Hà Nội: Ồ ạt “xẻ thịt” đất nông nghiệp tại xã Đại Mỗ
Như vậy, cùng với xã Sơn Đông, Cổ Đông (thị xã Sơn Tây), Đại Mỗ đang trở thành điểm nóng trong công tác quản lý đất nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội."Xẻ thịt" đất lúa
Đáng chú ý, chuyện "xẻ thịt" đất lúa không phải bây giờ mới diễn ra tại Đại Mỗ mà đã xuất hiện từ đầu những năm 1995-1996; khi mà xuất phát từ nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất TTCN, kinh doanh VLXD một số hộ dân ở các thôn Chợ, Ngọc Đại, Liên Cơ, Ngang, Ngọc Trục của xã đã tự ý đổ đất, san lấp mặt bằng làm lán, xưởng ngay trên đất nông nghiệp của gia đình. Phó Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ Nguyễn Viết Hùng cho biết, từ năm 2001 trở lại đây việc người dân san lấp mặt bằng làm lán, xưởng diễn ra mạnh nhất.Theo quan sát của PV, hai bên tỉnh lộ 70 qua xã Đại Mỗ (khoảng 1km) không khác gì một cái chợ vừa sản xuất, vừa kinh doanh VLXD, trong khi đó chỉ cách đây vài ba năm nơi đây vẫn là những cánh đồng trồng lúa, hoa. Tiếng máy cưa, máy xẻ gỗ xoèn xoẹt cộng với tiếng mài đá khiến ai qua đây cũng thấy inh tai, nhức đầu. Tại khu đồng Chòi (thôn Ngang) sát trụ sở UBND xã Đại Mỗ chúng tôi thấy xót khi hàng nghìn mét vuông đất lúa đã bị các hộ dân đổ đất làm xưởng sản xuất, kinh doanh VLXD. Vi phạm rành rành, lại diễn ra ngay sát cơ quan công quyền địa phương nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến nay các vi phạm này vẫn chưa được xử lý, gây bất bình trong dư luận.
Theo ông Nguyễn Viết Hùng, ngay sau khi phát hiện người dân đổ đất trên đất nông nghiệp, chính quyền địa phương đã lập biên bản xử phạt hành chính, lập hồ sơ vi phạm đất đai và trật tự xây dựng. Xã cũng đã tiến hành xử lý theo đúng quy trình, nhưng hầu hết các trường hợp bị xử lý đều tái vi phạm, nhiều hộ tái vi phạm đến 5 lần.
Trong tổng số gần 200 trường hợp vi phạm, đến nay không những không có trường hợp nào trả lại hiện trạng như ban đầu mà diện tích vi phạm ngày càng rộng hơn theo thời gian. Điển hình như hộ ông Đỗ Tiến Hoạt, thôn Ngang vi phạm từ năm 2000, phát hiện vi phạm xã đã lập biên bản xử phạt, cưỡng chế nhiều lần, thậm chí nhiều lần bắt giữ phương tiện vi phạm nhưng đến nay hộ này vẫn cố tình vi phạm với tổng diện tích khoảng 400m2.
Tìm hiểu thêm tại xã Đại Mỗ được biết, hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp, đất công khác trên địa bàn cũng đã bị người dân nơi đây "biến" thành đất ở; nhiều hộ đã xây nhà kiên cố ngay trên đất nông nghiệp. Đáng nói, việc "rao" bán đất nông nghiệp đang diễn ra phổ biến tại đây. Theo một cò đất tên Nguyễn Thị T., đất 5% và một số diện tích đất nông nghiệp xen kẹt tại thời điểm này có giá dao động 30-33 triệu đồng/mét vuông. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng đất nông nghiệp ở Đại Mỗ đều không qua xác nhận của chính quyền địa phương.
Những hệ lụy
Tình trạng người dân chuyển nhượng "ngầm", đổi chác đất lúa giữa các hộ; tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn xã diễn biến ngày càng phức tạp và gia tăng về số lượng. Cũng vì lẽ đó mà diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang ở Đại Mỗ tăng hằng năm do hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng bị phá vỡ, không chủ động được tưới, tiêu nước, đặc biệt là chuột bọ phá hoại ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.Báo cáo tình hình phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của xã Đại Mỗ cho thấy: Tổng diện tích đất nông nghiệp toàn xã 244ha, trong đó diện tích trồng lúa 111,7ha, giảm 75,3ha so với cùng kỳ năm 2010; diện tích bỏ hoang không cấy được do thiếu nước, chuột phá hoại là 100,4ha... Đây là hệ lụy đáng tiếc khi công tác quản lý đất đai trên địa bàn bị buông lỏng.
Theo lãnh đạo xã Đại Mỗ, khó nhất trong quản lý và sử dụng đất đai, trật tự xây dựng hiện nay ở Đại Mỗ là xã ven đô, có tốc độ đô thị hóa nhanh; đất đai có giá nên bất chấp pháp luật, nhiều hộ đã mua bán, chuyển nhượng. Đầu năm 2008, Đảng ủy xã Đại Mỗ đã ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn. Theo đó, Đại Mỗ đã tiến hành thống kê, rà soát tất cả các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, lấn chiếm đất công làm nhà, làm lều lán trái phép trên đất nông nghiệp từng giai đoạn... để xem xét, từng bước xử lý.
Đối với những vi phạm mới phát sinh, quan điểm của xã là xử lý triệt để từ đầu. Xã cũng có tờ trình đề nghị huyện Từ Liêm và TP Hà Nội cho phép xã mở rộng chợ VLXD Đại Mỗ quy mô từ 1ha lên 3ha nhằm hạn chế vi phạm mới, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng của xã vào quỹ đạo.
Chỉ đạo của xã là vậy, tuy nhiên ghi nhận của PV tại thời điểm này, dọc các tuyến đường vào một số thôn vẫn xảy ra tình trạng người dân đổ đất san nền trên đất nông nghiệp, đất công. Việc xây dựng nhà không phép vẫn diễn ra ở hầu hết các thôn. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, chính quyền không có biện pháp xử lý triệt để, một vài năm nữa liệu diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã Đại Mỗ còn được bao nhiêu?
(Theo HNM)
- 153
- By Admin
- 10/08/2011
- 17