• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội: Kiếm đâu nửa tỷ Euro cho dự án đường sắt trên cao?

Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt đầu tư tại quyết định số 1970/QĐ-UBND ngày 27/4/2009 và phê duyệt điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn tại quyết định số 5456/QĐ-UBND ngày 2/11/2010 với tổng mức đầu tư là 783 triệu Euro (trong đó vốn vay của bốn nhà tài trợ: Chính phủ Pháp, Cơ quan phát triển Pháp – AFD, Ngân hàng đầu tư châu Âu – EIB, Ngân hàng phát triển châu Á ADB là 650 triệu Euro để thực hiện các gói thầu xây lắp, thiết bị và dịch vụ tư vấn; vốn đối ứng trong nước là 130 triệu Euro để thựchiện Giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án và các chi phí khác.

Dự án được khởi công ngày 22/9/2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2015, nhưng do nhiều vướng mắc trong quá trình thi công nên Hà Nội đã quyết định giãn tiến độ thông tuyến đến năm 2016.

Thời gian qua, Hà Nội đã liên tục có các văn bản thúc Ban Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, các Sở, ngành liên quan nghiêm túc thực hiện tiến độ dự án nhưng tình trạng chậm trễ vẫn chưa được khắc phục và có nguy cơ, thời hạn 2016 cũng khó hoàn thành được.

Ngày 8/9, UBND Thành phố Hà Nội đã thông báo cho các nhà tài trợ biết, trong quá trình lập thiết kế chi tiết, dự toán cho các gói thầu, tư vấn Systra (Pháp) đã cập nhật các đơn giá, chế độ chính sách mới nhất và theo tính toán của tư vấn, tổng mức đầu tư mới của dự án là khoảng 1,275 triệu Euro, tức là tăng thêm tới 492 triệu Euro.

Hà Nội: Kiếm đâu nửa tỷ Euro cho dự án đường sắt trên cao? | ảnh 1

Theo của các nhà tư vấn, trong tổng số tăng thêm thì riêng phần vốn dành cho xây lắp và thiết bị tăng thêm khoảng 292 triệu Euro (bao gồm cả dự phòng phí); phần vốn để thực hiện GPMB, chi phí quản lý dự án và các chi phí khác tăng thêm khoảng 200 triệu Euro.

Theo ông Nguyễn Văn Khôi – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, sở dĩ tổng mức đầu tư tăng thêm gần nửa tỷ Euro là do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có sự biến động giá khách quan của nguyên vật liệu và thay đổi lương tối thiểu trong các năm qua; do lúc đầu tư vấn Systra tính toán thiếu khối lượng xây dựng và thay đổi biện pháp thi công một số hạng mục công việc. “Nguyên nhân này một phần xuất phát từ sự khác biệt giữa thiết kế sơ bộ trong quá trình lậpnghiên cứu khả thi dự án và thiết kế chi tiết dự án” – ông Khôi cho biết.

Ngoài ra, việc chậm trễ trong quá trình chuẩn bị dự án đã làm kéo dài tiến độ thực hiện dự án dẫn đến việc thay đỏi tỷ giá, trượt giá lạm phát làm thay đổi các điều kiện tính toán tổng mức đầu tư cũng làm tăng tổng mức đầu tư dự án.

Đề nghị các nhà tài trợ bổ sung vốn

Để có thể khởi công gói thầu số 1 - tuyến, đoạn trên cao và gói thầu số 2 – các ga trên cao của dự án trong quý I/2012 và có cơ sở triển khai các công việc tiếp theo đảm bảo tiến độ dự kiến của dự án, ngày 8/9, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị các nhà tài trợ chấp thuận về nguyên tắc việc bổ sung nguồn vốn tăng thêm của các gói thầu thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội đã được các nhà tài trợ cam kết cấp vốn.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Khôi, trong trường hợp các nhà tài trợ không bổ sung nguồn vốn tăng thêm cho các gói thầu, Tthành phố sẽ xem xét tìm nguồn vốn ODA của các nhà tài trợ khác hoặc sử dụng nguồn vốn trong nước để đảm bảo triển khai được dự án vì đây là tuyến đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên của Việt Nam. “Việc thực hiện thành công dự án này sẽ là tiền đề tiếp tục thực hiện các dự án đường sắt đô thị tiếp theo của Thành phố” – ông Khôi nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Khôi cũng phân tích, nếu sử dụng nhiều nguồn vốn cho một gói thầu sẽ gây khó khăn cho các thủ tục triển khai đầu tư dẫn đến kéo dài thời gian và làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Chính vì vậy, UBND Thành phố “mong nhận được sự ủng hộ của các nhà tài trợ để đảm bảo việc thực hiện dự án không bị gián đoạn, góp phần tạo bước đột phá để cải thiện được điều kiện giao thông hiện đang có nhiều bất cập hiện nay của Thành phố Hà Nội”.

Thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã hoàn thành cơ bản GPMB khu đề pô (khoảng 15,1ha) và đang khẩn trương GPMB, tái định cư phần đường dẫn vào khu đề - pô. Dự án đã khởi công được gói thầu số 4 - Hạ tầng kỹ thuật đề pô; đã phát hành hồ sơ sơ tuyển các gói thầu số 5 – các công trình kiến trúc đề pô; gói thầu số 1 - tuyến, đoạn trên cao và gói thầu số 2 – Các ga trên cao (thiết kế kỹ thuật và dự toán của Gói số 5 và số 2 đang được thẩm tra dự kiến hoàn thành trongtháng 8/2011 và sẽ khởi công trong quý I/2012; và đang tiến hành thiết kế kỹ thuật, lập dự toán cho các gói thầu liên quan tới xây dựng hạng mục hầm – các ga ngầm và thiết bị dự kiến hoàn thành vào quý I/2012.

(Theo Vnmedia)

  • 116
  • By Admin
  • 09/09/2011
  • 17