• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội lấy ý kiến của dân để minh bạch giá dịch vụ chung cư

Thu thập ý kiến người dân

Ông Trần Hợp Dũng - Trưởng phòng Quản lý kinh tế - Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, người dân đang sinh sống tại các chung cư trên địa bàn Thủ đô nói riêng có thể lên website của Sở Xây dựng Hà Nội để tải và trả lời phiếu thăm dò khảo sát hoặc gửi thư điện tử, thông tin tới Sở Xây dựng Hà Nội về các vấn đề liên quan đến giá dịch vụ nhà chung cư.

Việc Sở tiếp tục điều tra, ghi nhận, tổng hợp thông tin từ người dân để tham mưu cho thành phố ban hành khung giá dịch vụ chung cư trong kỳ tới là một bước trên lộ trình xây dựng giá dịch vụ chung cư, hoàn thiện Đề án giá dịch vụ chung cư trên địa bàn.

Hà Nội lấy ý kiến của dân để minh bạch giá dịch vụ chung cư | ảnh 1

Trước đó, năm 2011, thành phố đã ban hành Quyết định 4520/QĐ-UBND phê duyệt Đề án giá dịch vụ nhà chung cư và giá trần giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn thành phố. Trong đó quy định 3 mức giá dịch vụ nhà chung cư là 2.400 đồng/m2/tháng, 3.100 đồng/m2/tháng và 4.000 đồng/m2/tháng gắn với từng dịch vụ thiết yếu với tần suất quy định cụ thể cho từng loại nhà chung cư được áp dụng trong vòng 1 năm trên địa bàn Hà Nội.

Năm nay, đề án tiếp tục được phát triển trên tinh thần công khai và minh bạch hơn nữa, cung cấp thông tin đầy đủ hơn đến các bên liên quan là chủ đầu tư và người dân. Định hướng trên cơ sở những thông tin khảo sát, ghi nhận được từ các bên, Sở Xây dựng sẽ lên một khung các dịch vụ và giá dịch vụ chung cư. Khung này sẽ rộng hơn so với những hạng mục dịch vụ nhà chung cư thiết yếu đi kèm Quyết định 4520.

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Trần Hợp Dũng cho biết, giá dịch vụ nhà chung cư đang được tính toán có thể sẽ được điều chỉnh một năm một lần dựa trên chỉ số giá, căn cứ tình hình biến động giá của địa phương. Nếu 2-3 năm không có biến động lớn và đáng kể về lương, giá điện, xăng dầu... thì không nhất thiết phải điều chỉnh giá. Tuy nhiên quan trọng là việc xác định những thành phần căn bản cấu thành nên giá như việc ban hành một định mức rõ ràng, minh bạch, dễ quản lý nhằm tiến tới ổn định, lâu dài về mức giá.

Nhìn lại một năm qua, với tình hình lương cơ bản được điều chỉnh tăng từ cuối năm 2011, rồi giá điện, xăng dầu và có thể giá nước sinh hoạt cũng tăng, nhiều khả năng giá dịch vụ chung cư được ban hành tới đây sẽ phải có sự điều chỉnh.

Còn nhiều vướng mắc

Theo ông Dũng, việc lên được một khung dịch vụ nhà chung cư hiện nay cũng không hề đơn giản, không chỉ bởi tính chất đa dạng, khó kiểm soát của nó mà ngay cả từ góc độ quản lý. Bản thân Quyết định 4520/2011 khi Sở Xây dựng trình UBND thành phố và báo cáo Bộ Xây dựng, đã nêu rõ những vướng mắc trong việc xếp hạng nhà chung cư theo Thông tư 14/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về phân hạng nhà chung cư.

Hà Nội lấy ý kiến của dân để minh bạch giá dịch vụ chung cư | ảnh 2

Bởi lẽ chuẩn mực nhà chung cư như Bộ Xây dựng hướng dẫn trong Thông tư 14 là hoàn hảo. Rất khó khu biệt, đánh giá phân cấp các toà nhà trong cùng một khu vực với nhau đã đành, việc định nghĩa thế nào là một tòa nhà chung cư cao cấp cũng chưa có bộ tiêu chuẩn được lượng hóa cụ thể, khoa học và thuyết phục. Từ việc phân định loại nhà khó khăn cho nên việc lên một khung dịch vụ và giá dịch vụ cũng phức tạp không kém.

