Hà Nội: Mừng, lo thuê nhà ở xã hội
Đây là một chủ trương đúng đắn, đáp ứng nhu cầu cấp bách về chỗ ở cho đông đảo người lao động. Được thuê nhà ở xã hội, mừng thì có mừng nhưng không phải không có những nỗi băn khoăn, lo lắng…An cư để lạc nghiệp
Sau bao năm sống chật chội ở các khu phố cổ; hoặc chen chúc trong các khu nhà trọ… nay người lao động có thu nhập thấp đã có một nơi tạm cho là khang trang, bề thế để an cư mà lạc nghiệp.Được thiết kế theo kiểu nhà chung cư, dự án CT19A Khu ĐTM Việt Hưng gồm các tổ hợp nhà 6 tầng (không có thang máy), hạ tầng tương đối tốt, có khuôn viên cây xanh ở giữa, không gian thoáng đãng; có hệ thống trường học và sân chơi; có siêu thị phục vụ nhu cầu sinh hoạt và nhiều điều kiện thuận lợi khác…
Có thể nói, đây là một giấc mơ không nhỏ đối với những người chưa có nhà ở, hiện phải đi thuê ở các khu nhà trọ chật hẹp, vệ sinh, môi trường, an ninh trật tự không đảm bảo.
Ngoài nỗi mừng riêng đối với người được thuê nhà ở xã hội, nhân dân Thủ đô cũng có nỗi mừng chung khi mà chủ trương của Đảng về chăm lo cho người lao động đang đi vào cuộc sống ngày một rõ nét hơn, đồng thời cũng thấy được những nỗ lực không nhỏ của Đảng bộ, chính quyền Thành phố trong việc thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn đã đạt được những thành công bước đầu, trong thời điểm kinh tế - xã hội của Thủ đô đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Còn đó những nỗi lo
Mừng là vậy, song nỗi lo lớn nhất, thường trực người đi thuê nhà là lo chi phí cho việc thuê nhà và các dịch vụ cố định khác. Với mức cho thuê sàn là 29.100 đồng/m2/tháng, thì căn hộ 52m2 (CT19A Việt Hưng có 3 loại căn hộ: 36m2; 52m2 và 63m2, trong đó loại 52m2 là phổ biến), bình quân một tháng mỗi hộ phải chi trả 2 triệu đồng (bao gồm tiền thuê nhà; tiền gửi xe máy; vệ sinh…).Mức giá này không đắt so với thị trường, thậm chí có phần rẻ hơn. Song, đối với người lao động có thu nhập thấp, số tiền trên cũng không phải là nhỏ. Thử đặt phép tính đối với một cặp vợ chồng là công chức với 2 đứa con nhỏ. Nếu hai vợ chồng cùng là chuyên viên bậc 2, thu nhập bình quân là 5 triệu đồng/tháng. Trừ 2 triệu đồng cho việc thuê nhà và phí dịch vụ cố định, gia đình còn 3 triệu đồng cho tất cả khoản chi tiêu trong một tháng. Đó thực sự nỗi lo không nhỏ đối với họ.
Thiết nghĩ, đã là đối tượng được hưởng chính sách của Thành phố, nên chăng mức độ thụ hưởng trên cũng cần được những nhà hoạch định chính sách cân nhắc lại.
Một nỗi lo nữa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người được thuê nhà tại Việt Hưng. Cách trung tâm Hà Nội 9km, cách Hà Đông 22km. Như chúng ta đã biết, sau khi sáp nhập, các cơ quan hành chính cấp tỉnh của Hà Nội và Hà Tây cũ hợp nhất, kéo theo nhiều cán bộ phải thay đổi trụ sở làm việc, còn một bộ phận không nhỏ làm trong các cơ quan hành chính có trụ sở trên địa bàn quận Hà Đông. Có gia đình, chồng làm ở khu vực các quận nội thành của Hà Nội cũ, vợ hoặc con cái học và làm việc tại các cơ quan thuộc tỉnh Hà Tây cũ, trên địa bàn quận Hà Đông.
Như vậy, nếu được thuê nhà tại khu nhà ở xã hội Việt Hưng, việc đi lại là rất khó khăn và tốn kém. Ngoài ra, nếu đi từ Việt Hưng về Hà Đông và ngược lại vào các giờ tan tầm thực sự là một… cực hình. Tất nhiên, đây là lý do khách quan, không thể đổ lỗi cho những nhà làm quy hoạch. Bởi để có một khu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp mà đảm bảo giải quyết được vấn đề trên thì đó là bài toán khó.
Đấy là những nỗi lo trước mắt, đã được nhìn thấy. Còn những nỗi lo canh cánh trong lòng mà chưa thể nói ra, đó là chất lượng nhà có đảm bảo, chất lượng dịch vụ có đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, việc duy trì, vận hành bộ máy ban quản lý có thực sự ổn định và hiệu quả để đảm bảo điều hòa các mối quan hệ dân sự phát sinh giữa nhà quản lý và hộ gia đình… Những lo âu này không phải không có cơ sở, bởi nó đã là tiền lệ ở nhiều loại hình nhà chung cư, tái định cư, đặc biệt đối với các loại nhà do Nhà nước quản lý.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dự án thí điểm cho thuê nhà ở xã hội là bước đột phá cả về tư duy và nhận thức của các nhà lãnh đạo, bước đầu tạo được dấu ấn tốt trong dư luận xã hội và được đông đảo quần chúng nhân dân đồng thuận.
Để chính sách của Thành phố đạt được hiệu quả thiết thực, lãnh đạo Thành phố, các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những cơ chế thích hợp, cung ứng các loại hình dịch vụ phù hợp hơn với điều kiện kinh tế của người lao động có thu nhập thấp.
(Theo KTĐT )
- 0
- By Admin
- 12/07/2011
- 17