• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội: Nhiều đất "vàng" nuôi cỏ dại

Nhưng điều đó còn chưa đáng buồn bằng có những dự án hàng chục hécta nằm trên các trục đất vàng nhưng chỉ có tường rào, bên trong cỏ dại mọc bời bời, để không vài năm không động tĩnh.

Nhiều biệt thự chậm hoàn thiện. Ảnh: Giang Huy

Từ bức tranh vẽ dở trong các dự án đang sử dụng…

Có thể nhận định về một số khu đô thị mới được đưa vào sử dụng trong vòng 5 năm trở lại đây như thế. Khu đô thị Văn Quán (quận Hà Đông) là một ví dụ. Khu đô thị này do TCty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị  (HUD) là chủ đầu tư, tính đến nay, toàn bộ phần xây thô bàn giao cho người sử dụng đã gần chục năm nhưng hiện tỉ lệ lấp đầy tối đa vẫn chỉ khoảng 80%. Hiện giá đất các căn liền kề của KĐT Văn Quán tuỳ vị trí, có giá từ 100 - 150 triệu đồng/m2 song bị bỏ hoang khá nhiều. Án ngữ trên nhiều trục đường đẹp nhất của dự án là các biệt thự với diện tích từ 250 – 350m2 cũng  bị bỏ hoang, xập xệ cũ nát theo thời  gian, tuy giá một căn không dưới 30 -40 tỉ đồng.

Ở khu đô thị mới Văn Phú, cùng nằm trên địa bàn quận Hà Đông cũng rơi vào tình trạng tương tự. Chị N.T.V - chủ một căn liền kề LK16 cho biết, nhà bỏ hoang đã trở thành hơi hút xách của dân nghiện, gây mất trật tự an ninh xã hội, vốn là những tệ nạn không đáng có ở một khu đô thị mới. Nhà xây thô tất cả đều có chủ, được bàn giao 5- 6 năm rồi nhưng vì không hoàn thiện cũng không sao, nên khá nhiều người Hà Nội đổ về mua găm giữ, từ khi khu đô thị này còn thuộc Hà Tây cũ. “Găm nhà đất mà không bị phạt, không bị thúc ép phải hoàn thiện và đi vào sử dụng, trong khi giá cứ lên đều qua các năm, năm sao cao hơn năm trước (cách đây 3 năm giá đất liền kề ở khu đô thị Văn Phú là gần 30 triệu đồng/m2, nay có giá gần 100 triệu đồng/m2), thử hỏi người có tiền nào không muốn? Nếu quy định cụ thể thời gian phải hoàn thiện, nếu không đưa ra mức phạt thật nặng, liệu họ có dám để thế không?” - chị N.T.V nói.  

Trong khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) cũng có hàng chục biệt thự chưa có người ở, để cỏ dại mọc um tùm, rác tràn lan. Có biệt thự đã qua nhiều chủ nhân, song vẫn chưa có người đến ở. Phần lớn chủ đều là người không có nhu cầu ở, mua bán nhà đất để đầu tư kiếm lời. Điển hình nhất có lẽ là khu đô thị mới Resco nằm trên đường Phạm Văn Đồng, nhìn từ ngoài đường vào như một thành phố bỏ hoang,  với hàng dãy nhà liền kề xây thô không được hoàn thiện. May mắn có 2 toà chung cư nằm giữa khu đô thị, một mặt sát với đường, đêm đến lác đác ánh đèn, làm người ta có việc phải vào khu đô thị này đỡ sợ.    

… đến các dự án nhận rồi để đấy

Dự án Khu đô thị mới Tứ Hiệp (Thanh Trì) đang được bán rầm rộ trên thị trường với mỗi mét vuông đất liền kề từ 65 -80 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí, nhưng ít người biết, dự án này được nhận triển khai từ 5-7 năm nay. Hiện chủ đầu tư mới hoàn thành giải phóng mặt bằng, song các lô đất nền của dự án đã được mua đi bán lại trên thị trường qua tay hàng chục chủ, giá đẩy lên hàng chục triệu đồng qua mỗi lần sang tay. Được biết, dự án được UBND TP.Hà Nội giao cho CTCP Tứ Hiệp (nay là CTCP Tứ Hiệp Hồng Hà dầu khí) thực hiện.

Với tổng diện tích 167.414m2, theo chủ đầu tư, khu đô thị mới Tứ Hiệp sẽ có quy mô dân số dự kiến khoảng 6.000 người, tổng mức vốn đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng; lợi nhuận dự kiến 800 tỉ đồng... Tuy nhiên, đến thời điểm này, tất cả vẫn gần như giậm chân tại chỗ, đến mức trong báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) TP.Hà Nội ngày 19.11.2010 gửi UBND TP về kết quả thực hiện việc xử lý, khắc phục các dự án đầu tư có sử dụng đất nhưng chậm triển khai theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, riêng dự án khu đô thị mới Tứ Hiệp được Sở TNMT đề nghị giao trách nhiệm cho quận, huyện giám sát chủ đầu tư thực hiện dự án, nếu chậm triển khai sẽ lập hồ sơ xử lý.

Thực tế, dự án khu đô thị mới Tứ Hiệp nêu trên chỉ là một ví dụ trong số hàng trăm dự án đang đang được các chủ đầu tư, mặc dù được giao đất từ khá lâu, song vẫn bỏ hoang, không thực hiện đầu tư. Ở nhiều trường hợp, còn là hiện tượng chia lô bán nền, hoặc găm giữ đất để chờ sang nhượng lấy chênh lệch. Khi được hỏi, ngay một lãnh đạo của thành phố cũng phải thừa nhận có tình trạng này, và cho rằng, nếu cứ để doanh nghiệp ôm đất như vậy, nông dân mất ruộng, đầu tư hạ tầng không có, đất để hoang hóa sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế.

Được biết, cũng trong báo cáo của Sở TNMT TP.Hà Nội ngày 19.11, sở này kiến nghị TP ra quyết định thu hồi đất của 13 dự án chậm triển khai vi phạm Luật Đất đai, với tổng diện tích gần 14ha, trong đó có những dự án mặc dù đã được “chiếu cố” thêm thời gian nhưng chủ đầu tư vẫn chưa xây dựng. Cụ thể, trong số 32 dự án chậm triển khai 12 tháng sau khi được bàn giao đất, với tổng diện tích hơn 76ha, sau khi rà soát được gia hạn nhưng cũng chỉ có 21 dự án tiến hành đầu tư xây dựng, còn lại 6 dự án vẫn chưa động tĩnh, với tổng diện tích gần 13ha. Toàn bộ diện tích đất được giao mới chỉ được san lấp mặt bằng và xây tường rào bao quanh giữ đất!    

(Theo Lao Động)

  • 0
  • By Admin
  • 28/12/2010
  • 17