Hà Nội: Giải pháp nào cho nhà siêu mỏng, siêu méo ?
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng những quy định này là không khả thi và khó áp dụng trên thực tế.“Áp” vào tuyến phố cũ hay mới mở?
Dự thảo quyđịnh các điều kiện để xây dựng các công trình hai bên tuyến đường đô thị có mặt cắt từ 13m trở lên, gồm nhà liền kề, nhà ở riêng lẻ và một số công trình kiến trúc khác. Quy định này được cơ quan soạn thảo kỳ vọng sẽ ngăn chặn được tình trạng phát sinh nhà “siêu mỏng, siêu méo.”Theo đó, trường hợp các lô đất không được xây dụng nhà ở, gồm: Các lô đất có diện tích dưới 30m2 và có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu nhỏ hơn 3m nằm trên hai bên tuyến đường, được hình thành ngay sau khi quy định này có hiệu lực.
Tất cả các nhà ở liên kế (loại nhà ở riêng gồm các căn hộ xây dựng liền nhau thông tầng, được xây dựng sát nhau thành dãy cùng sử dụng chung một hệ thống hạ tầng) ngoài việc phải đảm bảo mỹ quan riêng của công trình phải đảm bảo hài hòa với tổng thể kiến trúc tuyến phố, đảm bảo sự thống nhất hài hòa về hình thức kiến trúc…Ngoài ra, khi thiết kế xây dựng công trình phải đảm bảo các quy định khác như, an toàn phòng cháy chữa cháy, môi trường, giao thông, viễn thông, điện, nước… các tiêu chuẩn xây dựng, quy chuẩn xây dựng hiện hành…
Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, với quy định này, các tổ chức, cá nhân, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan có cơ sở chung cho việc thực hiện việc xây mới, cải tạo, chỉnh trang các công trình kiến trúc hai bên tuyến đường theo hướng phát triển bền vững.
Nhưng Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, các quy định này chỉ nên áp dụng với các tuyến phố cũ chứ không phải để áp dụng với các tuyến đường mới mở, bởi tuyến đường mới mở đã có quy hoạch chi tiết rồi. Việc áp các quy định này với tuyến phố đã ổn định tuy rất khó thực hiện. Hiện tại, Hà Nội rất cần một phương án hữu hiệu để cải tạo, chỉnh trang đô thị, để xóa bỏ bộ mặt đô thị quá nhếch nhác hiện nay.
Không đồng tình quan điểm trên, ông Đặng Hồng Thái - Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho rằng chỉ nên áp quy định này với các tuyến đường mới mở. Nếu quy định này áp với tuyến phố đã ổn định, rất khó thực hiện. Vì vậy, những trường hợp thuộc về lịch sử của những khu phố cũ nhất là nằm sâu trong nội đô đành phải đành gác lại. “Chúng ta cần tính toán tới việc ban hành một quy định phải có tính khả thi. Nếu đề xuất ban hành những quy định chỉ thực hiện ở trên giấy thì không nên bàn”, ông này khẳng định.
Về vấn đề áp dụng các quy định quản lý kiến trúc hai bên tuyến đường cho khu vực nào, theo ý kiến của Sở Giao thông Vận tải, các khu vực phát triển mới và tuyến phố đã ổn định có rất nhiều điểm khác nhau, phải phân định rõ để quản lý, phân loại phân vùng ra để áp các quy định thì mới khả thi. Quan trọng là việc ban hành văn bản phải đi được vào cuộc sống và điều chỉnh những vấn đề hợp lòng dân cũng như đảm bảo nguyên tắc quản lý của nhà nước. Nếu ban hành quy định quá cứng, khó áp dụng thì không nên ban hành.
Không xây dựng cơ chế “trên trời”
Để quản lý tốt kiến trúc hai bên đường, tránh trường hợp nhà siêu mỏng siêu méo mọc lên mà cơ quan quản lý không nắm được, theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội, cần quy định cụ thể, phải có phép mới được xây dựng. Vì vậy nếu nhà không được cấp phép xây dựng mà vẫn mọc lên cơ quan chức năng có quyền tháo dỡ.Theo ông Thịnh, hiện nay chúng ta vẫn thiên về xử lý các công trình sai phạm chứ chưa ngăn chặn sai phạm từ đầu. Rất nhiều trường hợp phường ra văn bản bắt các hộ sai phạm tháo dỡ công trình nhưng sau nhiều lần đình chỉ, nhà sai phép vẫn mọc lên. Ông Thịnh khẳng định, vấn đề ở chỗ phải có chế tài thật chặt để những công trình không phép, sai phép, trái phép để họ không được xây dựng, chứ không phải chờ xây xong rồi mới xử lý. “Chúng ta không thể cứ ngồi bàn tìm giải pháp trong các phòng họp, còn xã hội cứ xây dựng. Quá nhiều trường hợp nhà siêu mỏng siêu méo, trái phép đã mọc lên đúng vào lúc chúng ta bàn bạc. Vậy cần nhanh chóng tìm ra biện pháp hữu hiệu nhất để xử lý nghiêm tình trạng này. Vì vậy, không hô khẩu hiệu nữa, không thể xây dựng cơ chế, chính sách “trên trời” mà “người đời lại ở dưới đất”.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Vũ Văn Hậu, nếu quy định như trong dự thảo, đó là không cấp phép, không cho xây dựng để tránh trường hợp khó quản lý kiến trúc trên địa bàn nhưng thực tế những công trình sai phép, trái phép vẫn mọc lên sẽ xử lý cán bộ thế nào, trách nhiệm của họ đến đâu khi để sai phạm xảy ra ? Nếu không quy định rõ điều này để quy định rõ trách nhiệm của cán bộ thì trường hợp nhà sai phép vẫn mọc lên và hai bên đường vẫn còn nhà siêu mỏng siêu méo.
(Theo Nhandan)
- 114
- By Admin
- 24/10/2011
- 17