Hà Nội đề xuất: Đất ra mặt đường, phải đóng tiền
UBND TP Hà Nội chỉ rõ tồn tại trong việc thu hồi đất làm hạ tầng tại buổi tổng kết thi hành Luật Đất đai do TP phối hợp với Ban Chỉ đạo trung ương về tổng kết thi hành Luật Đất đai tổ chức ngày 15/3.“Sau khi mở đường, xây dựng các khu đô thị, giá trị quyền sử dụng đất tăng lên gấp nhiều lần so với trước. Nhiều người có đất được hưởng lợi từ việc đầu tư của Nhà nước, đất của họ bỗng nhiên có giá hơn trước gấp nhiều lần. Nhà nước chưa điều tiết được giá trị tăng lên của những người còn đất sau thu hồi; chưa tạo được sự công bằng giữa người bị thu hồi đất và người còn đất. Nhà nước chưa có chính sách thu chênh lệch để điều tiết lại hoặc bổ sung ngân sách để tái đầu tư”.
Đất ra mặt đường, phải đóng tiền
Từ thực tế này, UBND TP Hà Nội kiến nghị: Thu tiền chênh lệch sau khi Nhà nước mở đường, xây dựng các khu đô thị. Một phần cho những người bị thu hồi đất, một phần bổ sung lại nguồn tiền từ ngân sách đã bỏ ra để làm hạ tầng. Việc này thực hiện bằng cách lập quy hoạch chi tiết 1/500 hai bên đường; lấy quỹ đất hai bên đường để đấu giá dự án có sử dụng đất. Các trường hợp khác, sau khi quy hoạch, khu đất ra mặt đường thì người có đất phải nộp tiền cho Nhà nước phần giá trị tăng lên, gọi là chênh lệch lợi thế địa tô.“Khi làm đường phải thu hồi đất ở hai bên đường, mỗi bên 50 m. Nơi này làm khu thương mại, nhà ở, lấy nhà ở đó làm khu tái định cư. Như vậy, vừa có tiền để bồi thường giải phóng mặt bằng, làm đường, vừa quy hoạch được tuyến phố hai bên đường một cách bài bản, đẹp đẽ, tránh được tình trạng xuất hiện nhà siêu mỏng, siêu méo sau khi làm đường như hiện nay” - ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP Hà Nội chỉ rõ.
Việc làm đường không gắn với quy hoạch tuyến phố hai bên làm xuất hiện nhà siêu mỏng, siêu méo. Trong ảnh: Nhà siêu mỏng trên đường Khuất Duy Tiến (Hà Nội). Ảnh: HV |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh, việc lấy đất xây dựng hai tuyến phố mới khi làm đường đã được TP đưa vào dự thảo Luật Thủ đô. “Tuy nhiên theo Luật Quy hoạch, việc này phải hỏi ý kiến người dân nhưng người dân lại khó đồng tình vì bị ảnh hưởng quyền lợi. Vì vậy sẽ lấy ý kiến của HĐND thay vì lấy lý kiến của từng người dân ở đó” - ông Khanh nói.
Thống nhất thời hạn giao đất?
10.000 tỉ đồng là số tiền trung bình hằng năm TP Hà Nội thu được từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… Riêng việc đấu giá quyền sử dụng đất hằng năm thu 2.000-3.000 tỉ đồng. |
Cũng theo UBND TP Hà Nội, hiện có sự phân biệt về thời hạn giao đất, thuê đất đối với các cá nhân, hộ gia đình sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh. Ví dụ, thời hạn cho thuê đất đối với DN nhà nước là 30 năm, DN tư nhân là 50 năm; thời hạn giao đất nông nghiệp là 20 năm. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng giữa các đối tượng. Vì thế, Hà Nội đề nghị thống nhất thời hạn giao đất, cho thuê đất để sản xuất, kinh doanh là 50 năm.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển, sở hữu đất đai là vấn đề rất nhạy cảm. Các vấn đề như sở hữu đất đai và hạn mức, thời hạn sử dụng đất, điều tiết chênh lệch địa tô… đang được Bộ TN&MT lấy ý kiến ở 63 tỉnh, thành. “Sau đó, sẽ tổ chức hội thảo về những vấn đề này, cần có đánh giá ở cả thực tế và lý luận” - ông Hiển nói.
Sở hữu nhà chung cư 70 năm
UBND TP Hà Nội kiến nghị đối với đất làm nhà chung cư, hình thức sử dụng đất là giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng không quá 70 năm, theo niên hạn sử dụng công trình. Hoặc áp dụng hình thức cho thuê đất để xây dựng nhà chung cư. Căn hộ được đăng ký sở hữu theo niên hạn. |
(Theo PLTPHCM)
- 132
- By Admin
- 16/03/2011
- 17