Hà Nội giải thích việc "bán đất xây dựng nông thôn mới"
Theo lãnh đạo Hà Nội, thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và Chính phủ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo làm điểm xây dựng nông thôn mới tại 3 xã Mai Đình (Sóc Sơn), Song Phượng (Đan Phượng) và Đại Áng (Thanh Trì).
"Nguồn vốn để thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới bao gồm: vốn ngân sách các cấp (thành phố, huyện, xã); vốn thuộc các chương trình mục tiêu; vốn của các chương trình lồng ghép; vốn huy động của các doanh nghiệp; vốn huy động đóng góp của nhân dân... Theo đó, nguồn vốn ngân sách xã bao gồm các nguồn thu từ ngân sách xã, nguồn đấu giá quyền sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt (chiếm tỉ lệ trên dưới 15% tổng vốn đầu tư của đề án)" - lãnh đạo Hà Nội cho biết.
Dọc đường liên xã, liên thôn, những xã được cho phép thí điểm đã quy hoạch sẵn đất để bán (Ảnh: NNVN).
Theo đó, tại Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010, Thủ tướng Chính phủ xác định "Huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai chương trình, Hội đồng nhân dân tỉnh quy định tăng tỉ lệ vốn thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất cho thuê trên đất địa bàn xã (sau khi đã trừ đi chi phí) để lại cho ngân sách xã, ít nhất 70% thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới".
Cùng với đó, Thông tư 174/2009/TT-BTC ngày 8/9/2009 của Bộ Tài chính cũng nêu rõ "Huy động tối đa nguồn lực địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai đề án; riêng nguồn vốn thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn xã (sau khi đã trừ đi chi phí) đề nghị UBND tỉnh, thành phố báo cáo HĐND tỉnh xem xét quyết định để lại 100% cho ngân sách xã, nhằm tạo nguồn vốn thực hiện đề án".
Do đó, lãnh đạo Thành phố Hà Nội cho rằng việc phê duyệt chủ trương để các địa phương được khai thác nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới là hoàn toàn đúng với chỉ đạo của Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương.
"Tuy nhiên, để thực hiện được các dự án đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định, các địa phương phải làm đầy đủ các thủ tục theo đúng trình tự quy định của pháp luật và đúng chính sách pháp luật hiện hành; vị trí, quy mô của các khu vực được đấu giá phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phải được Thành phố phê duyệt mới triển khai thực hiện được" - lãnh đạo Thủ đô nhấn mạnh.
Trước đó, có thông tin cho hay ngay sau khi TP Hà Nội có quyết định cho bán đất xây dựng nông thôn mới (quyết định vừa ký ráo mực) thì kế hoạch bán đất của các xã đã được chuẩn bị khá kỹ càng như thể…đã có từ lâu!?
Chủ tịch UBND xã Mai Đình còn vui vẻ "bật mí" với phóng viên báo chí: “Thành phố đã cho phép chúng tôi bán đất rồi, anh xem quyết định đây này. Trước Thành phố chỉ cho bán đấu giá đất xen kẹt thôi, giá thấp và chỉ được giữ lại 50%. Nay, với đất xen kẹt, Thành phố cho giữ lại 100%. Nay cho bán cả đất lúa. Không những thế, chúng tôi còn được giữ lại 80% số tiền bán đấu giá đất đó”...
Đề án xây dựng nông thôn mới (đã được HĐND TP Hà Nội thông qua) do báo chí trích dẫn cho thấy, Hà Nội phấn đấu từ năm 2010 - 2015 có từ 35 - 40% số xã đạt xã nông thôn mới; từ năm 2015 - 2020 có 70 - 80% số xã đạt nông thôn mới; từ 2020 - 2030 có 100% số xã đạt nông thôn mới. Tổng kinh phí cho đề án này là 32.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách dự kiến cấp 17.000 tỷ đồng.
(Theo KH&ĐS)
- 140
- By Admin
- 02/08/2010
- 17