• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội: Nhà đất giảm giá, mừng nhiều hơn lo

Giảm giá trên diện rộng

Trước việc ngân hàng hạ tỷ trọng tín dụng phi sản xuất trong đó có BĐS xuống dưới 22%, thị trường này đã có dấu hiệu… tụt giá. Vậy là chỉ sau một thời gian ngắn, giá BĐS tại nhiều khu vực phía Tây được đẩy lên cao ngất ngưởng, thì đến thời điểm này, giá "tụt" xuống trông thấy. Chẳng hạn, đất làng tại thôn Vĩnh Thanh, Phương Trạch... xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh từ mức 35 - 40 triệu đồng/m2, đất mặt đường 60 - 70 triệu đồng/m2 nay giảm xuống trung bình 5 triệu đồng/m2 mà cũng không có khách mua.

Một "cò nhà đất" ở xã này cho hay, BĐS ở đây giảm giá một phần do nhiều người cần tiền trả nợ ngân hàng, nhưng cũng không ít người chấp nhận "hòa vốn" hoặc "lỗ", cần đẩy hàng để tìm cơ hội đầu tư mới.

Tại khu vực phía Tây, từ đầu tháng 5 đến nay, giao dịch trên thị trường giảm sút đáng kể. Nhiều nhà đầu tư đã rao bán với mức giá giảm 10% so với 2 tháng trước. Qua khảo sát, giá đất nền giảm từ 5 - 10 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí. Điển hình, dự án Khu ĐTM Kim Chung - Di Trạch hiện có mức giao dịch đất nền đạt tỷ lệ rất thấp. Những lô liền kề nằm trên mặt đường với mặt tiền 10,5m, hiện khoảng 45 triệu đồng/m2. Nhưng theo ghi nhận, lượng giao dịch thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay.   

Sự sụt giảm còn được ghi nhận ở nhiều khu đô thị khác. Ví như Tân Tây Đô giảm khoảng 5 - 7 triệu đồng/m2, Thanh Hà từ 3 - 4 triệu đồng/m2, Geleximco Lê Trọng Tấn khoảng từ 4 - 5 triệu đồng/m2...

Tín hiệu mừng

Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc nhà đầu tư "tháo hàng", bởi phần lớn giao dịch BĐS ở những vùng quy hoạch chỉ là giao dịch tạo nhu cầu giả, tức là đầu cơ tích trữ, tự mua đi bán lại với nhau, thậm chí có hiện tượng bố trí giao dịch giả để kích giá đất lên.

Đối với những khu vực quy hoạch ổn định, như các khu đô thị, các khu dân cư thì nguyên nhân xuất phát từ người sử dụng và sở hữu BĐS muốn bán nhanh để thu hồi vốn trả nợ, vì lãi suất vay hiện ở mức rất cao, trong khi người mua chần chừ, chờ giá xuống thấp nữa. Ông Nguyễn Bá Ân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch Đầu tư) nhận định, đất Hà Nội lặng sóng và bắt đầu giảm giá là cơ hội tốt cho những người có nhu cầu thực. Tuy nhiên, nếu đi vay ngân hàng với lãi suất cao có khi 25% để đầu tư bất động sản trong bối cảnh hiện nay là rủi ro không nhỏ.

Một chuyên gia thuộc mạng các Sàn giao dịch BĐS miền Bắc phân tích: Căn hộ có xu hướng giảm giá trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua khuyến mãi là dấu hiệu của cơn khát vốn. Hiện nhiều doanh nghiệp không vay được vốn vì ngân hàng thắt chặt tín dụng hoặc nếu vay được thì lãi suất quá cao không phù hợp để kinh doanh. "Việc giảm giá căn hộ là một giải pháp khơi thông vốn duy nhất trong thời điểm này và có thể sẽ tiếp diễn đến cuối năm" - ông này nói.

Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, việc BĐS giảm giá sẽ không kéo dài lâu. Thị trường BĐS Hà Nội vẫn còn rất hấp dẫn so với những người tỉnh khác, nhất là các gia đình có con cái đang học hành sinh sống ở Hà Nội. Sự giảm giá lần này làm cho giá đất tiệm cận gần hơn với điều kiện thực tế của dự án, chứ sẽ không giảm quá sâu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới BĐS… tụt giá trong thời điểm này. Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là tín hiệu mừng. Bởi từ nhiều năm nay, giá BĐS vẫn bị giới đầu tư thao túng. Dẫn đến giá nhà đất bị thổi lên quá cao so với thu nhập bình quân của đại đa số tầng lớp nhân dân.

"Việc giảm giá sẽ đảm bảo tính thanh khoản, tránh được khả năng vỡ "bong bóng" BĐS. Nếu BĐS Hà Nội không giảm giá sẽ không có thanh khoản. Khi không có thanh khoản, với mức lãi suất cao như hiện nay, đến một giai đoạn nhất định (chính sách siết chặt tiền tệ duy trì lâu), các chủ đầu tư BĐS bị lỗ nặng do sản phẩm không bán được trong khi lãi ngân hàng chồng chất dẫn đến phá sản, các khoản cho vay trong BĐS trở thành nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Đây mới là điều đáng lo hơn chuyện thị trường BĐS Hà Nội giảm giá."

Ông Nguyễn Sơn Trung Giám đốc Công ty BĐS Đất Nam Đô

(Theo KTĐT)


  • 0
  • By Admin
  • 24/05/2011
  • 17