• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội: "Xóa sổ" làng cổ xây chung cư... "treo"?

Có gia đình 16 người với 4 thế hệ sống trong một căn nhà chật chội được ngăn thành nhiều phòng bé tý...

Dự án treo "trói" người dân

Những tình huống bi hài, những câu chuyện tưởng thật như đùa đó lại xảy ra ngay giữa thủ đô Hà Nội. Đó là tình cảnh mà mấy chục hộ dân sống tại làng Hòa Mục (Yên Hòa - Cầu Giấy - Hà Nội) phải chịu đựng suốt 15 năm qua, gây bức xúc cho người dân.

Hà Nội: "Xóa sổ" làng cổ xây chung cư... "treo"? | ảnh 1
Hơn chục người trong gia đình ông Đồng phải ở căn nhà xập xệ hơn mười năm nay.

Theo tìm hiểu của PV báo Người đưa tin hiện có 80 hộ dân sinh sống tại các lô đất 5.1NO, 5.5NO thuộc các tổ dân phố 31, 32A, 36 nằm trên đất thổ cư từ nhiều đời nay và đều có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ năm 1997 đến nay, các hộ dân này bỗng dưng nằm vào đất quy hoạch dự án. Đầu tiên là dự án đường, sau đó là dự án xây dựng kênh mương, rồi dự án xây chung cư hỗn hợp. Điều đáng nói là kiểu dự án chồng dự án đã vô tình "trói" những hộ dân này vào chính mảnh đất thổ cư của họ. 15 năm nay họ không thể sửa chữa, không thể cơi nới, sang nhượng... tóm lại không thể hiện được một quyền gì trên chính mảnh đất mà cha ông họ để lại. Thậm chí có những gia đình nhà xây đã lâu nay vôi vữa, trần nhà thỉnh thoảng lại rơi lã chã xuống sàn nhưng không thể đập đi xây lại. Mỗi lần muốn sửa chữa đi xin phép chính quyền đều bị từ chối vì lý do... vướng dự án.

Gia đình ông Trần Đồng thuộc tổ dân phố 31 có 3 người con, 4 người cháu và bà mẹ đã trên 90 tuổi. Năm 2000 cháu trai của ông lấy vợ sau đó con gái ông lấy chồng, cũng ở luôn đó nhưng vì không tách thửa đất nên cả đại gia đình sống trong một ngôi nhà chật chội, được ngăn ra thành nhiều phòng nhỏ. Riêng phòng bà cụ 92 tuổi đang lâm bệnh nặng chỉ rộng chừng 6m2, hết sức ẩm thấp và không có cửa sổ. Tối đến, cả mười mấy con người từ cháu bé 2 tuổi đến cụ già gần trăm tuổi lại chen chúc nhau trong căn nhà lụp xụp ấy. "15 năm qua cả mấy thế hệ chúng tôi đều phải sống  trong cảnh chật chội như cầm tù. Muốn tách hộ nhưng không thể tách được mặc dù đất nhà tôi rộng 108m2. Nếu bán một nửa cũng đủ xây một căn nhà đàng hoàng cho mọi người cùng ở. Khổ nhất là mẹ già tôi năm nay đã 92 tuổi, nằm liệt giường mấy năm nay mà cũng không có được một chỗ nằm tử tế", ông Đồng bức xúc cho biết.

Cũng theo ông Trần Đồng "Do không được xây dựng, không tách được khẩu nên hầu hết các gia đình phải sống chui lủi, bẩn thỉu trong những căn nhà cấp 4. Mùa hè thì nóng nực, trời mưa thì lụt lội, mùa đông thì rét thấu thịt, thấu xương. Các cụ già, trẻ em ốm đau bệnh tật ngày càng nhiều vì cái dự án tréo ngoe này".

Làng cổ giữa Hà Nội có nguy cơ biến mất

Nằm ven sông Tô Lịch, làng cổ Hòa Mục vẫn còn lưu giữ lại đầy đủ hệ thống thiết chế văn hóa cổ xưa nhất của Hà Nội. Làng có 7 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 3 di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngoài ra, trong làng còn có 3 nhà thờ của 3 dòng họ lớn và hàng chục ngôi nhà cổ được xây dựng cách đây hàng trăm năm.

Trong một cuốn sách viết về làng cổ Hòa Mục, cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng đã viết như sau: "Tôi khẳng định, Hòa Mục là một trong 7 làng nổi tiếng của Hà Nội cổ, không chỉ có công trong việc giúp Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng bao vây diệt trọn thành Tống Bình, mà còn là làng nghề nổi tiếng làm giấy thời Lý. Vì thế, cần phải giữ gìn, bảo tồn làng Hòa Mục càng sớm càng tốt".

Hiện tại, làng Hòa Mục có rất nhiều ngôi nhà cổ với hàng trăm năm tuổi, những người dân ở đây kể lại, năm nào cũng có các đoàn làm phim đến mượn nhà cổ ở đây để đóng phim. Ông Nguyễn Văn Sơn là một trong những gia đình sở hữu ngôi nhà cổ xưa nhất ở làng Hòa Mục, đang nằm trong diện bị phá bỏ di dời nếu dự án thực hiện. Ông Sơn lo lắng cho biết: "Nếu dự án vẫn được tiến hành thì gần 100 hộ dân ở đây phải di dời, điều đó đồng nghĩa với việc từng ấy ngôi nhà cổ tồn tại hàng trăm năm sẽ biến mất. 3 nhà thờ của ba họ lớn sẽ bị di dời ra khỏi làng. Nguy hại hơn là bao nhiêu giá trị tâm linh, tinh thần, hồn khí của làng hàng ngàn đời nay sẽ bị mai một trong phút chốc".

Trao đổi với chúng tôi, ông Lai Viết Cường, tổ phó tổ dân phố 31 cho biết "Đã có rất nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đến làng Hòa Mục tìm hiểu thông tin, nghiên cứu ngôi làng cổ này. Tất cả đều kết luận làng Hòa Mục là một trong những là cổ xưa nhất của Hà Nội và hiện vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đó, cần phải được bảo tồn, gìn giữ, không thể vì một dự án chung cư mà phá bỏ cả làng cổ tồn tại hàng trăm năm được".

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 64/2012/NĐ - CP Quy định về cấp phép xây dựng tạm và thu hồi giấy phép xây dựng, các hộ dân ở làng Hòa Mục lại lóe lên hi vọng sẽ "cứu" được những ngôi nhà cổ, kiến trúc cổ của làng. "Khi biết có Nghị định 64, chúng tôi phấn khởi và hi vọng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để "giải thoát" cho làng suốt mười mấy năm chịu khổ cực", ông Trần Đồng chia sẻ.


(Theo Nguoiduatin)

  • 0
  • By Admin
  • 20/09/2012
  • 17