• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội: Yêu cầu giải quyết dự án Công viên “treo” 11 năm tại quận Đống Đa


Hà Nội: Yêu cầu giải quyết dự án Công viên “treo” 11 năm tại quận Đống Đa | ảnh 1
Nhiều hộ dân khu ao Thước Thợ trong diện giải tỏa theo dự án xây dựng công viên năm 2001 bức xúc vì sau 10 năm công viên không thấy đâu mà khu đất ở của họ giờ thành bãi rác, bãi kim tiêm. (Ảnh: Anh Thế)

Ông Nguyễn Văn Thắm, Phó Trưởng phòng Tiếp công dân Thanh tra Chính phủ đã ký văn bản số 1087B/TDTW gửi UBND TP. Hà Nội nêu rõ: Ông Nguyễn Văn Nam cùng hai công dân ở tổ 8, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP. Hà Nội đến Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và nhà nước phản ánh về một số nội dung bất thường tại dự án Công viên Đống Đa.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Nam và hai công dân đi cùng đại diện cho 50 hộ dân hoàn toàn không có nhà khác để ở (sau khi bị nhà nước thu hồi đất ở tại khu vực ao Thước Thợ, phường Trung Liệt, quận Đống Đa năm 2001) xin nộp đơn và đề nghị với Nhà nước xem xét giúp đỡ cho 50 hộ dân này, nhằm giảm bớt khó khăn cuộc sống.

Hà Nội: Yêu cầu giải quyết dự án Công viên “treo” 11 năm tại quận Đống Đa | ảnh 2
Bên cạnh các bãi rác, khu đất dự án Công viên Đống Đa còn là nơi các con nghiện trú chân. (Ảnh: Anh Thế)

Theo ông Nam cho biết, gia đình ông cùng 49 hộ dân khác được xác minh và công nhận là những gia đình hoàn toàn không có nhà khác để ở, sau khi bị nhà nước thu hồi đất ở khu vực ao Thước Thợ để thực hiện dự án Công viên Văn hóa, thể thao và vui chơi quận Đống Đa. Vì thế, những gia đình này được UBND TP. Hà Nội bán cho nhà tái định cư ở khu Việt Hưng, quận Long Biên. Như vậy, UBND Thành phố đã xem xét và tạo điều kiện cho các hộ gia đình này.

Điều trớ trêu là hầu hết các gia đình trên đều quá nghèo, dồn hết tiền hỗ trợ của nhà nước và khả năng hiện có đều không thể đủ tiền mua nhà do UBND TP. Hà Nội bán cho. Trong khi đó quy chế đề ra chỉ có 3 tháng các hộ dân phải nộp đủ tiền mua nhà, nếu không các hộ dân trên sẽ không còn quyền mua nhà nữa.

Ông Nam cho rằng, UBND TP. Hà Nội đã tạo điều kiện bán nhà cho các hộ gia đình này, nhưng không sát thực tế. Vì đối tượng được mua nhà đều là những người không có việc làm, bộ đội xuất ngũ, CBCNV nghỉ hưu, nên không thể có tiền đáp ứng được quy định đề ra của UBND Thành phố. Do vậy, các hộ dân này vẫn hoàn toàn không có nhà ở và phải tá túc nhờ vả các gia đình khác để có chỗ ở.

Hà Nội: Yêu cầu giải quyết dự án Công viên “treo” 11 năm tại quận Đống Đa | ảnh 3
Người dân mòn mỏi trông chờ một Công viên cây xanh Đống Đa trong dãy hàng rào dây thép đã han gỉ từ bao giờ. (Ảnh: Anh Thế)

Quá bức xúc các hộ dân liên tục khiếu nại và đề nghị UBND TP. Hà Nội xem xét hỗ trợ. Tuy nhiên, UBND TP. Hà Nội đã ra văn bản số 671/UBND-TNMT ngày 26/1/2011 với nội dung: Kể từ nay các sở, ngành của Thành phố không tiếp nhận, xem xét giải quyết đơn khiếu nại, kiến nghị của các công dân bị giải tỏa, chống lấn chiếm đất ở ao Thước Thợ, phường Trung Liệt, quận Đống Đa vào năm 2001. Vì thế, ông Nam và các công dân kéo đến Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước đề trình bày và đề nghị các nội dung trên.

Căn cứ vào đơn và nội dung ông Nam cùng các công dân trình bày, Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước thấy thẩm quyền xem xét và giải quyết nội dung đề nghị trên thuộc UBND TP. Hà Nội. Vậy, Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước chuyển đơn ông Nguyễn Văn Nam và các công dân tới UBND TP. Hà Nội để giải quyết theo thẩm quyền và trả lời kết quả cho công dân theo luật định.
 
Năm 2001, sau khi có phê duyệt dự án công viên văn hóa, thể thao, vui chơi Đống Đa rộng 7,09 ha, UBND TP. Hà Nội giao cho Ban quản lý dự án quận Đống Đa làm chủ đầu tư dự án, thực hiện xây mới hoàn toàn. Đây là dự án với mục đích phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí và sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân khu vực và thành phố, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường và văn minh xã hội… Thế nhưng, Ban quản lý dự án quận Đống Đa chỉ di dời được 132 hộ, số diện tích GPMB được khoảng 2,2 ha rồi… bỏ đấy! Ngoài 132 hộ đã thực hiện GPMB từ năm 2001, trong dự án hiện nay còn có tới 800 đến 1.000 hộ dân đang sinh sống thuộc diện giải tỏa vô cùng khó khăn, bởi họ phải sống trong những căn nhà chật chội, cuộc sống luôn thiếu điện, thiếu nước.
 
Theo quan sát của PV Dân trí, trong khu vực dự án hiện nay xuất hiện nhiều hộ dân đua nhau cơi nới, xây nhà cao tầng mà không thấy chính quyền địa phương ngăn chặn. Phần diện tích đã thu hồi 2,2 ha nhiều chỗ cỏ hoang mọc um tùm, là tụ điểm tiêm chích ma túy, nơi tập kết rác gây ô nhiễm môi trường… Người dân cho biết, mấy năm trước còn có một nam thanh niên vào tiêm chích ma túy, bị sốc thuốc chết thối rữa mới phát hiện tại khu vực giải tỏa.

(Theo Dân trí)

  • 96
  • By Admin
  • 08/02/2012
  • 17