Hà Nội: Ngang nhiên lấn ao làng, đất lúa tại xã Hữu Bằng
Cũng do việc xử lý vi phạm đất đai thiếu kiên quyết nên tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ) ở Hữu Bằng chậm nhất huyện Thạch Thất.Vi phạm tràn lan
Theo thống kê mới nhất của UBND xã Hữu Bằng, từ năm 1997 đến nay địa bàn xã có trên 1.200 hộ dân lấn chiếm đất công, biến đất nông nghiệp thành đất ở. Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng Phan Lạc Trường cho biết: Là xã có dân số đông với 3.500 hộ gồm 16.000 nhân khẩu sinh sống ở 9 thôn, nhưng diện tích đất ở lại nhỏ nhất huyện, vỏn vẹn có 35ha. Hiện nhiều hộ gia đình có 2-3 thế hệ sinh sống trong căn nhà diện tích chỉ từ 25m2 đến 40m2. Cũng theo ông Trường, xuất phát từ chỗ ở quá chật, từ năm 1996 đến nay xã chưa có đợt cấp đất giãn dân nào nên đó cũng là nguyên nhân đã dẫn đến tình trạng vi phạm Luật Đất đai tràn lan.Theo cán bộ địa chính xã Hữu Bằng Nguyễn Đình Nhu, khởi điểm vào năm 1997, 61 hộ dân ở ven làng đã tự ý biến đất lúa thành đất ở, lấn chiếm đất công ven làng. Tiếp đó, năm 1999, người dân ở tất cả các thôn đã đua nhau lấn chiếm đất công. Chỉ trong hai năm 1999 và 2000 trên 10ha ao ở các thôn đã bị người dân tự ý đổ đất lấp kín xây dựng nhà ở.
Năm 2003, sau khi huyện Thạch Thất công bố quy hoạch 1/500 về xây dựng điểm dịch vụ - thương mại xã Hữu Bằng (21ha tại khu đồng Nưa), lập tức hàng trăm hộ dân có đất nông nghiệp tại khu đồng này đã ra dựng lán xưởng. Trước thực trạng lấn chiếm đất đai nóng bỏng tại Hữu Bằng, huyện Thạch Thất đã thành lập tổ công tác đặc biệt xuống hiện trường, thiết lập hồ sơ, bắt và xử lý hình sự 7 đối tượng. Tuy nhiên, do số hộ vi phạm đông, tình hình vi phạm phức tạp, việc xử lý thiếu kiên quyết... dẫn đến dự án xây dựng điểm dịch vụ - thương mại Hữu Bằng phải dừng lại. Trong khi nhiều vi phạm cũ chưa được xử lý thì liên tiếp từ năm 2003 đến nay, hàng trăm hộ dân xã Hữu Bằng vẫn tự ý biến đất nông nghiệp thành đất ở, nhà xưởng sản xuất.
Bao giờ xử lý?
Theo chỉ dẫn của cán bộ địa chính xã Hữu Bằng, chúng tôi đến khu đồng Cánh Ải, nằm sát trụ sở UBND xã, nơi hàng chục nhà xưởng lớn, nhỏ mọc lên san sát trên đất lúa. Nhiều hộ xây dựng nhà, xưởng bề thế 2-3 tầng cả trăm mét vuông trên đất ruộng để ở, kinh doanh, sản xuất đồ mộc... Cùng với lấn chiếm đất công, tự ý biến đất nông nghiệp thành đất ở, tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp trái phép diễn ra khá phổ biến với giá rất cao. Được biết, đất lúa có diện tích 100m2 làm nhà cấp 4, ở vị trí đường đẹp tại Hữu Bằng, không có giấy tờ đang được người dân ở đây chuyển nhượng cho nhau với giá từ 4-5 tỷ đồng.Theo lý giải của ông Nguyễn Đình Nhu, sau khi phát hiện người dân vi phạm lấn chiếm đất công, các lực lượng chức năng của xã đã đến lập biên bản đình chỉ thi công, trả lại hiện trạng ban đầu, đồng thời ra quyết định xử phạt hành chính... Tuy nhiên, sau khi các lực lượng ra về các hộ lại tiếp tục thi công, thậm chí họ huy động nhiều người làm cấp tập về đêm. Để tránh sự phát hiện của chính quyền, các hộ đổ đất, xây dựng lều lán vào ngày nghỉ, ngày lễ... nên chỉ trong 2-3 ngày ngôi nhà đã hoàn thành dẫn đến việc xử lý vi phạm gặp khó khăn.
Để lập lại kỷ cương trong công tác quản lý đất đai, năm 2008 xã Hữu Bằng đã xây dựng đề án xử lý tồn tại trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai để cấp sổ đỏ cho nhân dân. Theo đó, các trường hợp lấn chiếm đất công, sử dụng sai mục đích trước thời điểm 1/7/2004, phù hợp với quy hoạch xã Hữu Bằng đề xuất phương án xem xét thu tiền để cấp sổ đỏ theo Nghị định 84/CP của Chính phủ, nếu không phù hợp quy hoạch sẽ có phương án xử lý cụ thể. Trường hợp vi phạm sau thời điểm 1/7/2004 xã sẽ lập hồ sơ xử lý hành chính, theo đúng pháp luật. Đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp mới phát sinh. Tuy nhiên, đề án đã xây dựng, nhưng từ năm 2008 đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt (?).
Được biết, từ năm 2008 đến nay công tác quản lý và xử lý vi phạm đất đai trên địa bàn xã Hữu Bằng được quan tâm hơn. Hầu hết các vụ vi phạm mới đều được phát hiện lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính, yêu cầu các hộ tự tháo dỡ công trình, trả lại mặt bằng. Tuy nhiên, do sự không chấp hành của các hộ dân, cộng với sự thiếu kiên quyết trong xử lý của chính quyền địa phương... dẫn đến việc xử lý các vi phạm cũng chỉ dừng lại trên giấy. Từ chỗ một vài hộ dân vi phạm không được xử lý nghiêm, dứt điểm dẫn đến số đông người ngang nhiên vi phạm Luật Đất đai. Không rõ cán bộ xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất làm gì nhỉ, khi bỏ qua chức năng quản lý đất đai ở cơ sở?
(Theo HNM)
- 134
- By Admin
- 03/10/2011
- 17