• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội: Tăng nguồn cung phân khúc mặt bằng bán lẻ và khách sạn

Giá thuê tại các trung tâm thương mại trong khu vực trung tâm dự kiến tăng. Mô hình cửa hàng mặt phố được cải tạo cũng sẽ tiếp tục thu hút nhu cầu và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các trung tâm thương mại.

Bên cạnh đó, các trung tâm thương mại mới ngoài khu vực trung tâm sẽ giúp hình thành nên diện mạo mới của thị trường mặt bằng bán lẻ tại các khu vực tiềm năng này. Theo đó, thêm nhiều thương hiệu và dịch vụ được dự đoán sẽ xuất hiện, khiến cho người tiêu dùng có sự lựa chọn đa dạng hơn. Đồng thời, các chủ đầu tư cũng sẽ đáp ứng các nhu cầu của khách thuê cũng như đẩy mạnh hoạt động quảng bá hơn.

Năm 2011, dự đoán thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội sẽ đón nhận nguồn cung bổ sung lớn từ các dự án: Pico Mall (30.000m2), Hàng Da Galleria (9.310 m2), Savico Plaza (52.000 m2), Keangnam Hanoi Landmark Tower (97.000 m2).

Thị trường mặt bằng bán lẻ hứa hẹn tiếp tục sôi động | 1

Nhìn lại năm 2010, nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô đã khá cao thể hiện qua tổng mức doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tính chung cả năm 2010 tăng mạnh 30,5% so với năm 2009, trong đó tổng mức bán lẻ tăng tới 31,2%.

Quý 4 khép lại năm 2010 với thêm nhiều thương hiệu bán lẻ có uy tín trong nước và thương hiệu nhượng quyền tiếp tục mở rộng mạng lưới kinh doanh tại Hà Nội. Các thương hiệu cao cấp như Aldo, Dr. Martens, Guciano, Chopard chọn những vị trí trung tâm để mở thêm cửa hàng thứ hai và thứ ba tại thành phố.

Trong khi đó một loạt các chuỗi siêu thị điện máy nhanh chóng thiết lập thêm nhiều điểm kinh doanh: Pico Plaza trên phố Xuân Thủy, E-Best trên phố Bà Triệu, Hương Anh trên phố Giảng Võ...Về ngành hàng thực phẩm ăn uống, KFC, BBQ Chicken, SumoBBQ cũng mở nhiều địa điểm mới trên toàn thành phố trong quý này. Platinum Cinema cũng mới khai trương rạp chiếu phim đầu tiên của mình tại Hà Nội tại tầng 4 Trung tâm thương mại The Garden trong tháng 12.

Trong Quý 4/2010, thị trường không có thêm trung tâm thương mại nào mới đi vào hoạt động, tổng cung diện tích bán lẻ vẫn ổn định ở mức 118.500 m2. Tuy vậy, thị trường chứng kiến khá nhiều chuyển biến sôi động. Phần diện tích cho thuê dài hạn tại Trung tâm thương mại Hàng Da Galleria đã được cho thuê hết, hiện nay chủ đầu tư bắt đầu triển khai cho thuê ngắn hạn. Dự kiến dự án sẽ khai trương trong tháng 4/2011. Dự án Pico Mall trên phố Tây Sơn tiếp tục có tiến độ thi công tốt để kịp hoàn thiện và mở cửa trong tháng 3/2011.

Trong quý vừa qua, Trung tâm thương mại Vincom City Towers cũng đang trong quá trình cải tạo nâng cấp toàn diện, hứa hẹn sẽ mang lại một diện mạo mới hiện đại hơn cho trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất của thành phố.

Trong khu vực trung tâm thành phố, các Trung tâm thương mại không còn diện tích trống, và giá thuê không biến động. Ngoài khu trung tâm, tỷ lệ trống tăng nhẹ so với quý trước, chủ yếu là do một số khách thuê rời khỏi dự án Grand Plaza. Chủ đầu tư trung tâm thương mại này phải áp dụng nhiều biện pháp để giữ chân khách thuê, một trong số đó là chính sách giảm giá thuê trong thời gian đầu. Điều này khiến giá thuê trung bình tại khu vực ngoài trung tâm giảm 3,8% so với quý trước.

Nhiều khách sạn cao cấp gia nhập thị trường

Năm 2010, Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế thế giới, Hà Nội đón 8,62 triệu lượt khách du lịch, tăng 11,5% so với năm ngoái. Chỉ tính riêng lượt khách quốc tế, Hà Nội đã đóng góp tới 24% tổng lượt khách quốc tế tới cả nước, tương đương 1,23 triệu lượt, tăng 20% so với năm ngoái. Số lượng phòng khách sạn 3 - 5 sao của Hà Nội đạt 6.618 phòng. Trong quý 4/2010, khách sạn mới gia nhập thị trường là Silk Path tại phố Hàng Bông (106 phòng), vừa được công nhận đạt chuẩn 4 sao sau 9 tháng hoạt động. Khách sạn Grand Plaza Hanoi, đường Trần Duy Hưng, 300 phòng đi vào hoạt động trên tổng số 618 phòng, đã được công nhận là khách sạn 5 sao.

Tiếp tục xu thế hồi phục, công suất và doanh thu phòng trung bình (RevPAR) trên tất cả các phân khúc đều tăng trưởng. Trong đó, phân khúc khách sạn 5 sao ghi nhận mức tăng trưởng RevPAR cao nhất, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm 2009, lên 85,5 USD/phòng. Các khách sạn 4 sao lại dẫn đầu về tăng trưởng công suất phòng, lên hơn 10 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2009, đạt 64,55%. Giá phòng trung bình tại các khách sạn 5 sao tăng nhẹ xấp xỉ 1% so với quý 4/2009. Trong khi đó, giá phòng trung bình tại khách sạn 4 sao và 3 sao đều ghi nhận sự sụt giảm, lần lượt xấp xỉ 10% và 7%.

Năm 2011, phân khúc thị trường khách sạn sẽ đón nhận thêm gần 1.200 phòng từ 5 khách sạn mới, trong đó có 2 khách sạn trong khu trung tâm (Oriental Pearl và Hotel de L'Opera Hanoi) và 3 khách sạn ở khu vực phía Tây (Crowne Plaza West Hanoi, Grand Plaza Hanoi, và Keangnam Hanoi Landmark Tower). Năm 2011 sẽ là mốc quan trọng đánh dấu xu hướng khách sạn cao cấp gia nhập thị trường tại khu vực phía Tây mới phát triển.

Đại diện CBRE VN nhận định, các khách sạn trên sẽ phải trải qua thời gian thử thách trong ít nhất là 2, 3 năm sau khi đi vào hoạt động. Cùng với "làn sóng" các dự án mới nằm về phía Tây thành phố, thị trường hình thành hai phân khúc rõ rệt hơn: trong đó, đối tượng khách thương gia sẽ lựa chọn các khách sạn mới tại khu vực phía Tây và khách du lịch sẽ lựa chọn khách sạn trong khu vực Hoàn Kiếm. Động thái này có thể khiến các khách sạn đang hoạt động phải nâng cấp cơ sở vật chất và dịch vụ để phù hợp hơn với từng đối tượng khách hàng.

(Theo HNM)

  • 0
  • By Admin
  • 07/01/2011
  • 17