Hà Nội: Đề nghị UBND quận Long Biên giải quyết dứt điểm khiếu nại của công dân
Có những sự việc tưởng sáng như ban ngày nhưng lại bị UBND quận Long Biên giải quyết lòng vòng đến khó hiểu.Ngôi nhà 845 và 847 sau khi bị cưỡng chế |
Công văn không khách quan?
Trong công văn số 1690/UBND-GPMB, ngày 18/10/2011, được UBND quận Long Biên gửi tới Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố có giải thích về trường hợp nhà 845 và 847, đường Ngô Gia Tự, cho rằng sở dĩ cả hai nhà đều đứng tên ông Nguyễn Gia Thúy vì trước đó các anh em trong gia đình có làm biên bản để ông Thúy là người đứng tên đại diện. Chính vì vậy trong việc giải quyết đền bù GPMB chính quyền chỉ đền bù cho ông Thúy là hợp lý. Vậy đây có phải sự thật ?.Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, về nguồn gốc nhà 845 và 847, trước đó thuộc quyền sở hữu của vợ chồng cụ Nguyễn Gia Tham. Sau khi cả hai vợ chồng cụ mất và không để lại thừa kế. Theo pháp luật về thừa kế thì hai ngôi nhà trên thuộc quyền sở hữu của 3 người con đẻ là Nguyễn Gia Thúy, Nguyễn Thị Hoàn và Nguyễn Văn Hồng. Việc các anh em trong gia đình cử ông Thúy làm người đại diện giải quyết công việc liên quan đến đền bù GPMB là chuyện hết sức bình thường. Điều này không thể đồng nhất với việc anh em trong gia đình cho, tặng hay chuyển nhượng toàn bộ thửa đất cho ông Thúy.
Tuy nhiên, UBND quận Long Biên lại vin vào việc anh em cử ông Thúy làm đại diện để khẳng định toàn bộ số đất thuộc hai biển số nhà trên là của ông Thúy. Chính vì giải quyết sự việc mang tính áp đặt, không căn cứ vào luật dẫn đến những trả lời từ phía chính quyền gây ức chế cho người dân, buộc họ phải làm đơn kiện Chủ tịch quận ra tòa.
Xác minh sự việc, chúng tôi còn phát hiện tình tiết hết sức khó hiểu khi quận Long Biên cho rằng năm 1997 mẹ của các ông bà Thúy, Hoàn và Hồng là bà Đỗ Thị Vân làm thủ tục kê khai cấp sổ đỏ với diện tích là 93m2 tại địa chỉ nêu trên. Chi tiết này hoàn toàn không có căn cứ vì từ năm này bà Vân đang nằm viện do tai biến mạch máu não.
Quận Long Biên cho rằng năm 1998, vợ chồng ông Thúy đã làm thủ tục kê khai nhà và đất cho hai số nhà 845 và 847 nhưng trên thực tế thì năm này hai số nhà trên chưa hề có biển và phải tới ngày 16/11/1999 chúng mới được chính quyền cấp biển và giấy chứng nhận số nhà.
Với trường hợp nhà 184 Ngô Gia Tự. Đầu năm 1999 gia đình ông Phùng Hải Đăng và bà Nguyễn Thị Hoàn tiến hành nộp hồ sơ kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cuối năm này ông Đăng và bà Hoàn làm thủ tục li hôn nhưng trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Thành phố cấp vẫn đứng tên ông Đăng và bà Hoàn. Sự thực là vậy nhưng trong trả lời của quận Long Biên lại cho rằng năm 2002 bà Hoàn vẫn đang làm thủ tục kê khai cấp giấy chứng nhận và đứng tên toàn bộ thửa đất.
Ngày 12/10/2011, mặc dù đang nhờ tòa phân xử đúng sai nhưng các gia đình thuộc 3 số nhà 845, 847 và 184 vẫn tạo điều kiện cho đơn vị thi công tiền hành xây dựng công trình trên phần đất đang có khiếu kiện.
