Hà Nội: Đường trên cao chỉ tháo được nút, cổ chai vẫn thắt
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, TS Khuất Việt Hùng, Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT (Đại học Giao thông vận tải) cho rằng, “việc xây dựng các tuyến đường trên cao thực chất cũng chỉ là giải pháp tháo các nút thắt cổ chai".Hà Nội vừa giao Sở Giao thông vận tải nghiên cứu xây dựng đề án xây dựng đường trên cao để giải quyết vấn đề ùn tắc. Theo quan điểm của ông, việc nghiên cứu nên tập trung vào những vấn đề gì?
Việc UBND thành phố Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải nghiên cứu xây dựng đề án xây đường trên cao trong địa bàn thành phố là một điều hết sức hợp lý. Thông thường khi nghiên cứu cần phải quan tâm đến những vấn đề: Phải xác định rõ mục tiêu phát triển giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải là gì?
Thường thì khi xây dựng đường trên cao người ta đưa ra 4 mục tiêu cơ bản: Đảm bảo về giao thông thông suốt, đảm bảo giao thông an toàn và thân thiện với môi trường sinh thái, cảnh quan và đảm bảo sự thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực ảnh hưởng của tuyến đường.
Ở đây yếu tố thông suốt phải đảm bảo tính mạng lưới và hệ thống. Có khi thông suốt ở đoạn này nhưng lại tạo ra sự ách tắc ở đoạn khác. Vì thế, để đảm bảo giao thông thông suốt phải có đánh giá tác động giao thông, quan hệ về giao thông giữa tuyến đường trên cao với các tuyến đường còn lại của mạng lưới để đảm bảo nó không tạo ra những tác động tiêu cực, không làm ách tắc thêm chỗ khác.
Vấn đề nữa là tính an toàn giao thông. Việc xây dựng hệ thống đường trên cao sẽ phân tách một luồng phương tiện ra khỏi dòng hiện có. Về nguyên tắc sẽ nâng cao an toàn giao thông. Ở đây cái phải xem xét là an toàn của việc lên xuống, các điểm lên xuống của các tuyến đường trên cao là vấn đề cần quan tâm.
Tiến sỹ Khuất Việt Hùng trao đổi với báo chí |
Việc phát thải tiếng ồn hiện nay người ta có biện pháp xử lý khá hoàn hảo, bằng các bức tường chắn âm thanh, tất nhiên việc này sẽ làm cho giá trị công trình tăng lên, chi phí tăng lên.
Tuy nhiên vấn đề cần hết sức lưu tâm là bụi. Bởi vì khi tuyến được nâng cao thì cơ hội phát tán bụi (không nên hình dung là bụi hạt to mà là bụi hạt nhỏ) do cao độ khác nên khi đó việc phát tán bụi cũng sẽ khác cho nên khi nghiên cứu cũng cần hết sức chú ý để tránh và có biện pháp hạn chế. Không có công trình giao thông nào là không tác động đến môi trường nhưng tác dụng đó nó phải nhỏ hơn so với phương án làm đường trên mặt đất.
Vấn đề nữa dư luận cũng hết sức quan tâm và hay bàn khi xây dựng đường trên cao đó là vấn đề cảnh quan. Chúng ta cần phải lựa chọn rất cẩn thận các tuyến, vị trí đặt tuyến để làm sao các tuyến đó nó không phá vỡ cảnh quan kiến trúc. Tại những khu vực mà chúng ta đã có những khu vực “nhạy cảm” về cảnh quan.
Còn vấn đề kinh phí thì sao thưa ông?
Trong đa số các trường hợp, công trình trên cao đắt hơn về mặt xây dựng nên khi xem xét yếu tố kinh tế phải tính đến. Với điều kiện Hà Nội hiện nay, nếu thay vì làm đường trên cao chúng ta làm dưới thấp thì chi phí giải phóng mặt bằng, thời gian rất tốn kém.
Trong trường hợp này, đường trên cao ở những đoạn tuyến đường đô thị có ưu điểm về chi phí vì nếu đưa xuống ngầm thì chi phí rất đắt, mở rộng sang bên cũng vậy. Vì thế xét về chi phí kinh tế đường trên cao có lợi so với các phương án khác hiện nay.
Xung quanh việc xây dựng những tuyến đường này, Hà Nội dự tính sẽ xây dựng 6 tuyến đường trên cao tại các tuyến đường vành đai và một số trục đô thị chính. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Theo thông tin tôi nắm được thì Sở Giao thông vận tải có đề xuất xin phép được nghiên cứu trên 6 tuyến cho nên việc xây dựng 6 hay 7 thậm chí là 8 tuyến đường trên cao thì đều có lý do cụ thể.
