Hà Nội: Khổ như… tái định cư?
Thuật ngữ tái định cư (TĐC) đã quá quen thuộc với mỗi người dân trong bối cảnh phát triển như vũ bão hiện nay. Song TĐC có được như thế hay không? Nếu được sao người ta vẫn kêu “khổ như… TĐC”?Quy định về khu TĐC đã được Chính phủ quy định rõ ràng trong Nghị định 22/1998/NĐ-CP, nhưng hầu như rất ít (nếu không muốn nói là chưa) đô thị nào ở Việt Nam thực hiện được trọn vẹn. Điểm mặt 3 đô thị lớn nhất cả nước (Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM), có lẽ đến nay mới chỉ Tp.HCM là làm được điều này với 3 dự án tiêu biểu: Dự án tổng thể cải tạo nâng cấp kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với việc xóa bỏ hệ thống nhà ổ chuột trên sông - người dân được TĐC vào các khu chung cư cao tầng hỗn hợp; Dự án cải tạo khu nhà ổ chuột P.Tân Định và Dự án di dời phục vụ phát triển dịch vụ công cộng P.Bình Trung Đông - Q.2. Còn lại Đà Nẵng và Hà Nội vẫn còn rất nhiều điều để nói.
Ở Hà Nội, hầu hết các khu ở TĐC được xây riêng rẽ hoặc gần với các KĐT mới đều có quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Tuy nhiên, hầu hết các khu này trước khi triển khai đều thiếu quan tâm đến vấn đề xã hội, lối sống, tập quán sống và nhu cầu ở của người dân. Đối với TĐC tại chỗ, dạng này đã hạn chế được di dời, giảm thiểu xáo trộn cuộc sống nhưng lại làm tăng mật độ dân cư cục bộ, tăng mức độ sử dụng hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng hay quá tải trầm trọng tại khu vực trung tâm. “Cứ đến tầm 5 - 6h chiều là khu này lại đông kìn kìn. Người mua, người bán cứ chen nhau, rồi các loại xe máy, xe taxi đi vào làm tắc đường, ô nhiễm đủ loại, mệt mỏi lắm anh ạ”, bác Vui -một hộ dân sinh sống tại khu Nam Thành Công từ hơn 1 năm nay cho biết.
Các khu nhà TĐC hình thành ngay trong KĐTM với việc sử dụng 1 phần diện tích nhà ở trong KĐTM để di dời dân cư từ các dự án phát triển đô thị khác cũng “hành” người dân không kém. Tại các khu Trung Hòa - Nhân Chính, khu nam thị trấn Văn Điển, khu Trung Yên... hầu như được xây dựng chủ yếu cho mục đích kinh doanh và các nhu cầu sống của người dân tại đây thì... chưa tính tới. “Mới chuyển tới đây, tôi toát hết mồ hôi mới tìm được chỗ tránh xe, quay đầu xe. Nhiều ngã ba, ngã tư rồi lối cụt như ma trận. Chắc phải xin BQL khu chung cư tấm bản đồ để tìm đường quay xe cho nhanh”, anh Đức - cán bộ kế toán đang sinh sống tại khu Trung Yên nhăn nhó.Hệ thống dịch vụ công cộng trong các khu TĐC đang thiếu trầm trọng cả về chất và số lượng bất chấp việc tên của các hệ thống này đều xuất hiện trong dự án được phê duyệt (!). Tiêu biểu là hệ thống chợ quá ít với nhu cầu của người dân. Và thế là chợ “cóc”, chợ “xanh” được dịp họp thoải mái ngay trên vỉa hè, lối đi hay khoảng sân chơi giữa các dãy nhà trong các khu TĐC. Có thể thấy ngay điều đó ở những khu Thành Công, Kim Liên, Đền Lừ. Trung Hòa - Nhân Chính. Nhiều nơi hệ thống thu gom rác chưa được quy định khiến người dân phải đổ rác thẳng lên hè và sống chung luôn cùng rác. Đáng lo ngại hơn, chất lượng nhà ở TĐC luôn là đề tài gây bức xúc cho người dân. Tại các khu: Đền Lừ, Dịch Vọng, Cống Vị, Định Công, phần lớn các hộ dân sau khi chuyển đến đều phải sửa chữa, cải tạo căn hộ. Thậm chí với khu TĐC tại P.Dịch Vọng, do nền đất yếu, các ngôi nhà dân tự xây đều trong tình trạng lún, nứt, nguy cơ mất an toàn rất cao đang rình rập người dân từng ngày…
Bất cập là vậy, người dân khổ là thế, nhưng cách giải quyết thì vẫn chỉ là người dân… tự kêu một mình. Tại Hà Nội, chủ đầu tư các dự án TĐC là các BQL của 1 dự án hoặc một quận, huyện nào đó. Xây nhà xong, đưa dân đến bàn giao cho Cty quản lý nhà là hết trách nhiệm. Khi xảy sự cố, người dân chỉ biết kêu với nhân viên quản lý khu nhà. Quản lý khu nhà đổ cho đơn vị thi công, đơn vị thi công lại bảo tìm chủ đầu tư… chủ đầu tư bảo đã hết trách nhiệm… Trò chơi “chuyền bóng” lại tiếp tục như vậy trong nỗi khổ triền miên của người dân.
Nghị định 22/1998/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khu TĐC nêu rõ: “Khu TĐC phải phù hợp với quy hoạch, tiêu chuẩn và quy chuẩn xây dựng ở đô thị hoặc ở nông thôn. Trước khi bố trí đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân, khu TĐC phải được xây dựng cơ sở hạ tầng thích hợp, phù hợp với thực tế quy hoạch về đất ở, đất xây dựng của địa phương”. |
(Theo xaydung)
- 0
- By Admin
- 04/05/2011
- 17