Hà Nội: Di tản ngay gần 800 hộ dân phố cổ
Giai đoạn I (2011 – 2015), một cuộc “di tản” lớn sẽ diễn ra với khoảng 40% dân phố cổ (1.800 hộ, tương đương với 7.200 dân)Đề án giãn dân phố cổ được UBND TP.Hà Nội khởi động từ năm 1998 với mục tiêu làm giảm mật độ dân số từ 840 người/ha xuống 500 người/ha. Giai đoạn 1 của đề án sẽ thực hiện di dời 1.800 hộ dân đang sinh sống trong các di tích, trường học, công sở, số nhà đông hộ… Khu đô thị Việt Hưng rộng 11,12 ha sẽ là một trong những điểm đến của 1.800 hộ di dời trong giai đoạn I của dự án (2011 – 2015).
Giữa lòng Thủ đô có khu vệ sinh chung nhếch nhác của 47 hộ dân 53 Hàng Buồm |
47 hộ, 5 nhà vệ sinh
Càng đi sâu vào số nhà 53 Hàng Buồm, Q.Hoàn Kiếm, người ta càng cảm nhận được sự im lìm, lặng lẽ và tối tăm. Theo một người dân bán nước đầu ngõ, đây là biệt thự cổ của người Trung Quốc, được xây dựng đã từ rất lâu. “Không biết ngày đó họ xây dựng cho bao nhiêu người ở, chứ hiện tại thì có đến 47 hộ dân sống tại đây, chật chội và ẩm thấp vô cùng”. Mặt tiền tòa nhà rộng chừng 5m, được thiết kế 3 tầng, lối ngõ sâu hun hút, ngoằn ngoèo. Càng vào sâu, người ta càng ngạc nhiên hơn bởi bên trong nó là hàng chục căn hộ nhỏ được chia ô, chồng tầng… Bà Nguyễn Thị Thành, người dân sống tại tầng 3, số 53 Hàng Buồm, cho biết, các hộ ở tầng 1 đều có nhà vệ sinh riêng, nhưng ỏ tầng 2, 3, muốn đi vệ sinh thì phải xuống tầng 1. Cả thảy có 5 nhà vệ sinh chung cho 47 hộ dân nơi đây”.Trong khi đó, được xây dựng từ năm 1880, căn nhà 47 Hàng Bạc được đánh giá là một trong những ngôi nhà cổ nhất Việt Nam. Theo thời gian, căn nhà hiện đã xuống cấp và cũng là nơi sinh sống của 5 hộ gia đình. Theo ông Đỗ Ngọc Thanh, một trong những người dân sống lâu đời ở đây, hiện tại, ngôi nhà này đang có 60 người sinh sống với nhiều thế hệ. Ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng, đêm đến, nằm ngủ mà nơm nớp lo trần nhà sụt vữa, mái xà đã mục nát, vôi rơi lả tả như vừng. Khi trời mưa, nước từ trên trút xuống, nước cống dềnh lên, nước trong đường tràn vào.
Di dời ngay gần 800 hộ
Phố cổ nằm trên địa bàn 10 phường của Q.Hoàn Kiếm, có diện tích 81 ha, mật độ dân số 840 người/ha (tổng dân số trên 66.000 người). Theo kế hoạch giãn dân phố cổ, dự kiến đến năm 2020 dân số giảm xuống còn khoảng 40.000, tương đương 500 người/ha.Theo Chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm Vũ Văn Viện, đề án giãn dân phố cổ chia làm nhiều giai đoạn. Theo đó, giai đoạn I (2011 – 2015), một cuộc “di tản” lớn sẽ diễn ra với khoảng 40% dân phố cổ (1.800 hộ, tương đương với 7.200 dân) đang sống trong các khu di tích, trường học, công sở, số nhà đông hộ và các hộ dân tự nguyện di chuyển sang định cư tại khu đất 11,12 ha tại khu đô thị mới Việt Hưng, Q.Long Biên. Trong đó, 780 hộ sống trong các khu đất công cộng, dự kiến sẽ di chuyển ngay từ đầu 2012. Sang năm 2013, quận sẽ di chuyển tiếp 1.020 hộ. Dự kiến năm 2015 hoàn thành giai đoạn I và tiếp tục giai đoạn II (2015-2020). Theo tính toán, nhu cầu giãn dân của khu phố cổ lên đến trên 26.000 người, tương đương 6.550 hộ dân. Tổng vốn đầu tư giai đoạn I khoảng 4.300 tỷ đồng.
Nhằm tạo không gian sống tương đương, tránh sự sáo trộn nhiều trong nếp sống của người dân phố cổ, ông Viện cho biết, nhà ở giãn dân tại Khu đô thị mới Việt Hưng là nhà thấp tầng gắn liền với mặt phố, phù hợp với thói quen, lối sống của người dân trong khu phố cổ. Các hộ dân ở phố cổ di dời về đây sẽ có chỗ kinh doanh. Tuy nhiên, theo một kết quả điều tra xã hội học đối với trên 950 hộ dân trong diện liên quan, mới chỉ có gần 27% số hộ đồng ý với việc di chuyển.
Ông Hoàng Công Khôi, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm, cho biết, những người dân khi di dời sẽ được hưởng các cơ chế ưu đãi về mua nhà và giá mua nhà tại khu đô thị giãn dân phố cổ. Những trường hợp giải phóng mặt bằng sẽ được Nhà nước hỗ trợ di chuyển. Giá thành mua các căn hộ nói trên sẽ được tính theo giá của thành phố phê duyệt. Thêm vào đó, tùy đối tượng người mua căn hộ mà áp dụng họ được trả góp hay trả một lần hay mua nhà theo giá nhà xã hội hay giá nhà thương mại. Đồng thời có chính sách khuyến khích những hộ dân xung phong đi đầu tiên bằng những căn hộ có vị trí đẹp.
(Theo Đất Việt)
- 136
- By Admin
- 07/09/2011
- 17