Với các tuyến đường vành đai, đặc biệt là 2,5 những vị trí và đề xuất của Sở Giao thông vận tải Hà Nội là khá hợp lý. Tuy nhiên, nếu chúng ta định đưa những tuyến đó vào vành đai 1 phải lưu ý hết sức cẩn thận.
Theo tôi, trong vành đai 2 không nên xây dựng đường trên cao. Thế giới rất ít nước người ta làm giải pháp đó, loại trừ một số nước là những ví dụ xấu như Băng KoK (Thái Lan) còn lại rất ít khi xảy ra. Tại những khu vực lõi và khu vực đô thị cũng người ta rất ít đưa đường lên cao.
Tuy nhiên khi họ đưa ra và có nghiên cứu nghiêm túc thì có lẽ chúng ta nên ủng hộ việc nghiên cứu. Bởi việc nghiên cứu nghiêm túc sẽ giúp chúng ta có câu trả lời xác đáng cho nên chuyện này là bình thường và không có gì phải nghi vấn. Theo tôi, việc UBND thành phố và Sở Giao thông vận tải họ đặt vấn đề và tiếp cận vấn đề khá nghiêm túc.
Hà Nội nhiều tuyến đường có diện tích mặt đường rất nhỏ với những ngôi nhà san san hai bên, nếu xây dựng các tuyến đường trên cao có thể sẽ biến những khu đó thành những ngôi nhà gầm cầu. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Thực ra vấn đề gầm cầu hay không gầm cầu là do công tác quản lý. Giả sử chúng ta chui xuống hầm mà ánh sáng và được thiết kế nghiêm chỉnh thì vẫn tốt đẹp. Cái chính là chúng ta phải quản lý thế nào. Điều đó đặt ra vấn đề là tại sao chúng ta phải có phương án kiến trúc, kiến trúc đó sẽ giúp người dân cảm thấy dễ chịu.
Kiến trúc đó sẽ khiến người ta không phải nhìn lên một khối bê tông mà nó được bọc bởi một giàn hoa hoặc hình vẽ, tranh vẽ rất đẹp hoặc bức phù điêu liên tục dọc trên tuyến đó.. tất cả những việc đó chúng ta đều có khả năng xử lý.
Mục tiêu của Hà Nội khi xây dựng các tuyến đường trên cao là giảm ùn tắc. Cứ cho rằng trong 5 năm nữa, Hà Nội sẽ có mạng lưới đường trên cao cần thiết. Vậy theo ông vấn đề ùn tắc sẽ được giải quyết thế nào?
Chúng ta không bàn giải pháp xây đường trên cao là giải pháp duy nhất giải quyết ách tắc. Giải pháp nâng cao đường hiện nay chủ yếu là biện pháp khắc phục các nút cổ chai chứ không phải là tạo ra năng lực mang tính mạng lưới và hệ thống.
Chẳng hạn như tuyến đường vành đai 2 đang 4 làn thông suốt, đến Trường Chinh còn lại 2 lần cho nên cần bổ sung 2 làn nữa để có 4 làn. Tuyến đường trên cao ở đây nó khắc phục nút cổ chai Trường Chinh chứ không nên kỳ vọng những dự án tháo nút thắt cổ chai là phương thuốc thần kỳ để chúng ta có thể giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông.
Cùng phải nói thẳng là không có một đô thị nào mà giải quyết ách tắc giao thông chỉ đơn thuần bằng biện pháp xây dựng cơ sở hạ tầng vì chúng ta không có tiền để làm. Mặt khác từ nay đến khi đó, phương tiện vẫn tiếp tục gia tăng nên ách tắc vẫn xảy ra. Việc chỉ có một đoạn tuyến như thế sẽ không thể giải quyết vấn đề nhưng đó là một giải pháp. Thậm chí cả đồ án quy hoạch chung Hà Nội hoàn thành cũng chưa thể giải quyết xong nạn ùn tắc giao thông.
Thực tế là vấn đề hành vi giao thông, đường không quá đông nhưng việc đi lại không tuân thủ luật lệ sẽ xảy ra ách tắc. Theo tôi vấn đề không phải là năng lực của cơ sở hạ tầng mà là chúng ta sử dụng năng lực hạ tầng đó như thế nào. Cho nên chúng ta phải có giải pháp giúp người dân sử dụng hạ tầng thông minh, khi đó không cần năng lực cơ sở hạ tầng quá lớn chúng ta vẫn giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông.
(Theo VnMedia)
- 0
- By Admin
- 10/05/2011
- 17