Hà Nội: Dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô sẽ đi về đâu?
>>Nhiều sai phạm cần xử lý tại dự án Công viên Tuổi TrẻKhông thể phủ nhận thành quả mà dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô đã đem lại là biến một vùng đất sình lầy với nhiều tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm…) thành một điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng nói riêng và người dân Hà Nội nói chung. Tuy nhiên, đi cùng với đó là hàng loạt những vi phạm xảy ra trong quá trình triển khai dự án, khiến dư luận đặt câu hỏi: Công viên Tuổi trẻ có còn vì lợi ích chung của cộng đồng?
Quy hoạch chi tiết dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô tỷ lệ 1/500 |
Vi phạm chồng lấn vi phạm
Thời điểm này, có mặt trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (CVTTTĐ) thật khó tìm được một chỗ đất trống, ngoại trừ đường đi và một vài luống hoa nhỏ, bởi những khoảng đất đủ lớn một chút đều được tận dụng làm sân tennis, sân bóng đá mini, bãi trông giữ xe; rồi quán bar, siêu thị, nhà hàng, karaoke... Tình trạng này thể hiện sự "bất lực" của chủ đầu tư dự án - Công ty Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội (Công ty Tuổi trẻ), bởi cách đây vài năm hàng loạt công trình xây dựng tại CVTTTĐ vi phạm quy hoạch và đã bị xử lý giải tỏa; tiếp đến thời gian gần đây, nhiều công trình lại vi phạm về trật tự xây dựng (không phép, sai phép, trái phép), sử dụng sai mục đích…Trao đổi với phóng viên Hànộimới về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Vũ Thanh Loan cho biết: Theo giấy phép, sân tennis có mái che được xây dựng với 1.500 chỗ ngồi, gồm 2 tầng hầm và 2 tầng nổi, trong đó tầng hầm làm nơi để xe của khán giả và vận động viên. Ngày 23/3/2011, UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuận cho chuyển đổi công năng tầng hầm 1 (tầng hầm phía trên) sang chức năng kinh doanh dịch vụ phục vụ các vận động viên thi đấu tennis, khán giả và nhân dân đến công viên; giao Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng hướng dẫn, kiểm tra chủ đầu tư triển khai thực hiện theo quy định.
Tuy nhiên, trong khi chưa có sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng, ngày 20/5/2011, Giám đốc Công ty Tuổi trẻ và Giám đốc Công ty CP Xây dựng Thương mại Dịch vụ Lan Anh (Công ty Lan Anh) - đối tác liên doanh đã ký hợp đồng cho Công ty CP Nhất Nam thuê 3.353m2 của toàn bộ tầng hầm 1 và một phần diện tích công trình phụ trợ làm siêu thị Fivimart kinh doanh tổng hợp.
Trước đó, tầng hầm của sân tennis có mái che, tầng hầm công trình Nhà hát ngoài trời (Cung Xuân) đã biến thành quán bar DJ PARK. Công trình Cung Xuân gồm 2 tầng và 1 tầng hầm làm nơi để xe máy. Sau khi thuê tầng hầm, ngày 23/12/2010, Công ty CP Fake Không gian được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong đó có ngành nghề "Dịch vụ phục vụ đồ uống"; rồi tiếp đến được Phòng Kinh tế quận Hai Bà Trưng cấp giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu. Tuy nhiên, UBND phường Thành Nhàn cho biết, qua kiểm tra việc kinh doanh của Công ty CP Fake Không gian cho thấy đây là mô hình quán bar và sử dụng nhạc mạnh.
Bên cạnh đó, công trình Cung Xuân lắp đặt hai thang máy ở bên ngoài tòa nhà như hiện nay là hoàn toàn sai phép. Công trình "Nhà hàng đặc sản" nay chuyển thành cơ sở karaoke Gia Đình cũng có nhiều vấn đề phải xem xét: Theo giấy phép xây dựng, công trình nhà hàng đặc sản có 2 tầng (tầng 1 diện tích 387m2; tầng 2 diện tích 148m2), mái lợp ngói vì kèo, xà gồ gỗ.
Tuy nhiên, khi cấp giấy phép kinh doanh karaoke, UBND quận Hai Bà Trưng đã "công nhận" diện tích 10 phòng hát ở tầng 2 lên tới 262m2. Thực tế hiện nay, diện tích tầng 1 và tầng 2 của khu nhà nổi này là bằng nhau. Việc bảo đảm an toàn PCCC tại quán karaoke Gia đình cũng chưa được thực hiện nghiêm túc, bởi theo yêu cầu của cảnh sát PCCC phải có "lối thoát nạn thứ hai", nhưng đến nay chủ cơ sở vẫn chưa triển khai.
Làm việc với UBND quận Hai Bà Trưng về những vi phạm trong CVTTTĐ, chúng tôi được biết: UBND quận không cấp giấy phép xây dựng cho việc cải tạo, cơi nới tầng 2 "Nhà hàng đặc sản". Ngoài sân tennis có mái che 1.500 chỗ ngồi, UBND quận cũng chỉ cấp giấy phép xây dựng tạm thời cho 2 sân tennis có mái che tạm nhưng đến nay cũng đã hết hạn; các sân tennis, sân bóng đá mini khác đều không có giấy phép xây dựng.
