Hà Nội: Thi công đường nối từ Quốc lộ 5 vào KCN Hapro, ì ạch đến bao giờ?
"Họ cứ về làm một đoạn rồi bỏ. Hôm nay có xe về đổ cát, cả tuần sau mới thấy xe khác về san. Cứ thế, qua mấy năm mà con đường chỉ dài hơn 6km này vẫn nham nhở, đường không ra đường" - Phó chủ tịch UBND xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm Dương Văn Hải nói về tuyến đường nối từ QL5 vào Khu công nghiệp (KCN) Hapro, chạy qua địa bàn xã Kim Sơn.Con đường "thắt khúc"
Tuyến đường nối từ QL5 vào KCN Hapro (qua KCN Phú Thị và đường 181 - PV) những ngày đầu tháng 6/2011, có đoạn đã láng nhựa phẳng, đoạn còn lô nhô cát, đá. Không ít đoạn ổ trâu, ổ bò, con đường luôn ngập trong bụi. "Ngày nào chúng tôi cũng qua con đường này để sang Long Biên làm việc. Ở nhà quần áo tinh tươm, nhưng đến cơ quan thì quần áo bạc đi vì bụi. Thực trạng này diễn ra nhiều năm nay, khiến chúng tôi rất bức xúc" - ông Nguyễn Văn Hoàng, người dân trong xã Kim Sơn bất bình.Tuyến đường trên được UBND TP chủ trương nâng cấp, mở rộng thông qua Quyết định số 1312/QĐ-UBND ngày 10/4/2007. Ngày 9/8/2007, thành phố ban hành tiếp Quyết định thu hồi 155.183m2 đất của các xã: Phú Thị, Lệ Chi, Kim Sơn, Đặng Xá, huyện Gia Lâm để thực hiện dự án.
Riêng xã Kim Sơn, tuyến đường đi qua khu phố Keo, nên hàng trăm hộ dân buôn bán mặt đường chịu ảnh hưởng. Theo phản ánh của người dân, tuyến đường này có tới 8 nhà thầu thi công, tiến độ diễn ra chậm nhưng các đơn vị không lý giải nguyên nhân. Ông Nguyễn Phú Công, Truởng khu phố Keo cho biết: "Có 57 hộ dân khu phố Keo phải di dời tái định cư (TĐC) để tạo mặt bằng xây dựng tuyến đường. Tuy nhiên, đây chỉ là số hộ dự kiến phải di dời mà tôi nắm được từ UBND xã Kim Sơn, chứ chưa có danh sách cụ thể".
Bà Nguyễn Thị Lê, chủ cửa hàng buôn bán thức ăn chăn nuôi khu phố Keo than phiền, muốn đầu tư cho kinh doanh thì lo giải toả. Trong khi chính quyền địa phương cũng như đơn vị xây dựng không hề thông báo gia đình mình có thuộc diện di dời hay không. Tất cả những gì bà biết chỉ là: "Đầu năm 2009, có người vào nhà tôi đo đạc, đến gần hết nhà, họ nói là để làm đường, chứ không giải thích gì. Từ đó, tôi không được biết thêm một điều gì liên quan đến việc nhà tôi có bị giải toả hay không?".
Khu tái định cư chưa thành hình
Khi đo đạc giải phóng mặt bằng, đơn vị thi công chỉ đo mở rộng về một bên đường, nhưng người dân địa phương không đồng ý, đã kiến nghị lên cơ quan chức năng mong muốn mở cả hai bên cho công bằng. Nhưng đến khi đơn vị thi công treo bản đồ quy hoạch, vẫn chỉ có một bên đường bị giải tỏa, trong khi những hộ di dời sẽ chuyển vào trong làng.Người dân khu phố Keo không chấp nhận với quy hoạch này, đã làm văn bản kiến nghị gửi UBND huyện Gia Lâm, Sở Quy hoạch -Kiến trúc với nguyện vọng mở rộng cả hai bên đường 181 đoạn qua khu phố Keo và những hộ bị thu hồi hết đất cần được bố trí tái định cư (TĐC) ở nơi khác, thuộc mặt đường 181 (chứ không phải phía trong làng).
Sau khi xem xét kiến nghị của người dân, ngày 14/1/2009, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có Văn bản gửi UBND TP, với nội dung: "Sở Quy hoạch - Kiến trúc thống nhất với đề xuất của người dân địa phương, đề nghị cho phép mở rộng khu TĐC đã duyệt trước đây (…) nay mở rộng một phần về phía Nam đường 181, để có đủ diện tích mặt đường 181 bố trí TĐC cho các hộ dân hiện ở mặt đường 181 phải di chuyển toàn bộ khi mở đường".
Ngày 20/1/2009, UBND TP đã có Công văn số 590 chấp thuận đề nghị trên của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và yêu cầu UBND huyện Gia Lâm triển khai công tác liên quan đến chỉ giới quy hoạch khu TĐC trên xong trong tháng 2/2009. Tuy nhiên đến nay, khu TĐC vẫn đang là nơi sản xuất nông nghiệp của người dân.
Như vậy, sau 5 năm thực hiện chủ trương mở rộng nâng cấp tuyến đường nối QL 5 vào KCN Hapro, các hộ dân khu phố Keo vẫn chưa biết mình có thuộc diện di dời TĐC hay không. Việc xin cấp sổ đỏ, cũng như mở rộng quy mô kinh doanh đều gặp khó khăn do vướng quy hoạch. Trong khi đó, việc xây dựng con đường vẫn đang diễn ra một cách ì ạch, không biết bao giờ xong.
(Theo KTĐT)
- 170
- By Admin
- 10/06/2011
- 17