Hà Nội: Sẽ di chuyển các nhà máy ra khỏi nội đô
Là người cuối cùng trả lời chất vấn chiều 5/7, Phó chủ tịch UBND Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận câu hỏi của tổ đại biểu Hai Bà Trưng về việc di chuyển các nhà máy ra khỏi nội đô để dành đất xây dựng hạ tầng xã hội. Cụ thể là chuyển Nhà máy Rượu Hà Nội, Nhà máy dệt kim Đông Xuân.
“UBND thành phố đã trả lời bố trí một phần diện tích đất và phê duyệt đầu tư để xây dựng trường học, nhưng đến nay chưa được giải quyết, trong khi đó Trường tiểu học - THCS Lê Ngọc Hân học sinh vẫn phải học chung ở một địa điểm trên diện tích chật chội. Đề nghị UBND thành phố cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp và tiến độ thực hiện?”, các đại biểu tổ Hai Bà Trưng chuyển câu hỏi.
Nhà máy rượu Hà Nội |
Theo Phó chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc, cả hai khu đất đã được Sở Quy hoạch và Kiến trúc nghiên cứu bố trí để xây dựng trường học. Tại Nhà máy Rượu Hà Nội tại số 94 phố Lò Đúc, diện tích dành để xây dựng trường là hơn 3.500 m2 và để phục vụ tách cấp cho Trường tiểu học Lê Ngọc Hân. Hiện, học sinh cấp 1, 2 Lê Ngọc Hân vẫn phải học chung ở một địa điểm tại số 41 phố Lò Đúc.
Còn khu đất Nhà máy Dệt kim Đông Xuân tại số 67 phố Ngô Thì Nhậm cũng được Sở Quy hoạch và Kiến trúc chấp thuận bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng với một ô đất 4.000 m2 để đầu tư xây dựng trường tiểu học Ngô Thì Nhậm. Bà Ngọc cho biết, chủ đầu tư đã báo cáo, ô đất tại nhà máy rượu Hà Nội hiện đã giải phóng mặt bằng, chưa cắm mốc giới và xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh ô đất.
”UBND thành phố giao UBND quận Hai Bà Trưng đôn đốc, phối hợp nhà đầu tư và các Sở, ngành sớm hoàn thành bàn giao mặt bằng các ô đất trường học nêu trên để triển khai dự án đầu tư xây dựng trường tiểu học phục vụ dân cư khu vực trong quý 3, quý 4 năm 2013”, bà Ngọc cho hay.
Tuy nhiên, phần trả lời của vị Phó chủ tịch không làm Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam hài lòng. Theo ông, vấn đề này vẫn “nói lại đúng như trước đây”, chưa có mới so với câu trả lời của một Phó chủ tịch UBND khác là ông Nguyễn Văn Sửu từng trả lời ban Pháp chế. Và thực tế là từ 2009 tới nay nhà máy rượu và dệt kim chưa giao đất để xây trường học. Ông Nam cho rằng việc để quận Hai Bà Trưng lấy được một phần đất của doanh nghiệp để xây trường là việc không bao giờ có và đề nghị thành phố đưa giải pháp cụ thể.
Phó chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc trả lời, thời gian vừa qua, việc giải quyết nhu cầu xây trường học công lập ở các quận nội thành đã được thực hiện rất quyết liệt. “Lâu lắm rồi quận Hai Bà Trưng và Đống Đa mới thu hồi được nhiều đất của doanh nghiệp đang sử dụng để giao cho các trường học, phục vụ thế hệ trẻ. Tôi sẽ cho kiểm tra, đôn đốc và quyết tâm trong quý 3, 4, sẽ tìm giải pháp cụ thể và báo cáo HĐND vào cuối năm”, bà Ngọc nói.
Vừa rời bục trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh đã chất vấn bà Ngọc: “Tóm lại là khi nào có thể thu hồi”. “Chúng tôi quyết tâm trong quý 3, đầu quý 4”, bà Ngọc trở lại bục, khẳng định. Ghi nhận câu trả lời, Chủ tịch HĐND “chốt” thời hạn cho việc thu hồi 2 diện tích đất này vào tháng 12/2013.
Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh cảm ơn Phó chủ tịch UBND đã khẳng định rõ thời điểm thu hồi đất của doanh nghiệp để mở rộng trường Lê Ngọc Hân. Theo bà Thanh, vấn đề trường công lập, đặc biệt là trường mầm non liên tục được các đại biểu HĐND chất vấn nhiều năm nay.
“Theo trả lời của Phó chủ tịch UBND, từ nay tới cuối năm các khu đất còn lại sẽ làm xong thủ tục xây dựng. Hy vọng, các địa điểm này sẽ có trường học vào 12/2013”, bà Thanh nói.
Dấu đỏ là vị trí Nhà máy rượu Hà Nội. Ảnh: Google maps |
Theo quy hoạch mạng lưới trường học Hà Nội đến 2020, tầm nhìn 2030, nhu cầu quỹ đất là hơn 1.900 ha. Trong đó, tổng quỹ đất trường học đến tháng 6/2013 đã đạt là 1.643 ha. Dự kiến đến 2014, thành phố sẽ quy hoạch và bố trí đủ quỹ đất cho nhu cầu trường học. Riêng với 10 quận nội thành, nhu cầu quỹ đất trường học là 447 ha. Hiện trạng quỹ đất trường học theo thống kê năm 2011 là 260 ha. Quỹ đất trường học đã bổ sung theo quy hoạch tại các khu đô thị mới là 130 ha, trong đó đã xây dựng và đưa vào hoạt động là 43 ha.
Tại khu vực 4 quận trung tâm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng không có các khu đô thị mới, nhu cầu mở rộng và xây mới trường học chủ yếu do địa phương đề xuất vào ô đất do di dời cơ sở công nghiệp, dự án chậm triển khai, chuyển đổi các chức năng sử dụng không hiệu quả. Theo chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về địa điểm xây dựng 8 trường mầm non công lập tại các phường chưa có trường mầm non công lập, quận Đống Đa và Hai Bà Trưng, các Sở ngành của thành phố đã hoàn thiện thủ tục đầu tư thực hiện xây dựng trường học.
Đến nay, có 6/8 dự án đã được UBND thành phố quyết định thu hồi đất, giao đất và UBND quận Đống Đa, Hai Bà Trưng phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện dự án. Trong đó đã có 4/6 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, gồm các trường mầm non Láng Thượng, Trung Liệt, Thanh Nhàn, Lê Đại Hành. Hai điểm trường tại quận Hai Bà Trưng sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý gồm trường mầm non Thanh Nhàn (cơ sở 1) tại số 63 Ngõ Quỳnh và mầm non Lê Đại Hành tại số 66 ngõ Vân Hồ 3.
Còn lại 2 trường mầm non trên địa bàn quận Đống Đa, UBND quận đang lập hồ sơ dự án xây dựng Trường mầm non phường Ngã Tư Sở khu đất thể thao tại dự án công trình hỗn hợp và nhà ở Mipec Tower tại 229 Tây Sơn và khu đất cây xanh tại khu nhà ở 102 Trường Chinh.
- 186
- By Admin
- 06/07/2013
- 17