Hà Nội: Đầu tư đất xen kẹt gà đẻ trứng vàng thành cục nợ
Đối với nhiều nhà đầu tư BĐS, việc đầu tư mua đất xen kẹt mất ít vốn, lại như con gà đẻ... trứng vàng vì siêu lợi nhuận. Vì thế, trào lưu mua đất xen kẹt nhiều năm qua cứ âm thầm như cơn sóng từ thành phố tràn về những quận, huyện ngoại thành. Thế nhưng, đầu tư đất xen kẹt không phải lúc nào cũng thuận lợi. Bởi sự thật, ngay tại Hà Nội, đã và đang có không ít nhà đầu tư đang khốn đốn, thậm chí đối diện nguy cơ trắng tay vì đã đầu tư vào… xen kẹt.Một khu đất xen kẹt tại xã An Khánh (huyện Hoài Đức-Hà Nội) đã mọc lên nhiều nhà cao tầng kiên cố |
Cắn mồi siêu lợi nhuận
Nhiều nhà môi giới BĐS cho rằng, trào lưu đầu tư đất xen kẹt xuất hiện ban đầu ở chính các quận nội thành Hà Nội. Trào lưu này sau đó lan nhanh như cơn sóng thần đến khắp các huyện ngoại thành. Thường thì càng ở những khu vực giá nhà đất tăng nhanh và có nhiều dự án thì đất xen kẹt càng được săn tìm ráo riết. Và, việc mua đất xen kẹt với giá rẻ bèo, nhưng mang lại siêu lợi nhuận trong một thời gian ngắn, khiến nhà đầu tư ngày càng trở nên liều lĩnh với đồng tiền của mình.Ông Nguyễn NgọcTuấn, một “cò” chuyên săn đất xen kẹt có tiếng tại thôn Ngự Câu (xã An Thượng, Hoài Đức) cho biết: Nếu như ngày trước người ta chỉ mua đất xen kẹt ở những vị trí mà tỷ lệ thắng thua là 50/50, thì nay, đất kẹt ở những vị trí rủi ro trông thấy mười mươi, người ta vẫn đổ tiền vào mua.
Ông Tuấn cho biết: Sau một thời gian đất xen kẹt ven các khu dân cư (thuộc xã An Thượng) đã bị đẩy giá lên 9- 10 triệu, thậm chí có khu vực giá đến 15 triệu đồng mỗi mét, nay nhiều nhà đầu tư bắt đầu chuyển sang mua đất ruộng để… chờ dự án và chờ quy hoạch!
Hiện một sào đất ruộng chờ quy hoạch tại xã An Thượng có giá từ 220-250 triệu đồng, cao ngang ngửa mức đền bù của Nhà nước, nếu có dự án thu hồi đất. Giá cao là vậy, nhưng hễ ai có nhu cầu bán đều có người mua ngay.
Ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hoà Phát Land cho biết: Đất xen kẹt vốn là những khu đất thiếu tính pháp lý và thiếu sự minh bạch trong quy hoạch. Vì vậy, ngay các công ty BĐS uy tín cũng không thể đứng ra làm môi giới hay tư vấn về quy hoạch hay quy trình hợp thức hoá đất xen kẹt. Bản thân các công ty BĐS cũng không bao giờ đầu tư vào phân khúc này. Vì vậy, đất xen kẹt lâu nay dường như chỉ dành cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ, ưa mạo hiểm.
Nhưng với mức rủi ro quá cao, ông Hà khẳng định, thực tế không hiếm nhà đầu tư nhỏ lẻ từng bị trắng tay vì mua đất xen kẹt. Và, đó là những bài học để đời cho nhà đầu tư, chứ nó sẽ không bao giờ được công khai trên báo chí.
Trắng tay vì… xen kẹt
Đất xen kẹt được nhiều người săn đón nhưng rủi ro cao |
Trong giới đầu tư BĐS nhỏ lẻ tại Hà Nội, việc đầu tư đất xen kẹt tại khu Trung Hoà Nhân Chính gần 10 năm trước vẫn như một câu chuyện thần kỳ. Bởi, đã có hàng trăm nhà đầu tư đất xen kẹt tại khu Trung Hoà Nhân chính ngày ấy, chỉ sau một thời gian thu mua, họ đã bán và thu được lợi nhuận gấp mấy chục lần, thậm chí hàng trăm lần số vốn bỏ ra ban đầu.
