Hà Nội: Hàng loạt dự án bất động sản mắc sai phạm
HĐND TP Hà Nội vừa có báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện đầu tư các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn từ 2006 đến nay. Dẫn số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cơ quan giam sát cho biết, hiện có hơn 350 trong tổng số 859 dự án Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm. Ví dụ, khu đô thị Bắc Quốc lộ 32, trong khi chưa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, chủ đầu tư đã tự điều chỉnh xây dựng.
Công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mốc dự án nhà ở thương mại còn chậm dẫn đến tiến độ triển khai công trình chậm. Hiện còn tới 175 trên tổng số 410 dự án nhà ở thương mại trên địa bàn chưa giải phóng mặt bằng hoặc còn vướng về giải phóng mặt bằng, trong đó có dự án khu đô thị Xuân Phương, Bắc Quốc lộ 32, Văn Phú, Việt Hưng…
Nhiều dự án chậm triển khai do thị trường bất động sản khó khăn. Ảnh: Hoàng Lan |
Đoàn giám sát nhận định, hiện tỷ lệ hộ, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà rất thấp. Nhiều chủ đầu tư đã bỏ mặc quyền lợi của người dân khi không phối hợp để hỗ trợ người mua làm các thủ tục cấp giấy tờ nhà đất. Đơn cử, khu đô thị Bắc Quốc lộ 32, đã bàn giao hơn 550 căn hộ, nhưng vẫn chưa có hồ sơ cấp sổ đỏ. Khu đô thị Văn Phú mới chỉ cấp được 200 trong tổng số hơn 2.500 hộ...
Nhiều dự án chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và xã hội để đảm bảo cuộc sống cho các hộ dân. Trường THCS tại khu đô thị Bắc Quốc lộ 32 vẫn chưa được triển khai sau một năm có kết luận giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố. Tại khu đô thị Văn Phú, trạm y tế, phòng khám đa khoa vẫn chưa được đầu tư.
Một số chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước mặc dù đã bán hết nhà ở. Tại khu đô thị Việt Hưng, Tổng công ty HUD còn nợ 220 tỷ đồng. Trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, một số chủ đầu tư chủ động giãn, hoãn tiến độ đầu tư dự án nhưng không báo cấp có thẩm quyền.
Nguyên nhân của nhiều trường hợp sai phạm, theo cơ quan giám sát là tình hình thị trường bất động sản khó khăn, trầm lắng dẫn đến nhiều dự án chậm triển khai, kéo dài. Một số cơ quan quản lý Nhà nước chưa làm tròn trách nhiệm, công tác phối hợp giữa các sở, ngành thành phố cùng quận, huyện còn hạn chế. Cụ thể, khu đô thị Xuân Phương có quyết định giao đất từ năm 2008, đã thực hiện nghĩa vụ tài chính, nhưng do thay đổi quy hoạch dẫn đến các sở, ngành chưa thống nhất được quyết định giao đất sau điều chỉnh làm chủ đầu tư lúng túng, dẫn đến khó khăn trong công tác đầu tư.
HĐND Thành phố yêu cầu Hà Nội rà soát tổng thể các dự án nhà ở thương mại. Khi chấp thuận đầu tư, Thành phố cần quy định cụ thể tiến độ triển khai hạ tầng kỹ thuật cũng như xã hội, đồng thời mạnh tay xử lý các sai phạm trong quá trình triển khai dự án. Đoàn giám sát yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện dự án cũng như các đơn vị thứ cấp triển khai nhà ở thương mại, công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội đúng tiến độ cam kết.
- 0
- By Admin
- 09/07/2014
- 17