Hà Nội: Người dân lấn đất, chính quyền làm ngơ
Người dân đang đổ đất lấn chiếm hồ Quan Lại, thôn Tân Độ. |
Một sổ đỏ... 6 mảnh đất
Trong cuộc làm việc với PV Báo Hànộimới, lãnh đạo xã Hồng Minh đã đưa ra một số biểu tổng hợp khá "hy hữu" về các trường hợp tẩy xóa, kẻ thêm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, mà ở thời điểm hiện tại, đây có thể là địa phương duy nhất trên địa bàn TP Hà Nội diễn ra sự việc này (theo nhìn nhận của PV). Theo biểu thứ nhất thì trên cùng một sổ đỏ, UBND xã Hồng Minh đã tự ý kẻ thêm từ 2 đến 5 thửa đất ở vị trí khác nhau, bên cạnh sổ của thửa đất gốc. "Tiêu biểu" nhất là hộ ông Vũ Văn Đẳng, thôn Tân Độ có đến 6 thửa đất, gồm số thửa 1, 2, 132, 133, 163 và 84 với tổng diện tích 535m2 trên cùng một sổ đỏ của tờ bản đồ số 4; hộ bà Nguyễn Thị Nác ở thôn Phù Bật 4 thửa/sổ, gồm số thửa 38, 256, 41a và 41b; hộ ông Nguyễn Văn Hợp 4 thửa/sổ, gồm số thửa 29, 167, 52a và 52b trên tổng diện tích 400m2... Theo tổng hợp của UBND xã, Hồng Minh có 138 hộ có sổ đỏ kẻ thêm với 273 thửa, phổ biến từ 2 đến 3 thửa/sổ.Ngoài việc tự ý kẻ thêm, UBND xã Hồng Minh còn thống kê có 144 hộ với 147 sổ đỏ bị tẩy xóa, sửa chữa diện tích, chủ sở hữu, địa chỉ ghi trên sổ không rõ ràng, không nguyên gốc...; 34 sổ bị rách nát và có nghi ngờ về thông tin không chính xác trên đó. Chủ tịch UBND xã Hồng Minh Đỗ Thành Tích cho biết: "Sự việc xảy ra từ nhiều năm trước. Người dân được cấp đất giãn cư, mang sổ đỏ mảnh đất đang sử dụng ra UBND xã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và giấy tờ liên quan. Sau đó, cán bộ địa chính xã đã "liều lĩnh" kẻ thêm phần diện tích được cấp mới vào sổ đỏ và đóng dấu treo. Điều này vi phạm quy định Luật Đất đai.
Tìm hiểu sự việc, chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Hữu Phúc, nguyên Chủ tịch UBND xã Hồng Minh giai đoạn 1994-1999, người chịu trách nhiệm để xảy ra nhiều trường hợp kẻ thêm trong sổ đỏ. Ông Phúc thừa nhận sai sót khi để địa chính xã kẻ thêm vào sổ đỏ cũ của người dân rồi đóng dấu treo. "Thực tế việc này cũng không ảnh hưởng gì, bởi đất đúng là của họ, không có tranh chấp và họ đã đóng góp tài chính theo đúng quy định. Địa chính, văn phòng lúc đó làm hết chứ tôi cũng không chỉ đạo. Tôi không ký. Mình chỉ nghĩ trước mắt là tiện cho dân. Hậu quả về mặt pháp lý bây giờ là sai" - ông Phúc phân trần. Có thể thấy, cái gọi là "cho tiện" đang gây hậu quả nghiêm trọng do sự thiếu hiểu biết pháp luật của lãnh đạo xã.
Để khắc phục những vi phạm trên, UBND huyện Phú Xuyên thành lập tổ công tác kiểm tra, đánh giá thực trạng công tác quản lý đất đai của xã Hồng Minh. Bà Hoàng Thị Anh, Phó Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Phú Xuyên, thành viên trong tổ công tác cho biết: Hiện xã Hồng Minh đã chuyển cho tổ 328 sổ đỏ. Trước mắt, tổ sẽ xem xét, phân loại từng trường hợp để có hướng xử lý tiếp theo. Bà Anh cũng không đưa ra bình luận gì thêm về những sai phạm đang xảy ra tại xã Hồng Minh.
