Hà Nội: Dự án xây dựng cầu Văn Phương - Bao giờ “nối đôi bờ vui”?
Những tưởng chỉ sau khoảng hai năm công trình sẽ hoàn thành, giao thông, đi lại của nhân dân thuận lợi góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội trong vùng phát triển. Nhưng ba năm, rồi bốn năm rưỡi trôi qua, người dân vẫn đỏ mắt chờ… thông cầu.Cầu xây xong đã lâu
Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Văn Phương được khởi công vào tháng 3/2007. Cầu bắc qua sông Đáy, nối liền 2 xã Văn Võ (Chương Mỹ) và Phương Trung (Thanh Oai) của thành phố Hà Nội. Tổng chiều dài của công trình gần 955m (bao gồm phần cầu và đường 2 đầu cầu). Trong đó phần cầu có chiều dài hơn 175m; khổ cầu 8m (bề rộng phần mặt cầu 7m; bề rộng phần lan can 2x0,5m). Đường hai đầu cầu: Thiết kế nối từ đê Văn Võ sang đê tả Đáy (địa bàn xã Phương Trung) thông qua 2 ngã 3 thiết kế giao bằng. Chiều rộng nền đường 9m; chiều rộng mặt đường 6m. Tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt lần 1 (tháng 10/2006) là 35 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Sở Giao thông Vận tải Hà Tây (nay là Sở Giao thông Vận tải Hà Nội); Ban Quản lý Dự án Giao thông 1 làm đại diện chủ đầu tư.Để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Văn Phương, ngày 25/12/2006, UBND tỉnh Hà Tây đã ban hành quyết định số 2320/QĐ-UBND thu hồi 3.528,3m2 đất thuộc địa bàn xã Phương Trung (Thanh Oai). Trước đó, ngày 14/12/2006, UBND tỉnh Hà Tây cũng đã ban hành quyết định số 2208/QĐ-UBND thu hồi 10.098,6m2 đất thuộc địa bàn xã Văn Võ (Chương Mỹ) để thực hiện dự án.
Ông Đỗ Xuân Thành, Phó giám đốc Ban quản lý dự án giao thông 1 (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết, theo hợp đồng, thời gian nhà thầu hoàn thành thi công công trình là 660 ngày (kể từ ngày bàn giao mặt bằng đến ngày 15/10/2009). Khi khởi công dự án, bên xã Phương Trung đã bàn giao được 90% mặt bằng để thi công và đến tháng 5/2008, UBND huyện Thanh Oai đã hoàn thành 100% công việc giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên, do vướng mắc trong GPMB trên địa bàn huyện Chương Mỹ nên trong phụ lục hợp đồng lần 2 đã kéo dài thời gian hoàn thành thi công đến ngày 15/3/2010. Chính vì thế, ngày 3/12/2009, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phải có quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án cầu Văn Phương là 45,08 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 31,6 tỷ đồng; chi phí GPMB gần 6,4 tỷ đồng.
Cầu Văn Phương xây xong đã lâu nhưng chưa thể thông cầu, vì còn vướng đoạn đường đầu cầu phía Văn Võ chưa giải phóng được mặt bằng |
Theo ông Đỗ Xuân Thành, tính đến cuối năm 2010, dự án đã thực hiện được khối lượng xây lắp là 27 tỷ đồng, gồm: Thi công xong phần cầu chính, lao lắp xong dầm cầu, dầm ngang, mối nối dọc, bê tông mặt cầu, bê tông nhựa; thi công xong rãnh thoát nước thuộc đường gom, bê tông nhựa đường đầu cầu phía Phương Trung (Thanh Oai); thi công xong bê tông nhựa đoạn 200m đầu tuyến đường đầu cầu phía Văn Võ (Chương Mỹ). Như vậy, phần lớn khối lượng công việc thi công công trình cầu Văn Phương đã hoàn thành, nhưng để thông cầu thì vẫn phải chờ…
Gần 5 năm chưa xong GPMB quãng đường 216m
