• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội: Mức giá đền bù cho đường Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái

Theo đó, UBND TP cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt cho các hộ dân nằm trong chỉ giới GPMB để đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án.

Theo Quyết định số 4381/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh ký, đã phê duyệt điều chỉnh giá đất ở làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng đường Vành đai I (đoạn Ô Đông Mác - đê Nguyễn Khoái).

Theo đó, khi lên phương án đền bù, các hộ được áp giá bằng giá đất ở tại các vị trí 1, 2 và còn lại (vị trí 3 và 4 đều được áp dụng theo vị trí 3) theo khung giá đất năm 2012 đã được UBND TP quy định tại Quyết định số 50/2011/QĐ-UBND nhân với hệ số điều chỉnh K=1,8.

Hà Nội: Mức giá đền bù cho đường Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái | ảnh 1

Trong khi đó, khung giá đất theo Quyết định 50 tại đường Lương Yên, vị trí 1 có giá 27,6 triệu đồng/m2, vị trí 2 giá 15,96 triệu đồng/m2, vị trí 3 giá 13,44 triệu đồng/m2. Tại phố Lãng Yên giá các vị trí tương ứng 20,4 triệu đồng/m2 - 12,84 triệu đồng/m2 - 10,92 triệu đồng/m2. Phố Bạch Đằng 19,2 triệu đồng/m2 - 12,24 triệu đồng/m2 - 10,56 triệu đồng/m2. Phố Nguyễn Khoái 24 triệu đồng/m2 - 14,4 triệu đồng/m2 - 12,12 triệu đồng/m2.

Như vậy, các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng được áp dụng theo 3 vị trí trong khung giá đất của các tuyến đường Nguyễn Khoái, Lương Yên, Lãng Yên, Bạch Đằng nhân với hệ số 1,8 lần.

Cũng theo Quyết định này, UBND thành phố cho phép quận Hai Bà Trưng được áp dụng chính sách nói trên để điều chỉnh, bổ sung cho các phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được UBND quận phê duyệt từ năm 2007 nhưng chưa nhận tiền và chưa di chuyển do chưa có quỹ nhà tái định cư. Đây là đoạn đường có chiều dài 548,06m với điểm đầu là ngã tư Lò Đúc-Trần Khát Chân, điểm cuối giao với đê Nguyễn Khoái, mặt cắt ngang đường là 50m.

Để xây dựng dự án, phải thu hồi 41.240 m2 đất tại các phường Đống Mác, Thanh Lương, Bạch Đằng và Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng với khoảng 850 hộ dân nằm trong phạm vi dự án, trong đó có 750 hộ phải bố trí tái định cư. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Sở Xây dựng mới thông báo bố trí được 300 căn tại Khu đô thị Nam Trung Yên. 500 căn còn lại ở các địa điểm khác như: Sài Đồng, Dịch Vọng, Kim Ngưu, Vĩnh Hoàng…

Tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt theo dự toán năm 2010 là 383,5 tỷ đồng, tương đương chi phí xây dựng mỗi mét đường tốn khoảng 700 triệu đồng.

Theo chủ trương của thành phố, tuyến đường được đầu tư xây dựng theo hai giai đoạn: giai đoạn 1 đầu tư phần tuyến đường và vỉa hè hai bên; giai đoạn 2 sẽ cải tạo xây dựng hai bên tuyến theo quy hoạch. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành và thông xe trước Tết Nguyên đán 2014.

Trước đó, hồi năm 2010, Hà Nội đã xây dựng và thông xe đường vành đai 1, đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa, với chiều dài chỉ 547m nhưng tổng mức đầu tư lên đến 642 tỉ đồng, trong đó chi phí đền bù chiếm 527 tỉ đồng. Đây được coi là tuyến đường “đắt nhất hành tinh” do giá trung bình mỗi mét chiều dài tương đương với số tiền trên 1 tỷ đồng.

(Theo VnMedia)

  • 0
  • By Admin
  • 10/10/2012
  • 17