• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội: Giải quyết ngay những bức xúc cho người dân khu TĐC Nam Trung Yên

Từ những nỗi khổ của người dân

Tại buổi thị sát, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo và lãnh đạo các sở, ngành cùng các cơ quan truyền thông đã tận mắt chứng kiến nỗi khổ của nhân dân khi về sinh sống tại các căn hộ tái định cư ở nhà B6B. Theo đó, mặc dù mới ở được một năm nhưng tòa nhà đã rất xuống cấp, cửa làm bằng gỗ ép chất lượng rất kém, người dân có thể dùng tay bẻ ra từng mảng. Cả tòa nhà 17 tầng nhưng cầu thang máy chỉ có một chiếc hoạt động được, nhưng thường xuyên bị đơ, khiến việc đi lại của nhân dân rất khó khăn.

Theo bác Nghiêm Văn Lợi, Tổ trưởng lâm thời nhà B6B, do thang máy chạy chậm, khiến cho bà Mùi ở phòng 1202 không đi cấp cứu kịp, chết oan uổng. Bên cạnh đó, cầu thang lớn dành cho nhiều người đi lại hơn lại bị hư hỏng, Xí nghiệp quản lý dịch vụ và khai thác đã cho thợ xuống kiểm tra nhiều lần nhưng vẫn không khắc phục được ổn định. Ngày 3/8/2011, chị Mai ở phòng 1301 đón con đi học về bị kẹt trong thang máy, sau đó thang rơi tự do từ tầng 4 xuống đã bị choáng váng về thần kinh.

Hà Nội: Giải quyết ngay những bức xúc cho người dân khu TĐC Nam Trung Yên | ảnh 1
Người dân phải dùng nước sinh hoạt tại sân tầng 1 rất khổ, mất mỹ quan

Đáng chú ý, nỗi khổ của toàn bộ 400 người dân nhà B6B lại bị dâng cao khi ngày 31/7/2011, cư dân nhà B6B phát hiện nước sinh hoạt có màu và mùi thối nên đã gọi Xí nghiệp kinh doanh nước sạch quận Cầu Giấy đến kiểm tra. Nguyên nhân đã được phát hiện hố ga, bể phốt của tòa nhà được thiết kế nằm sát bể nước sạch và đã chảy tràn sang nhau gây ô nhiễm. Hậu quả là một số người dân bị nhiễm bệnh tiêu chảy, đau mắt, đi ngoài, mẩn ngứa…

Hiện nay toàn bộ các hộ dân sinh sống tại khu nhà tái định cư B6B phải sử dụng nước tập trung tại sân tầng 1 do xe chở nước sạch của Công ty nước Cầu Giấy cấp, gây mất vệ sinh chung và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhân dân tại đây.
 
Hà Nội: Giải quyết ngay những bức xúc cho người dân khu TĐC Nam Trung Yên | ảnh 2
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo trao đổi trực tiếp với nhân dân

Các đơn vị đùn đẩy, thiếu trách nhiệm

Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cùng các cơ quan chức năng đã đến hết những khu vực bức xúc theo kiến nghị của người dân và kiểm tra chung tình hình triển khai xây dựng và quản lý Khu đô thị mới Nam Trung Yên. Qua kiểm tra cho thấy tình hình triển khai dự án còn chậm, ngoài tình trạng xuống cấp của các nhà tái định cư còn có tình trạng thiếu nước sạch, điện chiếu sáng và lấn chiếm đất vẫn còn phổ biến tại đây. Đường giao thông tại các cửa ngõ dẫn vào vào khu đô thị vẫn chưa hoàn thiện, nhiều sỏi đá ngổn ngang, các barie chắn ngang đường gây mất mỹ quan.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do dự án Khu đô thị mới Nam Trung Yên có quá nhiều chủ đầu tư (2 đơn vị chủ đầu tư cấp 1 và 10 đơn vị chủ đầu tư cấp 2) nên việc khớp nối các công trình kiến trúc và hạ tầng xã hội không được đồng bộ. Đối với các khu nhà tái định cư đã được đưa vào sử dụng thì cơ chế quản lý, bàn giao giữa các đơn vị không thống nhất dẫn đến tình trạng khi bị xuống cấp đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhiều yếu tố khách quan về giá nguyên vật liệu tăng, thiếu thiết bị thi công, nguồn vốn đầu tư hạn chế… nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
 
