Hà Nội: Xử lý vi phạm đê hữu Hồng, cấp cơ sở… "bình chân như vại”?
Trong dịp các quận, huyện, thị xã ra quân giải tỏa dứt điểm các trường hợp vi phạm công trình đê điều đợt một (từ ngày 1/7 đến ngày 10/7), nhóm PV đã thị sát trên tuyến đê Hữu Hồng, đoạn qua địa bàn các huyện Đan Phượng, Ba Vì...Ngổn ngang vi phạm
Tại xã Phong Vân (huyện Ba Vì) ngày 30/6, tức đúng một ngày trước thời điểm đợt 1 xử lý vi phạm đê điều trên địa bàn Hà Nội được triển khai ở đầu điểm kè Phong Vân, ngay sát mép bờ sông, một ngôi nhà kiên cố 400m2 đang được hàng chục công nhân khẩn trương xây dựng. Theo quan sát của PV, ngôi nhà được thiết kế quy mô, có khoảng 20 cọc khoan nhồi (cọc gần thân đê nhất cách khoảng 5m), nhà được xây với kết cấu khung bê tông cốt thép, đã làm đến sàn tầng hai.Theo Hạt trưởng Quản lý đê Ba Vì Hoàng Văn Cảnh, mảnh đất này là đất thổ cư, tuy nhiên công trình nhà ở xây mới lại nằm trọn trong phạm vi hành lang bảo vệ kè Phong Vân, đã vi phạm điều 27 Luật Đê điều.
Ông Cảnh cho biết, quá trình xử lý vi phạm tại công trình xây dựng này đang gặp nhiều khó khăn, vì cơ quan chức năng phải đối mặt với phản ứng quyết liệt và thái độ bất hợp tác từ phía gia đình chủ đất. Do đó, vụ việc đã được huyện Ba Vì báo cáo UBND TP xin ý kiến chỉ đạo.
Theo thống kê của Hạt Quản lý đê Ba Vì, trên tuyến đê hữu Hồng dài 26,58km, đê hữu Đà dài 9,7km hiện có 803 trường hợp đang nằm trên hành lang bảo vệ đê, kè, trong đó từ đầu năm 2011 đến nay phát sinh 13 trường hợp.
Xuôi tuyến đê Hữu Hồng thuộc huyện Đan Phượng, qua các xã Liên Trung, Liên Hà, Liên Hồng, Hồng Hà nhiều vi phạm cũng đang diễn ra. Trong đó, cụm 3, thôn Hạ, xã Liên Trung dài khoảng 1km được đánh giá là điểm "nóng".
Tại đây, hàng trăm vị trí chất tre, nứa, gỗ, củi, vật liệu xây dựng... hai bên chân đê và cả mặt đê hữu Hồng. Một số nơi mọc lên nhà xưởng chế biến gỗ trong hành lang bảo vệ đê. Những dấu tích cho thấy, dường như các đợt giải tỏa trước đây, huyện Đan Phượng chưa chú trọng tới những vi phạm này.
Bà Nguyễn Thị Nga, thôn Hạ, xã Liên Trung (huyện Đan Phượng) cho hay, người dân ở đây đang làm ăn thịnh vượng nhờ nghề chế biến lâm sản, nhưng cũng trả giá rất nhiều bởi quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn trong khu dân cư. Nhưng đáng lo hơn cả là tình trạng tùy tiện lập các điểm tập kết vật liệu xây dựng và lâm sản xâm hại công trình đê điều, gây cản trở các phương tiện cơ giới trong quá trình lưu thông.
Tại các xã Liên Hà, Liên Hồng và Hồng Hà, những vi phạm nêu trên có giảm hơn so với Liên Trung, nhưng nạn đổ chất thải, rác thải, phế thải xây dựng dọc bờ bãi phía thượng lưu sông hữu Hồng xuất hiện khá nhiều. Tại xã Liên Hà, Liên Hồng không ít gia đình xây dựng nhà cửa, công trình phụ chiếm hết cả hành lang đê, cá biệt tại xã Hồng Hà đang mọc lên một công trình phúc lợi chiếm toàn bộ thân đê hữu Hồng.
