đầu tư vào đây chưa chắc đã đắc địa vì giao thông, hạ tầng kém sẽ gây nên sự quá tải.

Đặc biệt, địa chất giữa sông và hồ không phù hợp với nhà cao tầng. Liên quan đến vấn đề mở rộng Hà Nội, ông Khôi cho rằng, Hà Nội đã mở rộng về phía tây, do đó khu vực phát triển mạnh về kinh tế nên nằm ở phía tây TP, còn khu vực hồ Tây - sông Hồng nên là khu vực tĩnh.

Theo Lao Động
  • 0
  • By Admin
  • 12/08/2008
  • 17