Ông Nguyễn Hoài Văn, Giám đốc và ông Giang Tuấn Khanh, Phó giám đốc Công ty Tuổi trẻ phân trần: Việc cho Công ty CP Fake Không gian thuê tầng hầm Cung Xuân để kinh doanh dịch vụ đồ uống, rượu do Công ty CP Thương mại dịch vụ tổng hợp Hai Bà Trưng (CTTMDVTH) - đối tác liên doanh xây dựng Cung Xuân ký kết; các hoạt động khác diễn ra tại Cung Xuân cũng do CTTMDVTH điều hành. Liên doanh chỉ thông báo cho Công ty Tuổi trẻ biết kế hoạch.
Hệ lụy từ quản lý, điều hành
Ngày 6/5/2010, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết CVTTTĐ (tỷ lệ 1/500). Theo đó, CVTTTĐ được phát triển theo hướng trở thành Trung tâm Thanh, thiếu niên Hà Nội. Cụ thể, điều chỉnh tính chất công viên sang tính chất công viên chuyên đề; khu điều hành - dịch vụ với công trình khách sạn cao tầng trong công viên chuyển thành Trung tâm Thể dục - Thể thao - Văn hóa quận Hai Bà Trưng; khu thiếu nhi thành hai chức năng: Cung thiếu nhi và không gian khu vực cây xanh; giữ nguyên chức năng hồ nước trung tâm và không gian cây xanh ven hồ; giữ nguyên các khu vực chức năng với các công trình đã xây dựng theo quy hoạch, thuộc hạng mục công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (Cung Xuân); hiệu chỉnh chức năng cây xanh với công viên nước theo quy hoạch trước đây thành khu đa năng và các hoạt động nước…Theo quy hoạch mới, ngoài diện tích mặt nước (103.083m2), diện tích còn lại của CVTTTĐ (128.989m2) được chia thành 6 khu chức năng, gồm: Khu hoạt động biểu diễn, văn hóa, giáo dục; khu nhà đa năng và các hoạt động vui chơi nước; khu cây xanh công viên tĩnh; khu hoạt động văn hóa thiếu nhi; khu hoạt động văn hóa thanh, thiếu niên và khu thể dục thể thao thanh, thiếu niên. Ngoài ra, có ba bãi đỗ xe ngầm một đến hai tầng cũng được xây dựng bên dưới các công trình trong công viên.
Từ quy hoạch trên của thành phố cho thấy, công tác GPMB trong thời gian tới để phục vụ dự án CVTTTĐ còn rất nặng nề. Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Lâm Anh Tuấn cho biết, đã tổ chức giải tỏa, di chuyển xong 398 hộ dân khu vực "Xóm liều" và toàn bộ 150 hộ dân khu vực xóm Tiền Phong (phía Nam), một phần đất nông nghiệp của HTX nông nghiệp Đồng Thanh… để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật công viên và dự án mở rộng đường Thanh Nhàn (đoạn từ ngã ba Võ Thị Sáu đến Bệnh viện Thanh Nhàn). Theo sự chỉ đạo của thành phố (giai đoạn I), quận đang tập trung GPMB khu vực phía Tây Bắc (góc đường Võ Thị Sáu và đường Trần Khát Chân) thuộc xóm Vạn Hoàng với khoảng 120 hộ dân và HTX nông nghiệp Đồng Thanh. Đến nay đã phê duyệt được 73 phương án đền bù. Tuy nhiên, nhiều hộ không cho điều tra, khảo sát với lý do: giá bồi thường đất quá thấp… Theo ông Tuấn, để có diện tích đất cho CVTTTĐ theo quy hoạch, phải tiếp tục di chuyển khoảng 1.100 hộ dân.
Còn ông Nguyễn Hoài Văn - Giám đốc Công ty Tuổi trẻ cho biết: Đây là dự án do doanh nghiệp phụ trách nên hoàn toàn khác so với các công viên khác về phương thức quản lý. Bản thân công ty cũng ba lần thay đổi cơ quan chủ quản (trước thuộc Thành đoàn Hà Nội, năm 2004 chuyển sang Sở Du lịch Hà Nội và từ năm 2005 đến nay, trực thuộc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội). Trong quá trình hoạt động, công ty đã liên doanh, liên kết với một số doanh nghiệp, cá nhân xây dựng các công trình không theo quy hoạch buộc phải tháo dỡ như: Nhà đa năng, Nhà bảy gian, Nhà hàng Tuổi trẻ… khiến công ty đang phải đối mặt với việc các đối tác của các công trình này kiện đòi bồi thường. Hiện nay, tổng số nợ của công ty lên đến hơn 70 tỷ đồng nên "xã hội hóa" là biện pháp duy nhất để triển khai các dự án trong công viên theo quy hoạch được phê duyệt.
Xã hội hóa văn hóa - thể dục - thể thao là một hướng đi đúng nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Nhưng với những "bước đi" như hiện nay, ngân sách nhà nước sẽ phải chi ra hàng nghìn tỷ đồng cho GPMB phục vụ dự án CVTTTĐ (quy hoạch được phê duyệt) để rồi giao diện tích này cho một doanh nghiệp thiếu năng lực để liên doanh, liên kết liệu có là hướng đi đúng?
(Theo HNM)
- 118
- By Admin
- 02/12/2011
- 17