Hà Nội: Nhà chuyên dùng gây lãng phí nghiêm trọng
Thất thoát ngân sách
Mức giá 80.000 đồng/m2 được áp dụng đối với quỹ nhà chuyên dùng trên địa bàn TP từ năm 2009 đến nay được nêu trong báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP đã khiến không ít người sửng sốt. Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam bức xúc, nhà chuyên dùng tập trung phần lớn tại 2 quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng - những khu vực có vị trí đắc địa nhưng lại được cho thuê với giá bao cấp chỉ 80.000 đồng/m2 là quá thấp so với giá thực tế. Lợi dụng điều này, hiện không ít tổ chức kinh tế và doanh nghiệp đã dùng diện tích được Nhà nước cho thuê với mức giá ưu đãi cho thuê lại nhiều lần với giá cao ngất ngưởng, gấp 30-40 lần giá Nhà nước cho thuê. Đây là một thất thoát khổng lồ cho ngân sách TP.
Hà Nội đang thiếu một cơ chế quản lý hiệu quả đối với quỹ nhà chuyên dùng trên địa bàn thành phố. Ảnh: Nhật Nam |
Thống kê bước đầu của Sở Xây dựng cho thấy, toàn TP hiện có 1.075 địa điểm nhà chuyên dùng, được cho 892 đơn vị, tổ chức thuê, với diện tích nhà 19.354m2, diện tích đất 183.091m2. Dù là nhà có nguồn gốc từ nhiều năm trước, phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, nguyên là nhà ở, vị trí xen kẽ với nhà ở của dân như báo cáo của Sở Xây dựng, song không thể phủ nhận đây vẫn là những "diện tích vàng" rất có giá trị. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, TP Hà Nội chỉ thu được gần 300 tỷ đồng từ lợi nhuận cho thuê nhà chuyên dùng. Còn đối với quỹ nhà cho thuê để sử dụng vào mục đích làm trụ sở, kinh doanh, dịch vụ công cộng tại tầng 1 hoặc tầng 2 nhà chung cư, tái định cư, với diện tích 45.788m2, 4 năm qua cũng chỉ mang về nguồn thu cho TP được trên 50 tỷ đồng.
Thất thoát quỹ nhà
Đánh giá về thực trạng quản lý quỹ nhà chuyên dùng hiện nay, không ít người bày tỏ lo ngại khi quỹ nhà đang thất thoát, ngày càng "teo" lại do những vi phạm và lấn chiếm trái phép. Nhiều đơn vị thuê nhà đã vi phạm hợp đồng khi tự ý chuyển nhượng, cho thuê lại dưới hình thức liên doanh, giao khoán nhà cho cá nhân hay chuyển sang làm nhà ở.
Phần lớn các sai phạm tập trung ở các đơn vị, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhà nước đã có thay đổi về tổ chức. Trong 1.075 địa điểm nhà chuyên dùng, đến thời điểm này, có 91 địa điểm do cơ quan hành chính sử dụng có vi phạm sử dụng sai mục đích, cho thuê lại. 342 địa điểm TP chưa ký lại hợp đồng thuê nhà do có những vi phạm khác nhau.
Theo cơ chế quản lý hiện nay, UBND TP Hà Nội là chủ sở hữu tài sản, có thẩm quyền quyết định giá cho thuê, đối tượng thuê, thu hồi, điều chuyển quỹ nhà, chuyển mục đích sử dụng và cho phép bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất với quỹ nhà chuyên dùng. Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội là đơn vị được tạm giao quản lý quỹ nhà.
Song, theo ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, cái khó hiện nay là UBND TP chưa có quyết định chính thức giao cho công ty quản lý quỹ nhà chuyên dùng, vì thế, dù vi phạm xảy ra nhiều, nhưng không có chế tài để xử lý. Nhiều trường hợp xây dựng trái phép, công ty cũng chỉ đến lập biên bản, gửi sang thanh tra quận, phường yêu cầu khôi phục lại thực trạng ban đầu. Đó là khó khăn khiến cho việc quản lý và kinh doanh quỹ nhà nảy sinh nhiều bất cập và là kẽ hở mà TP cần có cơ chế điều chỉnh để chống thất thoát.
Mặt khác, với một mức giá cho thuê duy nhất 80.000 đồng/m2 được áp dụng từ năm 2009 đến nay, không hề có quy định thời hạn điều chỉnh đã gây nên một sự bất bình đẳng đối với ngay chính các đối tượng được thuê nhà. Bởi thực tế cho thấy, trong khi nhiều nhà chuyên dùng nằm trong các ngõ, phố nhỏ thì cũng chịu chung mức giá với không ít quỹ nhà, đất nằm ở các vị trí đắc dụng trên các tuyến phố sầm uất với giá trị lớn phục vụ mục đích kinh doanh, thương mại. Giá cho thuê nhà vẫn giữ nguyên, trong khi giá đất hằng năm đều được HĐND TP điều chỉnh đã phần nào cho thấy sự chuyển mình chậm chạp của các cơ quan quản lý đối với một lĩnh vực vốn rất nhạy cảm và năng động.
Rõ ràng, cơ chế quản lý và kinh doanh nhà chuyên dùng trên địa bàn TP còn nhiều vấn đề bất cập, gây ra sự thất thoát và lãng phí lớn đối với một nguồn thu quan trọng của ngân sách TP. Đã đến lúc cần rà soát lại toàn bộ thực trạng, cơ chế chính sách quản lý khối tài sản lớn này, xây dựng những phương án khả thi theo hướng minh bạch, công khai nhằm siết chặt việc quản lý, hạn chế lãng phí, góp phần khai thác hiệu quả quỹ nhà của Nhà nước.
Theo đó, các cơ sở nhà, đất nếu sử dụng không đúng mục đích, vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước hoặc hiện tại đang cho thuê, cho mượn, liên doanh liên kết, sử dụng kém hiệu quả, bị lấn chiếm sẽ bị thu hồi. Các bất động sản này sau đó có thể bán đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo sát giá thị trường cho các đối tượng có nhu cầu. Tương tự, với những hợp đồng thuê nhà (đã hết hạn), sẽ được xác định lại đơn giá cho thuê nhà và thực hiện theo cơ chế đấu thầu giá thuê nhà nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, góp phần tăng thu cho ngân sách.
(Theo Hà Nội Mới)
- 0
- By Admin
- 30/08/2012
- 17