Hà Nội: Nhà đầu tư cá nhân tính bài "chuồn"
Nếu các tập đoàn lớn như Điện lực, Dầu khí, Than - Khoáng sản… năm trước phải thực hiện thoái vốn khỏi lĩnh vực bất động sản theo chỉ thị của Chính phủ để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, thì hiện nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng đang tìm cách rút vốn khỏi thị trường này do lo ngại lợi nhuận không đạt như kỳ vọng.Điển hình là vụ việc một nhóm nhà đầu tư cá nhân đã tìm cách khởi kiện chủ đầu tư Dự án Mulberry Lane (quận Hà Đông, Hà Nội) vi phạm pháp luật để đòi lại tiền đặt cọc căn hộ (Báo Đầu tư số 59 ngày 18/5/2011 đã có bài đề cập vấn đề này). Câu chuyện ở Mulberry Lane Hà Đông cũng không còn là hy hữu khi một nhóm nhà đầu tư tại lô nhà cao tầng Dự án Khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty cổ phần Bất động sản AZ (AZ Land) phân phối, cũng tìm kiếm những sai phạm của đơn vị bán hàng và chủ đầu tư trong quá trình thực hiện hợp đồng để rút vốn khỏi dự án này.
Nếu lý do rút vốn của một số nhà đầu tư tại Mulberry Lane (Hà Đông) là chủ đầu tư vi phạm các quy định về Pháp lệnh quản lý và sử dụng ngoại hối, thì tại Dự án Khu đô thị Vân Canh, các nhà đầu tư cho rằng, tiến độ Dự án đã không được thực hiện theo đúng cam kết. Ông Nguyễn Phất Đạt, người mua hai căn hộ tại lô cao tầng Dự án Khu đô thị Vân Canh cho biết, ông đã có hợp đồng góp vốn và được quyền mua căn hộ tại Dự án Vân Canh với chủ Dự án AZ Land từ tháng 3/2010. Thế nhưng, đến ngày 12/6/2011, đến khu Dự án, ông vẫn chỉ thấy một khu đất trống có tường tôn vây quanh.
Lý do thoái vốn mà các nhà đầu tư đưa ra tại các dự án trên thực ra không mới, nếu không nói đó là sai phạm phổ biến tại hầu hết các dự án bất động sản. Tuy nhiên, khi thị trường khó khăn, thì đó lại là cái cớ để người mua thoái lui khỏi các dự án. Điều đáng lo ngại là, thực tế này xảy ra ở hầu hết các phân khúc của thị trường (đất nền, văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ), chứ không chỉ riêng phân khúc nhà chung cư như trước.
Bà Nguyễn Thị Phương, giám đốc một công ty TNHH quy mô nhỏ tại Đống Đa (người thường xuyên tham gia đầu tư “lướt sóng” các dự án tại khu vực quận Hà Đông và quận Long Biên) cho biết, lợi nhuận từ thị trường địa ốc ở thời điểm này gần như bằng 0, bởi các đợt bung hàng sau của chủ đầu tư luôn có mức giá bằng, hoặc thấp hơn so với các đợt trước.
Tại những thời điểm thị trường sôi động, chủ đầu tư và các đơn vị môi giới thường công bố giá bán (góp vốn) đợt sau cao hơn đợt trước để những người mua trước “đẩy hàng” có lợi nhuận sau mỗi đợt mở bán của chủ đầu tư. Tuy nhiên, thị trường hiện nay không còn dễ dàng như vậy. Càng những đợt bán hàng sau, chủ đầu tư càng đưa ra các gói khuyến mãi “khủng” nhằm kích thích nhu cầu thị trường. “Chính điều này đã triệt tiêu kỳ vọng lợi nhuận của các nhà đầu tư cá nhân đầu tư theo kiểu lướt sóng”, bà Phương cho biết.
Nếu như trước đây, chủ đầu tư thường tránh nhắc đến việc giảm giá bán căn hộ, hoặc cùng lắm cũng chỉ hỗ trợ khách hàng thông qua hình thức tặng quà hay hỗ trợ lãi suất vay, thì đến nay, để kích cầu, chủ đầu tư và nhà môi giới sẵn sàng giảm giá bán bất động sản. Điển hình như tại Dự án Khu căn hộ cao cấp Rừng Cọ (Khu đô thị Ecopark) trong một chiến dịch khuyến mãi đầu quý II/2011 đã chấp nhận giảm 10 - 12% giá bán cho khách hàng và chiết khấu trực tiếp vào giá bán.
Đầu tháng 6/2011, chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Usilk City là Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long còn làm “chết đứng” các đối thủ khi quyết định tặng thêm một diện tích đáng kể (18 - 35 m2) sàn thương mại cho các khách hàng đã đăng ký mua căn hộ tại dự án này nếu chấp nhận trả một lần các khoản vốn góp còn lại.
Dễ dàng nhận thấy, những chiến dịch khuyến mãi này đã dập tắt hoàn toàn hy vọng của các nhà đầu tư trong việc nộp thêm tiền vào dự án, chờ giá lên để “đẩy hàng”. Trong điều kiện thị trường như vậy, các nhà đầu tư cá nhân đua nhau kiếm cớ rút vốn khỏi dự án cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
(Theo Đầu tư)
- 0
- By Admin
- 24/06/2011
- 17