• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội không có chủ trương xây cầu cảng kiên cố trên hồ Tây

Hà Nội không có chủ trương xây cầu cảng kiên cố trên hồ Tây | ảnh 1
Bản vẽ dự án cầu cảng (vòng tròn đen) cạnh công viên nước hồ Tây Ảnh: T.Đảng.

Ông Thành cho biết, quy định về quản lý mặt nước và không gian cảnh quan trên hồ Tây được quy định rõ trong Quyết định 92 của UBND thành phố Hà Nội. Theo đó, việc quản lý, khai thác Hồ Tây phải đảm bảo phát triển bền vững phục vụ lợi ích cộng đồng, mọi hoạt động liên quan việc quản lý hồ Tây tuân theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy định hiện hành, gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm điều hòa hệ thống thoát nước thành phố.

“Vì vậy, từ sau Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố không có chủ trương phát triển cầu cảng kiên cố trên hồ Tây”, ông Thành khẳng định.

Về văn bản 3963 mà Văn phòng UBND thành phố chuyển ý kiến của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi yêu cầu quận Tây Hồ phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH-KT), Sở GTVT trong việc xây dựng cầu cảng theo đề xuất của quận, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho rằng, đây chỉ là văn bản nhằm thực hiện việc di dời các nhà nổi, thuyền nổi khỏi khu vực Thụy Khuê phục vụ dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Toàn bộ nội dung này cũng được Sở QH-KT cụ thể trong văn bản 1056, về việc thỏa thuận với đề xuất của UBND quận Tây Hồ muốn di dời các nhà nổi tại đường Thụy Khuê về khu vực gần công viên nước hồ Tây. Tuy nhiên, thỏa thuận “chỉ có tính chất tạm thời trước mắt để phục vụ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, về lâu dài UBND quận Tây Hồ cần rà soát cơ sở pháp lý để thực hiện theo các quy định của pháp luật”, văn bản 1056 của Sở QH-KT nêu rõ.

Hà Nội không có chủ trương xây cầu cảng kiên cố trên hồ Tây | ảnh 2
Hồ Tây bị chiếm dụng mặt nước và đóng cọc bê tông Ảnh: T. Đảng.

Cùng các chuyên gia kiến trúc và lãnh đạo một số sở ngành, nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội cũng nói, chỉ có vài chiếc thuyền nổi kinh doanh ăn uống mà phải đổ bê tông, khoanh gần 2 ha mặt nước hồ Tây là không nên. “Điều ấy không phù hợp với quy chế quản lý hồ Tây đã được nêu trong Quyết định 92 của UBND thành phố Hà Nội, và vi phạm về cảnh quan, kiến trúc của một trong 4 khu vực đã được Thủ tướng Chính phủ xếp vào diện cấm xâm phạm là khu chính trị Ba Đình, hồ Hoàn Kiếm, phố cổ và hồ Tây”, đại biểu Phạm Thị Thành nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Vũ Đức Tân cho rằng, Hà Nội có 1.000 năm phát triển nhưng quy hoạch vẫn rất lộn xộn, tùy hứng. Không những hồ Tây mà nhiều khu vực linh thiêng cần bảo vệ và cũng đã được Thủ tướng Chính phủ xếp vào diện cấm xâm phạm vẫn bị nhiều dự án nhòm ngó. “Về thực trạng các khu di tích, lòng hồ bị lấn chiếm, “xẻ thịt” chúng tôi đã đề cập, chất vấn nhiều lần tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân. Nhưng lãnh đạo thành phố cứ hứa còn cơ sở thì cứ vi phạm”, đại biểu Vũ Đức Tân phàn nàn.

(Theo TPO)

  • 0
  • By Admin
  • 20/05/2011
  • 17