Hà Nội: Ðẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ
Thành phố Hà Nội tập trung triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm cải thiện chất lượng sống cho người dân, góp phần làm cho bộ mặt Thủ đô khang trang, hiện đại.Người dân mong mỏi
Khu tập thể (KTT) Văn Chương (quận Ðống Ða) được xây dựng từ những năm 1960- 1970, gồm 12 dãy nhà dành cho cán bộ, công nhân viên ngành giao thông vận tải. Sau nhiều năm sử dụng, KTT này đã xuống cấp nghiêm trọng. Bí thư Chi bộ cụm dân cư số 2 Lê Mạnh Nhân cho biết: Mỗi dãy nhà A có 34 căn hộ, diện tích căn hộ lớn nhất 24 m2, căn nhỏ nhất chỉ có 6 m2. Mái nhà lợp ngói cho nên thường xuyên bị ngấm dột, ẩm mốc; hệ thống xà xuống cấp, võng xệ nguy hiểm. Khu vệ sinh, nhà bếp dùng chung chật chội, không bảo đảm điều kiện vệ sinh tối thiểu, điều kiện ăn ở của người dân rất khó khăn. Năm 2004, TP Hà Nội đã quyết định cải tạo, phê duyệt chủ đầu tư cải tạo KTT. Ban quản lý dự án đã tổ chức điều tra xã hội học, gặp gỡ trao đổi ý kiến với người dân trong KTT, nhưng từ đó đến nay không có động tĩnh gì.KTT Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) gồm 14 dãy nhà tập thể được xây dựng từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, hiện có hơn 9.000 người dân sinh sống. Những năm qua, do buông lỏng quản lý, một số hộ dân đã "nhảy dù", lấn chiếm khoảng đất lưu không giữa các dãy nhà tập thể làm nơi kinh doanh, buôn bán. Nhiều hộ dân tự ý phá dỡ tường, dầm để cơi nới, mở rộng diện tích chỗ ở, khiến kết cấu tòa nhà bị ảnh hưởng, gia tăng mức độ xuống cấp và nguy hiểm đối với cuộc sống của người dân. Ðể bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, cải thiện đời sống người dân và mỹ quan đô thị, từ năm 2002, thành phố triển khai dự án cải tạo, xây dựng lại KTT này. Dự án nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Anh Nguyễn Văn Thao, nhà B2 tổ dân phố 34 đã sinh sống tại đây gần 40 năm cho biết, người dân rất phấn khởi được thành phố quan tâm, mong đợi dự án sớm hoàn thành.
Tại dự án cải tạo nhà D2 Giảng Võ, do có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương với chủ đầu tư, cho nên tiến độ khả quan hơn. Ngay khi được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND quận Ba Ðình khẩn trương lập, phê duyệt phương án di dời toàn bộ 97 hộ dân và sáu tổ chức ra khỏi khu nhà cũ nát. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà Gia Bảo cùng người dân thảo luận, thống nhất xây dựng hợp đồng quy định chi tiết các quyền lợi, trách nhiệm cụ thể của mỗi bên. Vì thế, đến nay đã có 79 trường hợp đồng ý ký hợp đồng thỏa thuận trực tiếp với chủ đầu tư, nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng. Với những hộ còn lại, quận đang một mặt tích cực tuyên truyền, vận động bàn giao mặt bằng, mặt khác chuẩn bị phương án và kiên quyết xử lý hành chính theo quy định pháp luật để bảo đảm tiến độ dự án.
