• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội: Hậu dự án khách sạn SAS - khi nào đến hồi kết?

Những khối bê tông khổng lồ vốn là móng cọc vẫn nằm vô cảm trong công viên, mặc cho người Hà Nội xót xa quỹ đất để lãng phí, mặc cho người Hà Nội mong muốn có thêm không gian xanh để cân bằng cuộc sống…

Đất bỏ phí trong công viên

Dự án xây dựng Công viên SAS khởi công tháng 6/2008. Đây là một trong những dự án gây nhiều tranh cãi, tạo sự phản ứng dữ dội trong dư luận bởi nó chiếm lĩnh quỹ đất cây xanh vốn được quy hoạch bảo vệ. Theo thiết kế, dự án khách sạn SAS có tiêu chuẩn 4 sao, 5 tầng nổi với 376 phòng do liên doanh giữa Tổng Công ty Du lịch Hà Nội và Công ty SIH Investment Limited Stephen O'Grady. Khi dự án đang thi công phần móng, cọc thì nhiều kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch cho rằng, việc xây khách sạn là không đúng với quy hoạch, thu hẹp không gian vui chơi, ảnh hưởng tới lá phổi xanh của thành phố.

Tháng 4/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu TP Hà Nội dừng việc xây dựng khách sạn SAS trong Công viên Thống Nhất. Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan lựa chọn một địa điểm khác giới thiệu cho nhà đầu tư thực hiện dự án, đồng thời đánh giá, xác định kinh phí đã đầu tư vào dự án để đề xuất phương án xử lý. Đồng thời, UBND TP Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo rà soát quy hoạch chi tiết xây dựng, bảo đảm hệ thống công viên cây xanh đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội.

“Dự án khách sạn SAS” vẫn quây kín, dù đã có quyết định dừng xây dựng.

Ngay sau khi có quyết định dừng dự án, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu hồ sơ giải trình thiệt hại và đề xuất đền bù của chủ đầu tư. Phía liên doanh đề nghị Việt Nam bồi thường tổng cộng khoảng 80 triệu USD. Sau khi kiểm toán công trình và làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài mong muốn nhận đền bù bằng tiền mặt. Nhưng sau đó, họ đồng ý hoán đổi bằng quyền phát triển dự án trên các khu đất mà UBND TP Hà Nội giới thiệu.

Cụ thể, Địa điểm thứ nhất được giới thiệu là khu đất Nhà máy Rượu Hà Nội ở số 94 phố Lò Đức với tổng diện tích 7.657m2. Trong đó, khu có diện tích 3.991m2 xây dựng khách sạn và khu 3.666m2 để xây dựng căn hộ. Địa điểm thứ hai nằm trên đường Phạm Hùng có diện tích 24.000m2, là một khu phức hợp gồm trung tâm thương mại, văn phòng và khách sạn quốc tế.

Hiện nay, thành phố đang xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại của dự án khách sạn SAS trong Công viên Thống Nhất để đưa ra phương án giải quyết cuối cùng cho hợp lý.

Bài học lớn cho công tác quản lý

Về đề nghị và yêu cầu từ phía liên doanh đưa ra, Hà Nội chưa có kết luận cuối cùng để giải quyết cho xong vụ việc này. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận thấy rằng, Dự án xây dựng khách sạn SAS trong Công viên Thống Nhất đã để lại bài học lớn về công tác quản lý. Đó là việc không tuân thủ quy hoạch, không bảo đảm lợi ích cho cộng đồng. Hậu quả là Nhà nước phải đền bù cho quyết định không được cân nhắc kỹ. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò quản lý của Nhà nước, làm chậm quá trình đầu tư của doanh nghiệp. Phương án giải quyết đặt ra phải hợp lý cho lợi ích cộng đồng và cho cả nhà đầu tư, không tạo tiền lệ ảnh hưởng tới sức hấp dẫn đầu tư đối với các dự án khác.

Trong tiến trình giải quyết Dự án khách sạn SAS, ngoài việc bố trí mặt bằng khác và giải quyết những tồn tại do dự án để lại không chỉ với đối tác nước ngoài. Vấn đề còn lại là cả một quỹ đất rộng đã được đào bới, bê tông hóa thành các tầng hầm sẽ xử lý ra sao để không lãng phí mà vẫn đảm bảo yêu cầu môi trường cây xanh vốn có. Cho tới hôm nay, khi tìm hiểu tại khu đất này, chúng tôi vẫn thấy Ban quản lý dự án khách sạn SAS đặt trụ sở tại đây. Hai bảo vệ của dự án canh chừng không cho người lạ vào bên trong. Nổi lên trên mặt đất là móng nhà đang xây dựng dở dang. Phần đất còn lại không bị đổ bê tông thì cỏ dại mọc đầy. Ngay cả hàng rào tôn chạy bao quanh khu vực vốn là dự án khách sạn cũng bị cây dây leo phủ gần kín. Nhìn từ bên trong công viên, khoảnh đất này như một nơi biệt lập, làm méo mó khuôn viên công viên.

Chúng tôi đã gặp ông Trần Nam Phong, một công dân quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đang dạo chơi trong công viên, ông lên tiếng: "Những lúc mệt mỏi, tôi thường vào đây dạo chơi và thấy lòng mình thư thái. Nhưng, lần nào tôi nhìn vào bức tường tôn dài dằng dặc kia cứ thấy như cái gai trong mắt ấy. Không xây khách sạn thì phải dỡ bỏ công trường để trồng lại cây cho công viên chứ. Mỗi cái cây mọc lên trong thành phố này đều quý giá lắm đấy!".

Như thế, hậu dự án khách sạn SAS ngoài việc giải quyết ổn thỏa về mặt tài chính đối với nhà đầu tư thì đây còn là bài học trong cấp phép đầu tư, trong đó có việc đưa ra phương án xử lý phần còn lại của công trình ngay giữa công viên cây xanh cũng là điều không thể chậm trễ.

Riêng đối với việc giải quyết phần móng công trình khách sạn SAS, phóng viên Báo CAND đã ghi lại ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực này:

- TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam: Mỗi phần móng công trình có một chức năng khác nhau. Bởi vậy, phần móng công trình đã xây dựng không sử dụng lại được. Phần bê tông nào gây cản trở cho công trình ngầm của công viên thì cần phải phá dỡ, đào lên. Phần còn lại thì lấp đất để tránh lãng phí.

- Kiến trúc sư Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc: Phần móng công trình này không sử dụng được nữa. Nhưng nếu chúng ta phá phần móng công trình đã làm hoàn trả mặt bằng thì sẽ rất lãng phí, tốn bạc tỷ. Nếu dùng ngân sách nhà nước để phá dỡ thì phải lập dự án. Câu hỏi đặt ra là ai phá, tiền đâu để phá?

- Kiến trúc sư Trần Thanh Vân: Phần móng công trình đã xây dựng rồi thì không nên phá đi để tránh lãng phí. Trước đây Hà Nội đã từng có ý kiến xây dựng bãi đỗ xe ngầm trong Công viên Thống Nhất thì nay chúng ta nên tận dụng nền móng này làm sân vườn và nhà để xe. Bên cạnh nhà để xe có sân chơi cho trẻ em, đảm bảo không gian cho công viên.

(Theo CAND)

  • 0
  • By Admin
  • 15/11/2010
  • 17