Hà Nội: Giải quyết ngay những bức xúc cho người dân khu TĐC Nam Trung Yên | ảnh 3

Chủ tịch xem xét tiến độ chung của cả dự án

Giải quyết ngay những bức xúc cho người dân

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho rằng vấn đề bức xúc nhất hiện nay là cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân ở tòa nhà B6B. Chủ tịch yêu cầu Công ty cấp nước trong thời gian sớm nhất phải đưa xe téc, lắp bơm cao cáp bơm lên bể nước nóc nhà, cấp theo đường nước đến từng nhà. Trước khi làm việc đó, phải kiểm tra lại tất cả bể nước, đường ống, nếu chưa hợp vệ sinh phải có biện pháp xử lý để cấp nước kịp thời cho bà con.

Bên cạnh đó, phải tìm rõ nguyên nhân gây ra ô nhiễm bể nước sinh hoạt của khu nhà, từ đó đưa ra biện pháp khắc phục toàn diện. Cùng với đó, các đơn vị chức năng phải nghiên cứu chuyển ngay ống thải nước sinh hoạt và ống thải nước mặt cách xa khu vực bể nước sinh hoạt .

Liên quan đến vấn đề thang máy tại khu nhà B6B và B6C, Chủ tịch chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội phải khắc phục ngay trong ngày, chậm nhất 5h chiều phải đưa vào vận hành để người dân sử dụng. Đối với các cánh cửa bị hư hỏng tại các căn hộ, Chủ tịch yêu cầu chủ đầu tư phải thay thế ngay bằng cửa gỗ đạt chất lượng, đồng thời giao Sở Xây dựng nghiên cứu lại hồ sơ thiết kế, nếu đơn vị thi công lắp đặt sai thiết kế sẽ phải chịu trách nhiệm thay thế lại toàn bộ.

Ngoài ra, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng chỉ đạo Điện lực Cầu Giấy cần phải tiến hành xây dựng ngay các trạm biến áp còn thiếu trong khu đô thị để có thể đấu nối được các thiết bị chiếu sáng; chỉ đạo Ban Quản lý các dự án trọng điểm TP hoàn thiện thi công xong những đoạn đường dẫn vào khu đô thị và giải tỏa thu hồi ngay những khu đất đang bị lấn chiếm.

Về tình hình chung của tổng thể dự án, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, đây là dự án đầu tiên của TP được đầu tư đồng bộ để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng tái định cư, nên được TP rất quan tâm; giao cho các đơn vị chủ lực của TP để làm chủ đầu tư và tổ chức thực hiện, kèm theo đó là quy chế phân công nhiệm vụ rõ ràng.

Tuy nhiên, đến nay tiến độ thi công còn chậm, tổ chức đầu tư không có phối hợp chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Chủ tịch đề nghị các đơn vị cần xem xét lại quy chế quản lý để làm thành một thể thống nhất. Đề nghị các sở, ngành tập trung hướng dẫn, chủ động phối hợp với các chủ đầu tư để giải quyết, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất.

Có thể thấy, qua những sự cố ở khu đô tái định cư Nam Trung Yên sẽ là bài học để các cơ quan, ban ngành chức năng của Hà Nội rút kinh nghiệm để triển khai và quản lý các dự án sau này tốt hơn, đảm bảo đời sống cho người dân, như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Đảm bảo người bị thu hồi đất về nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ”.

(Theo HNM)

  • 139
  • By Admin
  • 10/08/2011
  • 17