Giải pháp mạnh: Thay thế nhà thầu chây ỳ
Chương trình cải tạo, nâng cấp các chung cư cũ được TP Hà Nội khởi động từ năm 2005, với mục tiêu cơ bản hoàn thành vào năm 2015. Tuy vậy, đến nay tiến độ thực hiện rất chậm trễ. Hiện thành phố có bảy dự án đang được thi công, tám dự án đã được chấp thuận. Ngay cả những dự án đã khởi công cũng không đạt tiến độ như mong muốn. Dự án cải tạo nhà C7 Giảng Võ khởi công từ tháng 5-2009, dự kiến hoàn thành quý I-2011, nhưng hiện nay công việc xây dựng vẫn ngổn ngang. Dự án nhà B6 Giảng Võ sau nhiều năm phá dỡ, mới được khởi công cuối tháng 7 vừa qua... Các khu chung cư còn lại mới hoàn thành công tác khảo sát hiện trạng, tiến hành điều tra xã hội học, phổ biến chính sách đến người dân...Ở KTT Nguyễn Công Trứ, mặc dù Công ty Ðầu tư và phát triển nhà số 7- chủ đầu tư dự án đã đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng xây năm tòa nhà cao tầng phục vụ tạm cư và hơn 40 tỷ đồng bồi thường cho các hộ dân hai dãy nhà A1 và A2, nhưng đến nay vẫn còn 40 hộ dân thuộc hai dãy nhà này chưa chấp thuận phương án bồi thường.
Lý giải về nguyên nhân chậm trễ này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho biết: Một số hộ dân, nhất là các hộ dân ở tầng 1, sau khi lấn chiếm diện tích lớn chung quanh căn hộ, trở thành những địa điểm kinh doanh "đắc địa", khả năng sinh lời cao. Vì vậy, họ có những "đòi hỏi" vượt khả năng đáp ứng của chủ đầu tư dự án, như yêu cầu diện tích tái định cư rộng, tạo điều kiện cho thuê cửa hàng để kinh doanh...
Mặt khác, chính sự vào cuộc thiếu chủ động của một số chủ đầu tư cũng gây nên sự chậm trễ. Một số chủ đầu tư sau khi được thành phố giao thực hiện dự án chậm triển khai, hoặc chỉ làm cầm chừng, điển hình là chủ đầu tư dự án cải tạo KTT Văn Chương. Cá biệt, một số chủ đầu tư tự tạo ra phức tạp trong quá trình thỏa thuận với người dân, tạo sức ép với thành phố để được nâng cao số tầng xây dựng, nhằm có thêm diện tích sàn để kinh doanh. Trường hợp nhà B6 Giảng Võ là thí dụ điển hình.
Theo phân vùng kiểm soát phát triển công trình cao tầng trong khu vực bốn quận nội thành, dự án thuộc phân vùng có quy mô 21 tầng. Thành phố đã cho phép chủ đầu tư xây dựng khối nhà ở cao 19 tầng, khối văn phòng cao 22 tầng. Nhưng trong hồ sơ xin cấp phép xây dựng, chủ đầu tư đề nghị thêm năm tầng "lửng" và bốn tầng "kỹ thuật" cho khối nhà 19 tầng; Khối nhà 22 tầng có thêm ba tầng lửng, hai tầng kỹ thuật và một tầng mái cao, nâng số tầng của tòa nhà lên 28 tầng. Vì vậy, Sở Xây dựng đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư phải điều chỉnh lại thiết kế dự án.
Việc kéo dài thời gian thực hiện các dự án cải tạo chung cư cũ đang ảnh hưởng trực tiếp đến nơi ăn chốn ở của hàng nghìn hộ dân, mà phần lớn trong đó là cán bộ về hưu, người làm công ăn lương, người lao động có thu nhập thấp... cuộc sống của họ vốn chẳng mấy dư dả, nay càng thêm khó khăn vì thiếu ổn định về chỗ ở. TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát và công khai thông số quy hoạch toàn bộ các chung cư cũ trên địa bàn; xác định năng lực của chủ đầu tư và kiên quyết thay thế những chủ đầu tư chậm trễ, không đủ năng lực. Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị thành phố thu hồi quyết định giao nhiệm vụ đầu tư, giao chủ đầu tư khác đối với bốn dự án chậm trễ, đề nghị đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư đối với hai dự án.
Với cách làm kiên quyết này, hy vọng, việc cải tạo các chung cư cũ tại Hà Nội trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.
(Theo Nhandan)
- 115
- By Admin
- 25/10/2011
- 17