Hà Nội: Dân trắng tay vì chủ trương “nửa vời“
Chủ trương nửa vời
Chủ trương chuyển đổi đất nông nghiệp trên địa bàn xã Dương Nội (nay thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông) thành đất dịch vụ kinh doanh để phát triển làng nghề được UBND huyện Hoài Đức triển khai thực hiện từ năm 2002. Chủ trương này ngay sau đó được triển khai rầm rộ và liên tục được đưa tin trên loa phát thanh của xã.Có khoảng 1286 công trình vi phạm trên địa bàn phường Dương Nội đang chờ xử lý. |
Sau đó, UBND huyện này cho in và ban hành bộ hồ sơ gồm: Đơn xin thuê đất; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; đơn đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất; đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất, tờ trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Chủ tịch UBND xã; phương án sản xuất kinh doanh…và giao cho xã Dương Nội bán rộng rãi cho người có nhu cầu với giá 160 ngàn/bộ.
Bà Trần Thị Kim Phượng, trú tại thôn Đồng Nhân, xã Đông La, huyện Hoài Đức là một trong 141 hộ dân có nhu cầu đầu tư và đã được mua hồ sơ để thực hiện theo chủ trương nói trên. Bà đã phải thế chấp nhà đang ở vay tiền của ngân hàng, người thân để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 900 m2 đất của 4 hộ dân có đất nông nghiệp với giá 3 tỷ đồng. Trong 4 hợp đồng mua đất của bà Phượng có một bộ được Chủ tịch UBND huyện duyệt, còn 3 hợp đồng khác vẫn nằm ở xã Dương Nội.
Vậy nhưng, tháng 7/2004 chủ trương này đột nhiên bị dừng lại không cho thực hiện nữa; Trong khi hàng tháng bà Phượng vẫn phải “cõng” trả tiền lãi khoảng 20 triệu đồng. Cuối năm 2007, trước sức ép trả nợ, bà Phượng phải bán nhà để trả nợ tới 5 tỷ đồng.
Bà lên gõ cửa chính quyền để hỏi nguyên do thì chỉ được trả lời qua quýt, không rõ ràng. Khi người dân còn chưa biết tại sao thì tháng 7/2008, hàng loạt hộ dân phải tháo dỡ các nhà xưởng trên phần đất mà họ đã nhận chuyển nhượng trước đó, trong đó có bà Phượng.
Ai chịu trách nhiệm?
Sau khi Dương Nội sáp nhập về quận Hà Đông thì quận này không thừa nhận các trường hợp đã chuyển nhượng đất nông nghiệp theo chủ trương của huyện Hoài Đức. Tiếp đó, khi quận Hà Đông kiên quyết cho thực hiện dự án đất dịch vụ tại LK16, 17, 18 phường Dương Nội, tiến hành thu hồi đất mà không tính tới những rắc rối do hậu quả của chủ trương trước để lại đã khiến hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh “trắng tay”. “Tiền mất, tật mang”, bà Phượng cũng như nhiều hộ dân khác đã khiếu kiện gay gắt lên các cơ quan chức năng, biến phường Dương Nội có thời điểm trở thành “điểm nóng”.Theo tìm hiểu của chúng tôi, quá trình thực hiện chủ trương chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất dịch vụ tại phường Dương Nội được UBND huyện Hoài Đức phân thành 2 đợt. Đợt 1 có 21 hộ đã được phê duyệt, còn đợt 2 có 121 hộ có hồ sơ đang chờ duyệt thì bị dừng lại.
Trao đổi với PLVN, ông Trịnh Như Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội lý giải: Đúng là năm 2002, huyện Hoài Đức có chủ trương thực hiện việc chuyển đổi này nhưng mục đích ban đầu là dành cho người dân địa phương, nhưng sau đó UBND huyện lại có chỉ đạo dừng lại không thực hiện vì có nhiều người ở địa phương khác lợi dụng chủ trương để đầu cơ đất(?).
Tuy vậy, đó chỉ là cách trả lời chống chế bởi chính trong bộ hồ sơ mà UBND huyện cho xã in bán rộng rãi cho người dân trong đó có hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp và không hạn chế người có nhu cầu đầu tư như ông Hà nói.
Người dân tin tưởng chủ trương thực hiện thì phải chịu thiệt hại rất lớn về kinh tế dẫn đến khiếu kiện kéo dài, phức tạp mấy năm nay mà chưa có hồi kết. Còn chính quyền địa phương lại đang đau đầu trong việc tháo dỡ, cưỡng chế hàng trăm công trình trên đất nông nghiệp mà nguyên do cũng từ chủ trương nói trên.
Thực tế cho thấy, việc chủ trương thực hiện nửa vời đã để lại hậu quả rất nghiệm trọng tại phường Dương Nội, nhưng khó hiểu là cho đến nay chưa có bất cứ một cá nhân nào phải chịu trách nhiệm cho chủ trương tai hại này.
(Theo PLVN)
- 0
- By Admin
- 06/05/2011
- 17