• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội có "đáp án" cho nhà nguy hiểm sau 7-10 ngày?

Chung cư nguy hiểm muốn "xóa" còn gian nan vậy, với chung cư chỉ cũ nát, xuống cấp đơn thuần bao giờ Hà Nội mới "xóa" xong? (Chụp cuộc di dời khỏi chung cư nguy hiểm C1 Thành Công - Ảnh: H.H).


Theo Thông báo 137/TB-UBND vừa được UBND TP Hà Nội ban hành ngày 24/11/2008, ngay trong tháng 11 này, Sở Xây dựng phải rà soát xong và trình danh sách toàn bộ nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, tái thiết các chung cư nguy hiểm trên địa bàn thành phố.

Song song đó, cũng trong tháng 11/2008, Sở Xây dựng cần khẩn trương làm việc với Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và các cơ quan có thẩm quyền để rà soát hồ sơ pháp lý, xác định cấp độ các nhà nguy hiểm, báo cáo UBND TP về giải pháp xử lý cũng như quỹ nhà tạm cư để di dân.

Ngay sau đó, Sở này phải kiểm tra, hướng dẫn chủ đầu tư lập và phê duyệt phương án phá dỡ, thiết kế cơ sở cùng các thủ tục quản lý đầu tư xây dựng, nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ mà Thành phố đã đề ra.

Sở Qui hoạch-Kiến trúc căn cứ Qui chuẩn Xây dựng Việt Nam và qui hoạch chi tiết quận (huyện) nơi tồn tại chung cư nguy hiểm để xác định ngay chỉ tiêu qui hoạch - có thể coi là các thông số cụ thể, "đáp án" cho công trình tương lai - làm cơ sở để nhà đầu tư lập phương án, dự án cải tạo, xây dựng lại các nhà nguy hiểm này. Sau 7 - 10 ngày nhận được hồ sơ của nhà đầu tư, Sở QH-KT phải có văn bản giải quyết.

Bên cạnh đó, UBND các quận (huyện) được giao "trọng trách" tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và giải thích cho người dân đang sinh sống tại các chung cư nguy hiểm hiểu chủ trương, chính sách của Nhà nước và Thành phố trong việc này.

Đồng thời, UBND các quận cần phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo GPMB Thành phố và các sở, ngành liên quan kiểm tra, hướng dẫn và phê duyệt kịp thời phương án hỗ trợ, di chuyển, tạm cư và tái định cư theo đúng qui định hiện hành.

Các chủ đầu tư đã nhận nhiệm vụ sẽ chịu sự kiểm tra, giám sát từ phía Sở Xây dựng và nhiều sở, ngành, chính quyền sở tại. Nếu chủ đầu tư không đủ năng lực, không thực hiện đúng các yêu cầu và cam kết sẽ bị thu hồi nhiệm vụ, giao cho đơn vị khác thực hiện.

Đến lúc này, với gần 80 chung cư nguy hiểm hiện đang "tồn đọng", Hà Nội mới di dân được 2 chung cư là P3 Phương Liệt (năm 2005) và C1 Thành Công (năm 2008). P3 Phương Liệt đã được phá từ lâu song chưa xây lại. C1 Thành Công dự kiến phá dỡ xong trong tháng 12/2008.
Theo Vietnamnet
  • 184
  • By Admin
  • 25/11/2008
  • 17