Vi phạm nối tiếp vi phạm
Trong khi việc cũ vẫn như mớ bòng bong thì nhiều vi phạm mới vẫn đang tiếp diễn tại xã Hồng Minh. Theo phản ánh của người dân, tình trạng đất ao hồ "biến" thành đất thổ cư đang xảy ra tại đây mà chính quyền vẫn như không biết. Nhiều hộ đã ngang nhiên xây dựng nhà ở 2 đến 3 tầng và sinh sống tại đó. Các hồ ao, kênh mương trong thôn, xóm đang dần bị thu hẹp và mất đi. Ngay trên mặt đường tỉnh lộ 429 thuộc khu vực hồ Quan Lại (thôn Tân Độ) đã xuất hiện những ngôi nhà kiên cố vừa xây dựng. Điều đáng nói là những vi phạm này chỉ cách UBND xã vài trăm mét nhưng nhà chức trách không hề hay biết khi để những hộ dân này lấn chiếm đất vô tội vạ.Ông Nguyễn Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Minh khẳng định, trường hợp đang đổ đất, xây nhà xã đã ngăn chặn ngay từ đầu. Tuy nhiên, tại hiện trường, vẫn còn những mảng tường đang tiếp tục được dựng lên, những đống đất cao chất ngất... lòng hồ Quan Lại đang tiếp tục bị "xẻ thịt". Tình trạng lấn, chiếm đất cũng xảy ra ngang nhiên tại các thôn, xóm. Tại xóm Cầu, tháng 8/2011 vừa qua, UBND xã đã xử lý 7 hộ xây dựng nhà kiên cố trên đất canh tác. Tuy nhiên, vẫn còn 11 hộ xây nhà kiên cố 2 đến 3 tầng từ 15 đến 20 năm nay chưa giải quyết được và đang... chờ xin ý kiến chỉ đạo của huyện.
Đặc biệt, việc xử lý lấn chiếm hành lang đê sông Nhuệ, theo Chủ tịch xã Đỗ Thành Tích, sự việc bắt đầu từ năm 1994 khi UBND xã cho 7 hộ thuê đất thuộc hành lang Sông Nhuệ làm lều lán kinh doanh. Tuy nhiên, lợi dụng sự lơi lỏng của chính quyền địa phương, người dân đã lấn chiếm đất công, xây nhà kiên cố không thể giải tỏa được. Cùng với đó là những sai phạm trong cấp đất giãn dân theo Quyết định 625 của UBND huyện Phú Xuyên ngày 21/11/1994, cấp 9.936m2. Theo thống kê, có đến gần 200 trường hợp với khoảng 12.000m2 được cấp đất giãn cư nằm trong hành lang đê, lưới điện... ở các thôn Hòa Mỹ, Miền Tây. Trong đó có 37 hộ ở Miền Tây chưa được cấp sổ đỏ mặc dù các hộ này đã đóng góp nghĩa vụ tài chính theo quy định Nhà nước.
Buông lỏng quản lý, trốn tránh trách nhiệm
Trong khi các vi phạm đất đai của xã Hồng Minh chưa được giải quyết dứt điểm thì trong 3 năm 2005, 2007 và 2008, UBND huyện Phú Xuyên liên tiếp ban hành 3 quyết định cấp đất giãn cư với diện tích hơn 30.000m2. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có 56 sổ đỏ được cấp tới hộ dân. Dù các trường hợp được cấp đất theo 3 quyết định trên đúng quy định, có thu chi ngân sách rõ ràng nhưng việc tồn đọng từ quyết định 625 năm 1994 chưa được giải quyết triệt để đã xin cấp đất mới khiến nhân dân bức xúc, nghi ngờ cán bộ xã có điều mờ ám. Đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch xã Đỗ Thành Tích nói: "Vi phạm đó từ thời trước, sao mà giải quyết được, cái đó phải hỏi các bác lãnh đạo những năm đó". Rất đáng trách, chính quyền xã không thể trả lời dư luận bằng cách "đổ lỗi" cho quá khứ. Chính quyền là thống nhất, liên tiếp thực hiện trách nhiệm, quyền hạn ở địa phương, người kế nhiệm phải có trách nhiệm giải quyết những tồn đọng trước đó, làm bộ máy trong sạch, bảo đảm quyền lợi cho người dân.Vi phạm đất đai ở xã Hồng Minh đã rõ, nguyên nhân chủ yếu do chính quyền cơ sở buông lỏng quản lý, người dân thiếu ý thức chấp hành pháp luật. Quan điểm của các cấp chính quyền là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, năm này qua năm khác, những sai phạm không được xử lý dứt điểm, nhiều hộ xây nhà kiên cố trên đất không cho phép đã hàng chục năm nay khó có thể xử lý. Nếu cưỡng chế sẽ làm thiệt hại hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Đây là khối tài sản không nhỏ của người dân nông thôn. Nếu như chính quyền cơ sở làm tốt công tác quản lý, giáo dục, ngăn ngừa vi phạm ngay từ đầu thì tình trạng lãng phí sẽ
không xảy ra. Nếu không xử lý nghiêm sẽ không bảo đảm công bằng xã hội, nếu vi phạm được hợp pháp hóa sẽ dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân tiếp tục vi phạm. Liên quan tới vấn đề này, nhiều hộ dân băn khoăn những hộ vi phạm đợt này bị xử lý còn những hộ vi phạm từ những năm trước đó thì sao? Chính quyền, ngành chức năng huyện Phú Xuyên và xã Hồng Minh cần rà soát kỹ các trường hợp vi phạm Luật Đất đai, phân loại và nhất quán biện pháp xử lý, bảo đảm công bằng xã hội và tránh những thắc mắc khiếu nại sau này.
(Theo HNM)
- 136
- By Admin
- 15/12/2011
- 17