Trong 10.098,6m2 đất thuộc xã Văn Võ (Chương Mỹ) bị thu hồi để thực hiện dự án cầu Văn Phương, có 6.215,8m2 đất nông nghiệp; 3851,1m2 đất phi nông nghiệp (đất thổ cư 2.463,4m2, đất thủy lợi 339m2, đất giao thông 947,8m2, đất nghĩa địa 100,9m2); đất chưa sử dụng là 31,7m2. Ông Đỗ Xuân Thành cho biết, thời điểm có quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án cầu Văn Phương, UBND tỉnh Hà Tây thực hiện đền bù, hỗ trợ GPMB các hộ dân có đất bị thu hồi bằng tiền mặt.Tuy nhiên, chính sách áp dụng giữa huyện Thanh Oai và huyện Chương Mỹ lại khác nhau, mặc dù phương án đền bù, hỗ trợ GPMB đều do UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt. Từ đó, các hộ dân có đất bị thu hồi trên địa bàn xã Văn Võ (Chương Mỹ) đã có sự so bì và cho rằng, mình bị thiệt hơn so với các hộ dân của xã Phương Trung (Thanh Oai) cũng có đất bị thu hồi để thực hiện cùng một dự án. Bởi vậy, nhiều hộ dân của xã Văn Võ đã không chấp thuận phương án đền bù, hỗ trợ GPMB đã được phê duyệt nên nhất quyết không nhận tiền đền bù. Nhùng nhằng mãi trong việc tuyên truyền, vận động, giải quyết vướng mắc thì Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, kéo theo các chính sách về đền bù, hỗ trợ GPMB cũng thay đổi. Nhưng sau đó, huyện Chương Mỹ cũng đã GPMB xong phần đất nông nghiệp trên địa bàn xã Văn Võ để thực hiện dự án cầu Văn Phương.
Tuy nhiên, đến giữa năm 2010, công trình cầu Văn Phương vẫn chưa thể thông cầu chỉ vì đoạn tuyến dài 216m đầu cầu bên phía Văn Võ vẫn còn vướng 19 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Ngày 8/7/2010, Ban chỉ đạo GPMB thành phố đã có văn bản hướng dẫn UBND huyện Chương Mỹ giải quyết vướng mắc trong GPMB đối với diện tích đất thu hồi còn lại trên địa bàn xã Văn Võ. Theo đó, UBND huyện Chương Mỹ căn cứ quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của UBND thành phố Hà Nội để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 19 hộ dân có đất ở bị thu hồi. Những tưởng trên cơ sở đó, mọi vướng mắc về GPMB đối với các hộ còn lại sẽ nhanh chóng được giải quyết để sớm hoàn thành dự án cầu Văn Phương, nhưng cho đến thời điểm này mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Trung tuần tháng 5/2009, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã có ý kiến chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Trong đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã yêu cầu, đối với dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Văn Phương, chủ đầu tư và nhà thầu phải khẩn trương thi công và hoàn thành trong tháng 10/2009. |
Trao đổi với ông Đỗ Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ được biết, đến thời điểm này, UBND huyện đã xét được 12 hộ dân có đủ điều kiện bố trí tái định cư; đã xác định được vị trí khu đất tái định cư với diện tích là 2.160m2. “Tiến độ thông cầu vẫn phụ thuộc vào chủ đầu tư”- ông Quang nhấn mạnh. Song, theo ông Đỗ Xuân Thành, số hộ, cũng như diện tích tái định cư dự án cầu Văn Phương trên địa bàn xã Văn Võ chưa phù hợp với quy định của thành phố.
Trong khi chờ thông cầu, người dân xã Văn Võ đành chấp nhận qua sông Đáy bằng cầu phao mặc dù nguy hiểm luôn rình rập |
Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Văn Phương có tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng, với mục đích thúc đẩy kinh tế, xã hội trong vùng phát triển; nó đặc biệt có ý nghĩa đối với đời sống nhân dân xã Văn Võ, vì đây là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Chương Mỹ, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế kém phát triển. Song, rõ ràng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thật lãng phí khi mà đã qua bốn năm rưỡi công trình vẫn chưa thể hoàn thành và phải mất thêm bao nhiêu thời gian nữa mới có thể thông cầu.
Dư luận đặt câu hỏi, tại sao hơn 1 năm trôi qua mà việc xét duyệt tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất trên địa bàn xã Văn Võ chưa xong? Trách nhiệm thuộc về ai? Rất cần sự chỉ đạo quyết liệt từ UBND thành phố Hà Nội để người dân không còn phải đỏ mắt chờ thông cầu!
(Theo HNM)
- 163
- By Admin
- 29/09/2011
- 17