Không chỉ tại khu Trung Hòa Nhân Chính, giới đầu tư mới kiếm bộn tiền nhờ xen kẹt. Tại rất nhiều khu vực ngoại thành, sự thành công của nhiều nhà đầu tư nhờ đất xen kẹt càng khiến cho phân khúc đất xen kẹt lúc nào cũng là câu chuyện nóng hổi.
Cách đây mấy năm, tại xã An khánh (Hoài Đức, Hà Nội), người ta cũng rộ lên trào lưu săn lùng mua đất xen kẹt, mua đất ruộng, ao rìa làng. Nhiều người dân khi ấy thấy có khách mua khu đất giá hàng trăm triệu chỉ với mảnh giấy cam kết viết tay (vì chưa có giấy tờ) đã vung tay bán hết. Nhưng chỉ sau đó không lâu, chính họ phải tiếc nuối vì giá tăng chóng mặt.
Và, câu chuyện về đầu tư đất xen kẹt tại xã An Khánh cũng được thêu dệt trở thành một câu chuyện thần kỳ “gà đẻ trứng vàng” của nhà đầu tư BĐS.
Thế nhưng, trào lưu đầu tư đất xen kẹt không phải ở đâu cũng có một kết quả thần kỳ như thế. Bởi, cũng chính tại Hà Nội, có những khu vực mà có cả trăm nhà đầu tư đất xen kẹt đang có nguy cơ trắng tay và đang bị mắc kẹt vì chính quyết định liều lĩnh của họ.
Anh Nguyễn Văn Dũng, (Văn Quán, Hà Đông) cho biết: mấy năm trước anh đã đầu tư mua một khu đất ruộng nằm ven đường liên thôn, ngay giữa hai khu dân cư, nay thuộc tổ 11, phường Phú Lương. Nếu ngày ấy anh “ăn non”, bán luôn thì một vốn mấy lời. Song, vì mảnh đất quá đẹp, anh đã đầu tư thêm mấy trăm triệu xây ngôi nhà 4 tầng để ở.
Thế nhưng, mấy tháng gần đây, chính quyền quận và phường liên tục ra thông báo đòi những hộ có ruộng hoàn trả mặt bằng nguyên trạng của đất nông nghiệp khiến ngôi nhà anh mới xây ở không được mà bán cũng không xong.
Không riêng gì trường hợp của anh Dũng, mà hàng chục, thậm chí hàng trăm nhà đầu tư mua đất xen kẹt tại đây cũng đang mắc kẹt và có nguy cơ mất trắng vì quyết định mua đất xen kẹt.
Ông Lê Đức Vũ, tổ 12 phường Phú Lương cũng cho biết: ông mua khu đất ruộng từ năm 2002 và đã xây nhà cấp 4 để ở với hy vọng khu đất sẽ được chuyển đổi dần sang đất ở. Tuy nhiên, từ mấy tháng nay, gia đình ông đã phải ở nhà đi thuê vì chính quyền liên tục đòi các hộ dân, trong đó có trường hợp của ông phải hoàn trả nguyên trạng mặt bằng đất ruộng trước kia.
Theo ông Vũ, do chính quyền quận và phường xử lý quyết liệt nên giá đất xen kẹt tại Phú Lương hiện giảm thê thảm. Ngay cả khi giá đã rất thấp thì việc bán mua cũng rất khó có giao dịch thành công. Vì thế, những người ôm đất xen kẹt tại đây không phải đang giữ vàng như người ta từng ví nữa, mà là họ đang giữ cả một… cục nợ!
Ông Tạ Đình Quang, chủ tịch phường Phú Lương cho biết: hiện phường Phú Lương có tới hơn 1.000 trường hợp vi phạm về đất đai.
Sở dĩ tình trạng vi phạm trong quản lý đất đai phổ biến tại Phú Lương vì nhiều cán bộ tiền nhiệm đã buông lỏng và có nhiều sai phạm trong quản lý. Vì vậy, đế sửa sai, theo ông Quang, phường Phú Lương và Quận nhất định xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đất nông nghiệp theo quy định pháp luật.
Với việc xử lý nghiêm tình trạng vi phạm trong quản lý đất đai tại Phú Lương, cũng đồng nghĩa với việc có hàng trăm nhà đầu tư đất xen kẹt tại đây có nguy cơ trắng tay vì đầu tư vào… xen kẹt. Và, đất xen kẹt tại đây không còn là con gà đẻ trứng vàng, mà nó thực sự đã trở thành…cục nợ với rất nhiều nhà đầu tư từ rất nhiều nơi mạo hiểm đổ tiền vào đây.
(Theo PNTD)
- 0
- By Admin
- 11/05/2011
- 17