• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội: Vẫn tắc trong việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo

Quận trình, Sở chưa trả lời

Ngày 11/8, Sở Xây dựng báo cáo UBND Thành phố tiến độ xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn. Theo đó, tính đến đầu tháng 8, trên 13 quận, huyện của Thành phố có tổng số 622 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Trong đó, các quận, huyện đề nghị thu hồi 155 trường hợp; hợp khối công trình 68 trường hợp; UBND Thành phố đề nghị giữ nguyên hiện trạng 65 trường hợp…

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Khắc Thọ cho biết, đơn vị có nhiều nhà, đất siêu mỏng, siêu méo nhất là quận Hà Đông, Từ Liêm cùng 90 trường hợp; Ba Đình 83 trường hợp; tiếp đó là quận Đống Đa 73 trường hợp; Tây Hồ 47 trường hợp… Trong những trường hợp siêu mỏng, siêu méo có không ít ngôi nhà chỉ có tổng diện tích 1 - 3m2; chiều sâu có chỗ chưa đầy một gang tay người lớn nhưng mặt tiền rộng đến 9m.

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Phạm Văn Bảo cho biết, sở này đã tổng hợp hồ sơ của 4 quận: Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng cho ý kiến về phương hướng xử lý nhà siêu mỏng siêu méo. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa thấy sở này trả lời về phương án xử lý.

“Trong cuộc họp trước đó lãnh đạo Sở Quy hoạch kiến trúc hứa với Thành phố sẽ đưa ra phương án xử lý trong tháng 7, nhưng đến thời điểm này chúng tôi vẫn đang đợi. Quyết định của Sở Quy hoạch kiến trúc rất quan trọng để địa phương thực hiện các bước tiếp theo”, ông Hoàng Ngọc Vinh, Thanh tra sở Xây dựng nói.

Để đẩy nhanh tiến độ xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo và giảm “gánh nặng” cho Sở Quy hoạch kiếm trúc, ông Bảo đề xuất Thành phố nên tạo sự chủ động cho các quận, huyện xử lý những trường hợp đơn giản. Còn trường hợp đặc biệt phức tạp mới trình phương án lên Sở Quy hoạch kiến trúc thẩm định.

“Cứ à uôm theo kiểu ném bèo sang ao thì rất mệt”

Đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc cho biết, với 20 trường hợp đề nghị hợp khối công trình ở quận Thanh Xuân, trước đó sở này đã trả lời phương án xử lý. “Tôi rất bất ngờ vì về việc này lãnh đạo sở đã hứa về thời hạn xử lý. Nếu chậm chúng tôi sẽ giải quyết ngay. Trong tuần sau sẽ có kết quả”, đại diện Sở Quy hoạch nói.
Đại diện UBND Thành phố chủ trì cuộc họp - ông Nguyễn Văn Thịnh, phó Chánh văn phòng nói: “Chúng tôi không ép một tuần hay hai tuần. Nhưng về trách nhiệm đã hứa là phải làm, nếu có khó khăn gì phải có báo cáo ngay Ủy ban”.

Hà Nội: Vẫn tắc trong việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo | ảnh 1
 Hình ảnh thường thấy trên những tuyến đường mới mở

Ông Thịnh cho rằng, nguyên nhân dẫn tới việc hàng loạt nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên là do cơ quan quản lý buông lỏng. “Chỉ một xe cát, xe vôi tập kết xây dựng người quản lý ở địa bàn cũng biết ngay thì tại sao gần 1000 ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên trong thời gian dài lại không được xử lý”, ông Thịnh băn khoăn.

Theo ông Thịnh, về nguyên tắc thì bất cứ công trình nào xây dựng trên địa bàn Hà Nội đều phải xin giấy phép. Do vậy, cũng không có lý do gì mà chính quyền các cấp không nhận ra nhà siêu mỏng, siêu méo “mọc” lên trong suốt một thời gian dài. “Xảy ra vấn đề này từ văn phòng đến cấp sở ngành phải có trách nhiệm vì không giục giã để cho địa phương không tập trung giải quyết hoặc lờ đi không làm”, ông Thịnh đánh giá.

“Cứ à uôm làm theo kiểm ném bèo sang ao, chạy theo giải quyết hậu quả thì rất mệt, không bao giờ làm được”, ông Thịnh nói. Theo ông Thịnh các quận, huyện không cần đợi hoàn chỉnh số liệu thống kê nhà siêu mỏng, siêu méo mới thực hiện bước tiếp theo. Trường hợp đủ điều kiện hợp khối nên thực hiện ngay. Nếu không hợp khối thì kiên quyết tháo dỡ. Ngoài ra, Sở Xây dựng cần phải chuẩn bị đủ quỹ nhà tái định cư để phục vụ việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo.

Giữa tháng 7, UBND Thành phố yêu cầu các quận, huyện chủ động làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc để thống nhất biện pháp xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, hoàn thành việc này trong tháng 8 năm 2011. Đối với các trường hợp xử lý thu hồi thì việc thu hồi phải được thực hiện theo đúng quy định về giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư.

(Theo Dantri)


  • 160
  • By Admin
  • 13/08/2011
  • 17