Theo Hạt Quản lý đê huyện Đan Phượng, những trường hợp vi phạm này do tồn tại lịch sử, có công trình là đất thổ cư của dân, cũng có công trình được xác định vi phạm từ lâu khó giải tỏa.
Lập kế hoạch rồi để đấy!
Điều đáng phải suy nghĩ, với chức trách là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực vi phạm Luật Đê điều, nhưng khi làm việc với PV, Hạt Quản lý đê huyện Đan Phượng chưa thống kê đầy đủ các vụ vi phạm. Cơ quan này chỉ cung cấp được 52 vụ vi phạm mới phát sinh (32 vụ được xếp vào dạng vi phạm di động tại xã Liên Trung và Liên Hà) từ năm 2010 đến tháng 4/2011, trong đó năm 2010 là 10 vụ vi phạm và 42 vụ xảy ra trong 4 tháng đầu năm 2011.Với cung cách quản lý như vậy, Hạt Quản lý đê huyện Đan Phượng sẽ phân loại, sàng lọc như thế nào để tham mưu với các cấp chính quyền thực hiện giải tỏa dứt điểm tình trạng vi phạm công trình đê điều.
Một thiếu sót khác là cơ quan chức năng thống kê, lập biên bản vi phạm nhưng lập xong chỉ để đấy. Công trình vi phạm xây dựng nhà 400m2 ở xã Phong Vân có đến 19 lần lập biên bản nhưng chưa một lần cơ quan chức năng xử lý.
Hạt phó Hạt Quản lý đê Ba Vì Nguyễn Công Cường cho biết, trong 35 trường hợp đưa vào diện xử lý đợt 1, mới có 2 trường hợp tự giải tỏa tại kè Cổ Đô (xã Cổ Đô). Đáng nói, 6 xã có tuyến đê hữu Hồng, hữu Đà chạy qua đến thời điểm này cũng chưa có động tĩnh; đến chiều 29/6, xã Phong Vân còn chưa thành lập được ban giải tỏa vi phạm.
Tại huyện Đan Phượng, trong tổng số 20 vụ vi phạm cố định mới từ năm 2010 đến nay đã lập biên bản đề nghị chính quyền giải tỏa nhưng chỉ thực hiện giải tỏa được một nhà xưởng sản xuất tại xã Liên Trung.
Một vấn đề khác đặt ra khiến cơ quan chức năng đau đầu là đối với vi phạm ở dạng di động, chính quyền sở tại rất khó quyết liệt thực hiện vì chỉ sau khi giải tỏa từ 1-2 tháng, vi phạm đâu lại hoàn đó.
Ngoài ra, việc chính quyền cho bến bãi hoạt động sai phép cũng diễn ra khá phổ biến. Tại huyện Ba Vì chỉ có 1/16 bến được cấp TP cấp phép mở bến bãi, còn lại là cấp sai thẩm quyền do huyện và xã tiến hành.
Theo nhận định của Chi cục Quản lý Đê điều và PCLB Hà Nội, sở dĩ việc giải tỏa vi phạm Luật Đê điều kéo dài tại huyện Đan Phượng, Ba Vì và một số địa phương khác chưa đạt được như mong muốn, thậm chí còn có tình trạng phát sinh thêm, là do cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc.
Mặc dù hàng năm có thành lập ban chỉ đạo từ huyện đến xã, nhưng việc triển khai ra quân ban đầu rất rầm rộ, còn khi tổ chức thực hiện chưa thật sự quyết liệt. Đây là vấn đề chính quyền các cấp cần rút kinh nghiệm trong đợt ra quân xử lý vi phạm đê điều lần này để tránh tình trạng chỉ dừng ở bước... lập kế hoạch, xong rồi để đấy, chẳng xử lý được sinh ra nhờn luật, tốn tiền công của nhân dân và đâu đó văng vẳng câu nói cửa miệng: "Trên nóng, dưới nguội"…
(Theo HNM)
- 121
- By Admin
- 04/07/2011
- 17