Đơn cử việc đánh giá xếp loại nhà ví dụ tòa chất lượng hạng 2 nhưng nằm ở khu vực phố cổ cũng khác hoàn toàn với tòa nhà chất lượng loại 1 nhưng nằm ở vùng ven. Cái quan trọng nhất của việc xếp hạng nhà chung cư có lẽ cũng cần học tập kinh nghiệm của việc xếp hạng khách sạn, nghĩa là có các tổ chức đánh giá độc lập đứng ra kiểm soát, đánh giá từ lúc phê duyệt dự án, thực hiện triển khai, đến khi vận hành vẫn đánh giá thường niên chất lượng tòa nhà lẫn dịch vụ.

Mặt khác, Thông tư số 37/2009 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý giá dịch vụ nhà chung cư, ngoài các dịch vụ thiết yếu, còn ghi rõ các dịch vụ cung cấp khác như sauna, mat-xa, chăm sóc trẻ em được đánh giá là cao cấp. Tuy nhiên, ngoài ý nghĩa là các dịch vụ gia tăng thì việc định nghĩa thế nào là cao cấp là rất khó đối với nhà quản lý.

"Nhà quản lý đưa ra khái niệm dịch vụ thiết yếu như vào tòa nhà phải có thang máy, có cây xanh thảm cỏ, có diệt côn trùng... Song rất nhiều tòa nhà chúng tôi đi khảo sát không có diệt côn trùng. Chủ dự án báo cáo rất rõ vì sao không sử dụng vì thế giờ ép họ dùng rất khó" - ông Dũng mô tả.

Có lẽ cũng vì lý do này mà hiện giờ trên 63 tỉnh thành cả nước mới chỉ có Hà Nội mạnh dạn ban hành giá dịch vụ nhà chung cư. Mà thực chất cách tiếp cận vẫn đề cũng khá thận trọng và lâu dài với tên gọi là một đề án, chứ không phải trực diện xây dựng mẫu giá dịch vụ chung cư.

Quyết định 4520 của Hà Nội ra đời sau hai năm điều tra, khảo sát tổng hợp các ý kiến của người dân và các chủ đầu tư cũng mới chỉ đưa ra được giá trần các dịch vụ cơ bản như quét dọn, vệ sinh, bảo vệ, vận hành, thay rửa bể nước đến lễ tân, phun thuốc diệt côn trùng, chăm sóc cây xanh thảm cỏ...

Đặc biệt là chính người dân và chủ đầu tư nhà chung cư cũng chưa thực sự quan tâm và làm tròn trách nhiệm của mình ở vấn đề này. Những người trực tiếp thực hiện đề án cho biết, việc thu thập thông tin trước khi xây dựng, ban hành Quyết định 4520 rất vất vả.

Họ đã hỏi ý kiến 292 chủ đầu tư trên địa bàn thành phố, tổ chức điều tra hơn chục dự án đang có tranh chấp để tìm ra mâu thuẫn cơ bản, đồng thời phát ra 1.000 phiếu điều tra trực tiếp tới người dân đang sinh sống tại nhà chung cư. Tuy nhiên trong khi chủ đầu tư nhìn chung không muốn có giá dịch vụ chung cư thì phía người dân, 700 phiếu rơi vào quên lãng. Mặc dù các điều tra viên phải đứng chờ tận cửa mỗi nhà, cũng chỉ thu về được 300 phiếu trả lời.

Từ tháng 9/2011, khi Quyết định 4520 đi vào cuộc sống, đã rất nhiều cuộc đấu tranh, đòi minh bạch giá cả chi phí dịch vụ chung cư của cư dân với chủ đầu tư, đơn vị quản lý nổ ra trên địa bàn Hà Nội. Từ đây cũng xuất hiện các ý kiến phê phán giá trần giá dịch vụ chung cư chưa rõ ràng, đang gây nhiều hiểu lầm, mâu thuẫn.

Phải nói rằng, việc ban hành một mức giá tham khảo chung cho vấn đề này là rất phức tạp và nhạy cảm. Nhưng khi mà hệ thống pháp luật chưa kịp thời điều chính, ý thức, hiểu biết, trách nhiệm của chủ đầu tư và người dân chưa đầy đủ thì việc mổ xẻ vấn đề theo hướng ngày càng công khai, minh bạch là cách làm tích cực và cũng là trách nhiệm của chính quyền. Tất nhiên có làm thì mới có sự góp ý, điều chỉnh những bất cập. Sự mâu thuẫn, đấu tranh trên cơ sở đó mới góp phần ổn định trật tự trong vấn đề quản lý vận hành, giá dịch vụ chung cư.

(Theo VEF)

  • 0
  • By Admin
  • 11/06/2012
  • 17