Hà Nội: Hơn 100 chung cư cũ nát
Đa số chung cư cũ đều hư hỏng, xuống cấp
Gần như toàn bộ khuôn viên khu chung cư cũ B1 Giảng Võ (Hà Nội) bị các chủ quán chiếm dụng làm nơi kinh doanh. |
Theo báo cáo của Sở QH-KT TP, hiện đã thống kê được khoảng 32 khu chung cư và 99 công trình chung cư cũ trong khu vực nội ô. Trong đó, tại khu vực bốn quận nội thành cũ, gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa có hai khu chung cư, 72 công trình chung cư cũ. Còn tại khu vực nội ô mở rộng gồm các quận Long Biên, Tây Hồ, Hà Đông, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, có tám khu chung cư và 27 công trình chung cư cũ.
Các khu nhà ở chung cư này đều được xây dựng từ những năm 1960-1970, hiện nay hầu hết đã bị hư hỏng, xuống cấp. Đặc biệt là môi trường sống, kết cấu công trình, không gian cảnh quan đều xuống cấp nghiêm trọng.
Cụ thể, báo cáo của Sở QH-KT TP chỉ ra ba vấn đề, thứ nhất là hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hình thức kiến trúc đô thị của các khu chung cư đã bị phá vỡ, biến dạng. Thứ hai, mật độ cư trú và mật độ xây dựng tăng gấp nhiều lần so với thiết kế ban đầu. Thứ ba, các không gian mở công cộng gồm sân, vườn, hè đường bị lấn chiếm do tình trạng xây dựng cơi nới, mở rộng diện tích để biến thành không gian sử dụng riêng của các hộ dân. Thứ tư, các điều kiện về chỗ ở, an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội không đáp ứng theo quy chuẩn và nhu cầu cuộc sống của người dân thủ đô hiện tại và tương lai.
Lãnh đạo Sở QH-KT TP cũng cho biết với hiện trạng chung cư cũ ngày càng xuống cấp, chủ trương chung của TP là cho phép lập dự án xây dựng lại. Tuy nhiên, đánh giá tỉ lệ số lượng chung cư cũ đã được cải tạo, xây mới đến thời điểm hiện nay, sở này cho rằng những dự án đã triển khai mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, số lượng dự án được đầu tư triển khai còn rất thấp.
Đáng lưu ý, theo báo cáo của Sở QH-KT TP, vướng mắc đối với tất cả dự án xây dựng lại các khu chung cư cũ hiện nay chính là quy hoạch. Hiện chưa có giải pháp hiệu quả để giải quyết sự mâu thuẫn giữa yêu cầu khống chế về quy hoạch kiến trúc trong nội ô như hạn chế số tầng, hạn chế số dân và không tăng mật độ xây dựng với nhu cầu đặt ra từ phía chủ đầu tư về tạo nguồn thu cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Vì vậy, nếu dự án xây dựng lại chung cư cũ đạt được các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc theo quy định của quy hoạch chung thủ đô thì không có sức hấp dẫn nhà đầu tư.
Sở QH-KT TP kiến nghị HĐND, UBND TP Hà Nội lập tổ công tác liên ngành, gồm các sở: QH-KT, Xây dựng, Kế hoạch - đầu tư, Tài nguyên - môi trường và UBND các quận, huyện liên quan để thực hiện chủ trương về cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ bị xuống cấp, hư hỏng.
Theo đề xuất này, sau khi thành lập tổ liên ngành, ngay trong năm nay các sở, ngành, quận huyện phải hoàn thành việc rà soát, đánh giá phân loại các công trình chung cư cũ xuống cấp để đề xuất mức độ ưu tiên trong cải tạo, xây dựng. Tiếp đó, trong năm 2013 tổ liên ngành sẽ đề xuất TP về mô hình, giải pháp quy hoạch kiến trúc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, báo cáo UBND TP phê duyệt kế hoạch triển khai.
Sống trong nỗi lo nhà sập
Sau hơn 50 năm đưa vào sử dụng, khu nhà tập thể 23 Hàng Bài (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang xuống cấp nặng, khiến hàng chục hộ dân nơi đây nơm nớp lo nhà sập.Khu nhà tập thể 23 Hàng Bài đã xuống cấp nặng. |
Khu tập thể này gồm ba tầng với 24 phòng, diện tích mỗi phòng 20-30m2. Hơn 200 nhân khẩu đang sống tại đây nhưng chỉ có một nhà vệ sinh. Tường nhà bị nứt nẻ, bong tróc thành nhiều mảng lớn, sắt thép trên trần và hàng chục thanh dầm cũng trơ cả sắt gỉ ra ngoài.
Chị Trần Thị Ánh Nguyệt, nhà ở tầng 3, cho biết: “Tôi ở đây đã gần 20 năm nhưng ngày nào cũng phải sống trong lo sợ vì tường nhà rệu rã từ lâu mà chưa thấy sửa chữa. Những ngày mưa nước ngấm từ nóc xuống dột lênh láng cả nhà và ngấm luôn xuống cả dãy nhà tầng dưới. Cứ đến mùa mưa bão là cả nhà tôi phải di tản sang nhà người quen ở, còn ngày nắng thì nhà nóng hầm hập như lò nung”.
Cụ Phan Thị Hải (90 tuổi), sống ở tầng 3, cho biết thời gian gần đây do ngấm nước mưa nên vữa trên trần rơi xuống nhà cụ liên tục. “Nhiều đêm tôi cứ nơm nớp sợ vữa rơi vào người nên ngủ không ngon giấc” - cụ Hải kể.
Nhiều người dân ở đây còn cơi nới xây thêm nhà tắm, bếp ngay tại hành lang tòa nhà khiến lối đi ở hành lang thêm chật hẹp. Tình trạng dây điện chằng chịt, bếp gas nấu nướng tràn lan ngoài hành lang khiến nhiều người lo ngại xảy ra cháy nổ. Lối vào chung cư đã nhỏ hẹp mà nhiều hộ dân còn lấn chiếm làm nơi buôn bán, nếu xảy ra cháy nổ, xe cứu hỏa rất khó tiếp cận hiện trường. Đã thế, nhiều hộ dân còn chiếm dụng luôn sân thượng để dựng nhà ở tạm.
Bà Nguyễn Thị Hiền, tổ trưởng dân phố quản lý khu tập thể 23, cho biết khu nhà này đã xuống cấp từ hơn 10 năm nay. Người dân nhiều lần gửi kiến nghị đến các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa thấy có biện pháp khả thi nào được triển khai.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Quốc Hùng, phó chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm, cho biết quận cũng rất lo ngại trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của khu nhà tập thể 23 Hàng Bài. Theo ông Hùng, quận đã kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia dự án xã hội hóa cải tạo lại khu nhà này, đồng thời lập tổ công tác trực tiếp đến hiện trường đo đạc. Tuy nhiên, chỉ gần 70% hộ dân đồng ý cho đo đạc và cải tạo nhà, còn lại các hộ dân phía trước khu nhà vẫn chưa chấp nhận vì cho rằng phải có các chính sách cụ thể trước thì mới đo đạc và giải tỏa nhà họ.
“Trước mắt, quận sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến người dân và phấn đấu triển khai dự án trong thời gian sớm nhất theo đúng quy định của thành phố” - ông Hùng nói.
(Theo Tuổi trẻ)
- 146
- By Admin
- 29/09/2012
- 17