• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội: Sẽ không di dời dân cư tại những dự án được điều chỉnh

Quy hoạch gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Liên quan đến hàng triệu hộ dân đang sống trong vòng điều chỉnh của cả 17 quy hoạch chi tiết phân khu Thủ đô là khu vực dân cư nào phải di dời hay những dự án nào phải dừng hoặc điều chỉnh để thực hiện quy hoạch lần này? Ông Lê Vinh - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết: Đến nay, đô thị trung tâm được chia thành 17 phân khu với quy mô từ 2 đến 3 ngàn hécta đất/phân khu hoặc lớn hơn tùy theo địa hình.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội, Viện đã triển khai cả 17 quy hoạch phân khu của đô thị trung tâm, cùng 5 đô thị vệ tinh và quy hoạch vùng các huyện ngoại thành. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2012. Trong số 11 quy hoạch phân khu đã báo cáo Hội đồng thẩm định thành phố, thì 5 quy hoạch phân khu đã báo cáo UBND thành phố nằm ở khu vực phía Bắc sông Hồng thuộc huyện Đông Anh.

Tại quy hoạch phân khu đô thị ký hiệu N5 điều chỉnh khu vực các xã Nguyên Khê, Tiên Dương và thị trấn Đông Anh, quy mô đến năm 2030 rộng khoảng 823ha, ngưỡng phát triển đô thị tối đa là 1.023ha, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 87 ngàn người.

Ưu tiên khu vực này là phát triển hành lang xanh sông Cà Lồ (phía Bắc) đến hành lang xanh đầm Vân Trì (phía Tây); tại phân khu đô thị N8 thuộc các xã Vĩnh Ngọc, Tàm Xá, Xuân Canh, Cổ Loa, Đông Hội, huyện Đông Anh, phạm vi phía Bắc và Đông Bắc giáp tuyến QL5 kéo dài, hành lang xanh Cổ Loa - đầm Vân Trì, phía Nam và Tây Nam giáp sông Hồng, diện tích 662ha với dân số đến năm 2030 khoảng 62 ngàn người; phân khu N7 điều chỉnh các xã Bắc Hồng, Vân Nội, Tiên Dương, Uy Nỗ, thị trấn Đông Anh giới hạn bởi đường vành đai III (phía Bắc), hành lang xanh Cổ Loa - sông Thiếp (phía Nam) đến khu di tích Cổ Loa (phía Đông), diện tích 1.680ha, dân số đến năm 2030 khoảng 200 ngàn người, trong đó ngưỡng phát triển tối đa về quỹ đất là 1.814ha.

Hà Nội: Sẽ không di dời dân cư tại những dự án được điều chỉnh | ảnh 1
Người dân luôn luôn quan tâm tới quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Ông Lê Vinh nhấn mạnh, đây là khu vực được xác định là trung tâm mới của Thủ đô, gồm các trung tâm thương mại tài chính, trung tâm các dịch vụ cấp thành phố, đầu mối giao thông liên kết sân bay quốc tế Nội Bài với thành phố trung tâm. Vì lẽ đó, toàn bộ các làng, xã gắn với di tích lịch sử văn hóa vùng này được bảo vệ, chỉnh trang gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới... Yêu cầu đặt ra là khai thác tốt cảnh quan sông Hồng, sông Đuống, đồng thời xây dựng và xử lý hạ tầng đô thị một cách đồng bộ theo hướng hiện đại, nhưng không phá vỡ cảnh quan làng xã với những nét đẹp truyền thống.

Dừng và điều chỉnh nhiều dự án, tạo quỹ đất cho di dời trường đại học, bệnh viện

Vấn đề được bạn đọc hết sức quan tâm, là không ít dự án nằm trong vành đai xanh, hành lang xanh hoặc mới hình thành sau này sẽ giải quyết thế nào trước yêu cầu của quy hoạch chi tiết Thủ đô? Ông Lê Vinh khẳng định: Nhiều dự án mới hình thành sẽ kiến nghị cho dừng, đồng thời nhất thiết phải điều chỉnh một số dự án đã có trước đó nhưng không phù hợp với quy hoạch chi tiết.

Nổi lên là các tuyến đường chạy qua các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai thuộc hành lang thoát lũ sẽ điều chỉnh thu hẹp tiết diện (trước đây mặt cắt trên 100m) cho phù hợp với tiêu chí hành lang thoát lũ; các dự án mới đề xuất nằm trong vành đai xanh thuộc các huyện của Hà Tây  (cũ) kiến nghị dừng, nhất là các dự án nhà ở; một số dự án đô thị khu vực thị trấn Quốc Oai, hay Thạch Thất... sẽ điều chỉnh giảm mật độ xây dựng, quy mô xuống cho phù hợp với đô thị cấp huyện. Nguyên tắc xuyên suốt khi điều chỉnh là hạn chế phát triển bề rộng, mà thúc đẩy phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Trước thực trạng giao thông và bài học ùn tắc giao thông hiện nay, quy hoạch chi tiết phân khu chỉ rõ các địa chỉ để xây dựng các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện đến xây dựng, giảm tải cho trung tâm Hà Nội.

Theo đó, hơn 1.000ha đất khu vực Hòa Lạc là trung tâm thu hút nhiều trường đại học, cao đẳng; ngoài ra, các đô thị vệ tinh như Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn đều có quỹ đất đáp ứng yêu cầu của các trường đại học, cao đẳng. Đối với các bệnh viện cũng tương tự, theo chủ trương từng bước di dời ra khỏi trung tâm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân cả trước mắt và trong tương lai, tránh để các cơ sở gây ô nhiễm dịch bệnh trong khu vực đông dân cư.

Khu vực phía Nam Hà Nội, ký hiệu phân khu S5 thuộc huyện Thanh Trì và một phần quận Hoàng Mai, gánh chức năng cửa ngõ phía Nam Thủ đô sẽ xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi quy mô rộng 114ha. Trong đó, đáng chú ý là tỷ lệ lớn mặt hồ và công viên xử lý nước thải, thoát nước mưa, điều hòa không khí cho thành phố

(Theo CAND)

  • 152
  • By Admin
  • 09/02/2012
  • 17