Để chống lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, năm 2008, TP.Hà Nội sẽ quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị tại TP. Tất cả mọi trường hợp vi phạm đều được xử lý theo quy định, kiên quyết không có tình trạng nể nang hoặc phân biệt đối xử cơ quan Trung ương hay cơ quan của thành phố...
Theo ông Hoàng Mạnh Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP, sau 2 hơn năm triển khai việc kê khai, xử lý, sắp xếp lại nhà đất công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, Hà Nội đã hoàn thành kê khai, rà soát và đề xuất phương án sắp xếp, xử lý đối với khối cơ quan các bộ, ngành Trung ương và khối cơ quan hành chính, doanh nghiệp Nhà nước thuộc TP.Hà Nội. Chậm nhất tới ngày 25-12-2007, các phương án này sẽ phải nộp cho UBND TP.
Hiện tại, nhiều bộ, ngành Trung ương như: Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam... đã nộp phương án và đang được xem xét. Các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Tổng Công ty Thương mại (thuộc Hà Nội) đã được thành phố thẩm định, đề xuất điều chuyển một số nhà đất chưa phù hợp với quy hoạch để làm trường học, công sở hoặc tổ chức đấu giá.
Một nhà hàng nằm trong khuôn viên Bảo tàng Cách mạng Việt Nam |
Ngoài việc tổ chức đấu giá, các trường hợp nhà đất công đã tự ý chuyển mục đích sang đất ở nhiều năm, thành phố đang kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh lại một số quy định cụ thể về sắp xếp, bố trí nhà đất công, bởi quy định hiện hành chưa đề cập đến những trường hợp này. Theo đề nghị của Hà Nội, nếu phù hợp với quy hoạch, ăn ở ổn định, không có tranh chấp, có lối đi riêng... thì được phép hợp thức hóa.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang xem xét chủ trương này và TP cũng sẽ có chính sách hỗ trợ, bù đắp doanh nghiệp, đơn vị khi di dời để họ có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, theo ông Hiển, với mức hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay (không vượt quá 30% số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với cơ sở nhà đất của tổ chức kinh tế phải di dời và mức tối đa không quá 5 tỷ đồng) sẽ không đủ kinh phí để doanh nghiệp tái đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất tại cơ sở mới.
Do đó, để khuyến khích các doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện, TP đã đề nghị Chính phủ bỏ quy định mức tối đa (5 tỷ đồng). Tới đây, thành phố cũng sẽ có quy định khung về suất đầu tư (chi phí xây lắp, trang thiết bị, vật kiến trúc gắn liền với nhà...) đối với từng loại hình công sở, cấp công sở để đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, phô trương.