Mặc dù năm 2005, các con của cụ Ngọc có yêu cầu ban kiểm đếm xác nhận thửa đất đã được cụ Ngọc chia cho các con nhưng không được đoái hoài tới. Theo Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND, ngày 29/9/2009 của UBND thành phố hướng dẫn các quận, huyện thực hiện chính sách đền bù có nói rõ với trường hợp như gia đình cụ Ngọc và các con chỉ cần chính quyền địa phương xác nhận là đất ở ổn định, không có tranh chấp là được giải quyết đất tái định cư. Nhưng trên thực tế, UBND phường Đức Giang đã không làm được điều này. Sau khi đất bị cưỡng chế, 5 gia đình với trên 20 nhân khẩu với các cháu nhỏ phải quây bạt sống tạm trên chính phần đất đó cho dù mùa đông đang đến.
Thiếu công bằng trong bồi thường GPMB
Gần một năm nay đã có nhiều đơn thư kiến nghị của người dân nơi đây phản ánh việc gia đình họ khi bị cưỡng chế khi không nhận được quyết định và thông báo cưỡng chế, hoặc nhận được quyết định nhưng lại không thấy phía chính quyền ghi rõ thời gian cưỡng chế.Trong văn bản trả lời kiến nghị của công dân, UBND quận Long Biên không đề cập tới chi tiết này. Mặc dù có diễn giải về các trường hợp đền bù của bà Phan Thị Thùy, số nhà 368 Ngô Gia Tự, nhà ông Trương Kiên Cường, số nhà 342, Nguyễn Văn Tuynh, số nhà 296… (trước đó có nhiều ý kiến cho rằng việc các hộ này được ưu ái trong đền bù), UBND quận Long Biên vẫn cho rằng việ làm của mình là hợp lý.
Vậy sự thực có đúng như vậy?. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết trường hợp của gia đình bà Phan Thị Thùy, tổ 7 không khác gia đình cụ Ngọc khi đất vẫn đứng tên bà Thùy và trên phần diện tích đó có 3 hộ khác là con cái cùng sinh sống. Trong quá trình GPMB nhà bà Thùy bị thu hồi 195m2 đất và còn lại 30m2. Như vậy, so với gia đình cụ Ngọc thì diện tích đất bị thu hồi ít hơn. Nhưng điều khó hiểu ở chỗ gia đình bà Thùy được xét cấp tới 4 suất tái định cư, trong khi đó gia đình cụ Ngọc với 6 hộ gia đình chỉ được 1 suất.
Trường hợp của ông Trương Kiên Cường, số nhà 342 vốn mua trên 100m2 đất từ gia đình cụ Ngọc, như vậy về mặt nguồn gốc đất không có gì khác nhau. Khi GPMB, hộ ông Cường bị thu hồi trên 70m2 đất nhưng lại được bồi thường 73m2 đất tái định cư.
Một trường hợp khác, bà Nguyễn Thị Đông, đất bị thu hồi ít hơn gia đình ông Ngọc nhưng lại được đền bù 90m2 đất tái định cư. Còn trường hợp của ông Nguyễn Văn Tuynh, nhà 296, tổ 7 sau khi lần lượt chuyển hộ khẩu các con về thì được giao thêm 2 suất tái định cư, cộng với 1 suất ban đầu là 3.
Ba số nhà 182, 184 và 186 ở cùng một mặt đường Ngô Gia Tự nhưng nhà số 182 và 186 lại được xét duyệt đền bù ở vị trí 1 và đã được nhận tiền, nhận đất tái định cư. Riêng nhà 184 lại bị áp vào vị trí 3, giá đền bù thấp nhất cho dù giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất hết sức rõ ràng.
Trước sự việc trên, đề nghị Ban chỉ đạo GPMB Thành phố cùng UBND TP. Hà Nội trực tiếp vào cuộc làm rõ những thắc mắc của người dân.
(Theo Dân trí)
- 138
- By Admin
- 08/12/2011
- 17