• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội: Từ thủ đô truyền thống đến thành phố "chọc trời"

Đó là cảm nhận của nhà báo Connla Stokes, đến từ tạp chí du lịch của CNN, khi chứng kiến những thay đổi của Hà Nội thời gian gần đây.

"Được miêu tả là thành phố còn mang nhiều nét truyền thống nhất ở châu Á, Hà Nội thường gợi nhắc đến hình ảnh của những biệt thự kiểu Pháp ngự trên các đại lộ ba làn đường hay những hàng quán vỉa hè ở mọi ngõ ngách phố cổ.

Nhưng sự thật là “thủ đô nghìn năm văn hiến” đã trở thành một thành phố “bùng nổ” với những tòa nhà chọc trời mọc lên như nấm. Điển hình là Tháp Hà Nội Keangnam tại khu vực trung tâm thương mại mới của thành phố, mà chỉ trước đó năm năm vẫn còn là những cánh đồng lúa mênh mang. Tòa tháp chính của tòa nhà do Hàn Quốc đầu tư này cao 336 m, với 68 tầng, trở thành tòa nhà cao nhất Đông Nam Á.


Tòa nhà Keangnam sẽ sớm hoàn thành.

Ha Suk Jong, Chủ tịch Keangnam-Vina, nhận định: “Hà Nội luôn là trung tâm văn hóa lớn nhất của người dân Việt Nam và chúng tôi tự hào vì dự án của mình sẽ trở thành một biểu tượng mới cho sự thịnh vượng của một thành phố đang phát triển”.

Theo ông Ha, 90% căn hộ ở hai tòa tháp 47 tầng dành cho dân cư đã được bán. Khách sạn và khu nghỉ dưỡng InterContinental cũng đặt bút ký hợp đồng triển khai khu tổ hợp khách sạn 383 phòng tại đây, trong khi các văn phòng hạng sang của những công ty danh tiếng trong nước cũng như quốc tế được dự đoán sẽ không ngừng đầu tư vào nền kinh tế đang rất “nóng” của Việt Nam.

Dự án Keangnam làm dấy lên cuộc cạnh tranh trên “đường đua” không thiếu đối thủ. Tập đoàn xây dựng PetroVietnam JSC, một nhánh của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, đã lên kế hoạch xây dựng tòa nhà chọc trời 102 tầng với số vốn lên tới 1,2 tỷ USD. Tòa nhà cao 528 m này sẽ cao thứ hai ở châu Á, chỉ sau Buri Khalifa ở Các tiểu vương quốc Ả Rập.

Mới đây là lễ khởi công xây dựng tòa nhà 65 tầng, cao 267 m, dự án 400 triệu USD do Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc đầu tư. Tiếp đến là mô hình tòa tháp Vietin Bank 68 tầng do công ty Foster + Partners của Anh thiết kế cũng đã “trình làng”.


Phác thảo tòa tháp Vietin Bank cao thứ hai châu Á.

Sự phát triển chóng mặt hiện vẫn đang là trọng tâm tranh luận của rất nhiều người, đặc biệt với những ai luôn trân trọng những di sản kiến trúc truyền thống của đất Hà thành. Trả lời phóng vấn một tờ báo địa phương, tác giả của cuốn “Hà Nội: Tiểu sử một thành phố”, giáo sư William Logan, bày tỏ lo ngại “những áp lực biến Hà Nội thành đô thị siêu lớn hiện nay”.

Còn đối với Matthew Powell, giám đốc chi nhánh Tập đoàn Savills Anh quốc ở Hà Nội, sự thay đổi là không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là làm cách nào để hài hòa nó. “Hà Nội là một trong những thành phố độc nhất vô nhị ở châu Á nhưng dù có thích hay không thì Hà Nội cũng đang thay đổi một cách chóng mặt. Với những kế hoạch tốt, có kiểm soát, thành phố có thể đáp ứng được nhu cầu của dân số ngày càng tăng mà không làm mất đi vẻ quyến rũ tiềm ẩn”, ông nhận xét.

Khi Hà Nội trở thành thủ đô của đất Việt năm 1010 với tên gọi Thăng Long, có nghĩa là rồng bay lên, vua Lý Thái Tổ khi đó đã khẳng định rằng thành phố sẽ trường tồn đến 1.000 năm sau. Dù đã trải qua nhiều thăng trầm suốt 1.000 năm qua nhưng Hà Nội vẫn hiên ngang đứng vững và đang phát triển thịnh vượng hơn bao giờ hết. Và con rồng của châu Á này vẫn tiếp tục thăng thiên".

(Theo Đất Việt)

  • 0
  • By Admin
  • 25/11/2010
  • 17