Hà Nội: Sa lầy vì mặt bằng, nhiều dự án giao thông chậm triển khai
Giải phóng mặt bằng luôn là mối lo ngại của chủ đầu tư. Ảnh: A.M |
Sau gần 3 năm ròng rã với 6 lần bán hồ sơ mời thầu, 2 lần mở thầu hụt, tới đầu tháng 5/2011, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) mới khởi công được Gói thầu số 2 - xây dựng đường và cầu dẫn phía Nam với nhà thầu thi công Liên danh Sumitomo - Mitsui (Nhật Bản) - Vinaconex (SMV).
Như vậy, sau 2 năm kể từ ngày khởi công gói thầu cầu chính, Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân - có tổng vốn đầu tư lên tới 13.626 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn vay ODA Nhật Bản mới có tìm đủ nhà thầu cho 2 gói thầu xây lắp đường dẫn.
Cần phải nói thêm rằng, lo ngại bị sa lầy do vướng khâu giải phóng mặt bằng - vấn đề đã trở thành “truyền thống” của Hà Nội, không ít nhà thầu đã quay lưng với dự án.
Trên thực tế, lo ngại của các nhà thầu là không thừa, bởi hiện cả 3 gói thầu của Dự án, công địa thi công vẫn “nham nhở”. Tại Gói thầu số 1 (xây dựng cầu chính và cầu dẫn phía Bắc, giá trị 10.208 tỷ đồng) đang được thi công quyết liệt, 5 móng trụ tháp đều được thi công... Tuy nhiên, sau 7 lần bàn giao mặt bằng, đến nay vẫn còn 0,59 ha đất thổ cư của 39 hộ dân ngoài đê Tả Hồng chưa giải tỏa được...
Theo Ban Quản lý dự án 85, Gói thầu số 1 được thi công từ tháng 10/2009 và dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2012, nhưng có thể phải đến tháng 6/2014 mới xong (chậm 20 tháng).
Gói thầu số 2 (xây dựng cầu dẫn và đường dẫn phía Nam, giá trị 1.300 tỷ đồng), sau 7 đợt bàn giao mặt bằng, vẫn còn 5 hộ dân có đất thổ cư thuộc phạm vi tuyến chính và 293 hộ dân có đất thổ cư thuộc phạm vi nhánh hoa thị, đảo cỏ chưa bàn giao mặt bằng.
Gói thầu số 3 (xây dựng đường dẫn phía Bắc, giá trị 1.838 tỷ đồng) được triển khai thi công từ tháng 4/2009, nhưng đến nay vẫn còn mắc 40% diện tích mặt bằng.
“Ngoài việc công trình bị chậm đưa vào khai thác gần 2 năm, nguy cơ vỡ tổng vốn đầu tư là rất cao, do chủ đầu tư phải bù chi phí biến động giá bất đắc dĩ do kéo dài thời gian thi công cho nhà thầu”, ông Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Dự án xây dựng cầu Nhật Tân cho biết.
Ngay tại cửa ngõ phía Tây Hà Nội, Dự án Mở rộng Quốc lộ 32 đoạn Nam Thăng Long – Cầu Diễn và Diễn – Nhổn, sau hơn 5 năm khởi công, hiện vẫn là “khúc xương” khó nuốt, dù toàn bộ chiều dài tuyến chưa đầy 6 km. Khả năng hoàn thành 2 dự án có tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng này vào cuối năm 2011 như cam kết mới nhất của chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị thuộc Sở GTVT Hà Nội) sau 6 lần vỡ kế hoạch là… rất đáng nghi ngờ. Tính đến đầu tháng 9/2011, tại đoạn Nam Thăng Long – Cầu Diễn, vẫn chưa thể thuyết phục 140 hộ dân thuộc diện phải di dời để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.
Không chỉ riêng Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân, Dự án Mở rộng Quốc lộ 32, nhiều dự án xây dựng công trình giao thông khác trên địa bàn Hà Nội cũng đang “sa lầy” vì không có mặt bằng thi công.
Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, 12/13 dự án giao thông trọng điểm, bao gồm: 8 dự án đường bộ, 1 dự án hạ tầng hàng không, 2 dự án đường cao tốc, 1 dự án đường sắt trên cao… đang bị kéo dài tiến độ so với kế hoạch do không nhận đủ mặt bằng. Trong số này, không ít công trình nếu bám được tiến độ đề ra sẽ góp phần giải quyết đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông cho Hà Nội, như Dự án Đường nối cầu Nhật Tân - Sân bay Nội Bài; Dự án Đường sắt nội đô tuyến số 2 đoạn Cát Linh - Hà Đông… Hiện tại, Dự án duy nhất không bị vướng mặt bằng ở Hà Nội là tuyến đường vành đai 3 giai đoạn II, do tuyến này… chạy trên cao và được xây dựng trên diện tích đất dự trữ có sẵn.
Theo quy định của Chính phủ, để tiến độ các dự án giao thông bị chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND TP. Hà Nội - chủ đầu tư các tiểu dự án giải phóng mặt bằng.
“Hầu hết các chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách đều kêu khó hợp tác với các địa phương của TP. Hà Nội trong việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng”, một lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đánh giá.
Ngoài việc đẩy lùi thời gian hoàn thành các dự án, gây thiệt hại to lớn cho dự án, chủ đầu tư, các đơn vị thi công, sự chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng đang khiến Hà Nội tự làm xấu hình ảnh của mình trong con mắt nhà đầu tư.
Được biết, không riêng gì các nhà thầu Nhật Bản, mà hầu hết các nhà thầu quốc tế hiện làm ăn tại Việt Nam đều có danh sách các địa phương cần thận trọng khi tham gia đấu thầu dự án hạ tầng giao thông do có tiền sử chậm trễ trong giải phóng mặt bằng. Được biết, đứng đầu danh sách này là Hà Nội.
Theo một nhà đầu tư, nếu không có bước đột phá về giải phóng mặt bằng, việc kêu gọi vốn đầu tư cho tuyến đường bộ vành đai 4 của Hà Nội dưới các hình thức BT, BOT trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn, do rủi ro bị kéo dài tiến độ vì lý do mặt bằng ở Hà Nội là rất lớn.
(Theo VIR)
- 0
- By Admin
- 13/09/2011
- 17