Hà Nội không cho cá nhân sở hữu vĩnh viễn nhà ở xã hội
Phó giám đốc Sở Xây dựng khẳng định, trong khoảng tháng 6, tháng 7 tới, sẽ xem xét và duyệt danh sách các trường hợp được thuê nhà ở xã hội.Hiện Sở Xây dựng đã hoàn thành việc lấy ý kiến các ban ngành về quy chế đối với các trường hợp được thuê, thuê mua nhà ở xã hội và tổng hợp trình UBND thành phố. Tới đây, thành phố sẽ có buổi làm việc với các ban ngành một lần nữa để thống nhất các quy chế đó.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, quy chế về việc xét duyệt này, cơ bản là dựa theo Nghị định 36 của Bộ Xây dựng. Nhưng trong đó có quy định đặc thù riêng phù hợp với Hà Nội, bởi đó là quỹ nhà ở xã hội chứ không phải là nhà chính sách hay nhà thu nhập thấp.
Nhà ở xã hội vẫn được áp dụng dưới hai dạng là thuê và thuê mua.
“Đã là nhà ở xã hội thì quy chế đó phải làm sao để sau này không đòi hỏi các quỹ nhà như ở Kim Liên, Khương Thượng… Tức là không phải cứ vào đó ở là ở mãi. Ví dụ có 5 điều kiện để được vào đó ở thì sau một thời gian phấn đấu mà chỉ còn 3 điều kiện thì đương nhiên phải đi khỏi đó để cho người khác ở”, Phó giám đốc Sở Xây dựng nói.
Theo đó, sẽ có quy định cụ thể về việc không được bán, không được thừa kế, không được chuyển nhượng đối với nhà ở xã hội.
“Cái khó đối với việc xây dựng quy chế cho nhà ở xã hội là ở chỗ đó, quy chế phải làm sao để giao đúng đối tượng, phải chặt chẽ. Phải để các cán bộ nhà nước có thu nhập thấp hiểu rằng nhà ở xã hội này là cái ưu đãi của nhà nước cho những người thực sự khó khăn, nhưng anh phải vươn lên, thoát khỏi cái đó chứ nếu ỷ lại thì sẽ không bao giờ có được quỹ nhà đủ lớn để đáp ứng đủ nhu cầu”, ông Nguyễn Quốc Tuấn chia sẻ.
Nhà ở xã hội vẫn được áp dụng dưới hai dạng là thuê và thuê mua. Hiện mới có 500 căn nhà ở xã hội cho thuê, trong tháng 6 và tháng 7 tới đây sẽ hoàn thiện việc bàn giao cho cơ quan quản lý nhà.
Còn 300 căn cho thuê mua hiện mới đang trong quá trình làm móng. Với dạng nhà này, người ở sẽ được mua sau 10 năm ở thuê.
Theo kế hoạch, từ nay tới trước tháng 7, toàn bộ quy chế, mẫu hồ sơ thuê nhà ở xã hội sẽ phải hoàn thành để công khai cho nhân dân biết. Việc xét duyệt hồ sơ sẽ do liên ngành xét duyệt.
Trả lời câu hỏi liệu có xuất hiện cơ chế “xin cho” khi xét duyệt đối tượng được ở nhà ở xã hội, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng:
“Vấn đề là ở chỗ khi cầu nhiều mà cung lại ít thì không thể tránh được chuyện xin cho. Vì thế, UBND thành phố mới thành lập một hội đồng xét duyệt để công khai. Tất cả các thông tin như dự án ở đâu, điều kiện, tiêu chuẩn như thế nào, thời gian nhận đơn, xét tuyển như thế nào sẽ được công khai. Và sau khi xét duyệt rồi thì danh sách đó cũng được công khai. Khi đã công khai như thế thì câu chuyện xin cho không có nữa”.
Theo KH&ĐS
- 153
- By Admin
- 27/04/2010
- 17