Hà Nội: Dân "tái định cư" trông chờ cuộc tổng kiểm tra
Mong muốn này hoàn toàn chính đáng bởi sau chuyến đi của đồng chí Chủ tịch, các ban ngành chức năng đã và đang sửa chữa hỏng hóc với cam kết tiến độ nhanh nhất.Đèn cao áp sáng trưng mỗi khi đêm về; bồn hoa được cắt sạch cỏ, dọn sạch rác; nắp hố ga được sửa chữa, lắp đặt mới; vỉa hè, nền sân chỗ nào bong tróc, trũng được bứng lên, lát lại... Không chỉ diện mạo bên ngoài được chỉnh sửa, mà cả ở bên trong như cầu thang máy, đèn chiếu sáng hành lang, cửa ra vào, tường bong tróc, máy phát điện, bể nước ăn... nếu có hỏng hóc, nhiễm bẩn hay chưa vận hành cũng đang tích cực được tân trang. Đó là may mắn của cư dân khu tái định cư (TĐC) Nam Trung Yên được hưởng sau chuyến kiểm tra của lãnh đạo TP Hà Nội.
Cận cảnh “cha chung”
11 nội dung đã và đang được các đơn vị liên quan thực hiện dưới sự giám sát của UBND TP Hà Nội trong việc khắc phục tồn tại trong đầu tư, xây dựng, quản lý khu TĐC Nam Trung Yên. Trong cuộc họp diễn ra chiều 23/8 tại khu TĐC này, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh văn phòng UBND thành phố thay mặt ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP chủ trì yêu cầu những đơn vị liên quan như: Công ty Kinh doanh nước sạch; Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (chủ đầu tư); Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị; Công ty Chiếu sáng đô thị; Công ty Thoát nước; Điện lực Cầu Giấy; Công ty TNHH nhà nước một thành viên Công viên Cây xanh; Sở Giao thông vận tải; Sở Xây dựng; Xí nghiệp Quản lý Khai thác dịch vụ đô thị... báo cáo tiến độ thực hiện các phần việc liên quan đến việc khắc phục tồn tại trong đầu tư, xây dựng, quản lý khu đô thị theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố.Theo đại diện Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, chủ đầu tư khắc phục tình trạng trần, tường bị tróc lở cho 20 hộ tại nhà B6C, những hộ nhà B6B có hiện tượng này sẽ được sửa chữa xong trước ngày 31/8. Đơn vị này còn thực hiện việc đảm bảo điện chiếu sáng hành lang, diện tích công cộng tầng 1; thang máy; máy phát điện. Ngoài ra, còn phải phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cử cán bộ túc trực, theo dõi vận hành thang máy, máy phát điện nếu có sự cố.
Nóng bỏng nhất là nội dung chiếu sáng đô thị. Liên quan đến vấn đề này, các bên trong đó có Sở Xây dựng, Ban quản lý dự án công trình trọng điểm đô thị, Điện lực Cầu Giấy... có rất nhiều tranh cãi. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Ban quản lý dự án công trình trọng điểm đô thị bàn giao nguyên trạng cho Công ty Chiếu sáng đô thị hay hoàn thiện rồi mới bàn giao, lấy kinh phí ở đâu để thi công nốt những hạng mục còn dang dở, nên đóng điện ngay hay hoàn thiện mới đóng điện, nếu đóng điện để đáp ứng nhu cầu chiếu sáng tức thì mà chẳng may xảy ra sự cố điện giật thì ai chịu trách nhiệm?... Chỉ một hạng mục thôi đã thấy có nhiều tranh cãi, điều này phần nào cho thấy phát sinh trong vấn đề quản lý, điều hành, phân công trách nhiệm cho từng đơn vị khi thực hiện dự án. Nếu là nhà thương mại, chủ đầu tư sẽ “bao” hết các phần việc này chứ không xé lẻ, dẫn đến chậm trễ, đùn đẩy như nêu trên.
Năm 2008, khu TĐC Nam Trung Yên được bàn giao cho Xí nghiệp Quản lý Khai thác dịch vụ đô thị nhưng chỉ bàn giao các khối nhà, còn phần hạ tầng thì phải đợi lãnh đạo thành phố thúc mới đang hoàn thiện. Nếu những sự cố xảy ra với các hộ dân đang sống ở các nhà B6B, B6C không được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, không được đích thân đồng chí Chủ tịch thành phố đến kiểm tra, yêu cầu khắc phục sớm thì ít ai có thể hình dung ra có nhiều đơn vị liên quan không làm hết trách nhiệm dẫn đến nỗi khổ của người dân TĐC đang sống ở đây như vậy. Không riêng gì ở khu TĐC này, ở một số khu khác cũng có tình trạng chưa bàn giao hoàn thiện. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “cha chung” khi dân kêu cứ kêu, hỏng hóc còn phải chờ.
Mong lãnh đạo thành phố đến thăm
Đọc báo, xem tivi và tận mắt nhìn thấy những gì mà các đơn vị liên quan đang tích cực sửa chữa, chỉnh trang ở khu TĐC Nam Trung Yên, một số người dân đang sống tại các khu TĐC Đồng Tàu, Đền Lừ II, Cầu Diễn... mà chúng tôi gặp đều mong muốn được Chủ tịch UBND TP Hà Nội đến thăm và kiểm tra hiện trạng khu nhà TĐC. Mong muốn này hoàn toàn chính đáng bởi sau chuyến đi của đồng chí Chủ tịch, các ban ngành chức năng đã và đang sửa chữa hỏng hóc với cam kết tiến độ nhanh nhất.Người dân mong lãnh đạo TP kiểm tra, chỉ đạo khắc phục những bất cập tại các khu tái định cư. |
Bà Nguyễn Thị Phê, Tổ trưởng Tổ dân phố 84, nhà A1 khu TĐC Đền Lừ II ngán ngẩm cho biết cái cầu thang máy nhà A1 hỏng từ năm 2008, rồi ca bin rác dù hằng ngày đang thực hiện chức năng chứa rác nhưng trong tình trạng nửa đóng, nửa mở, còn chuyện nhà để xe bị nước thải tràn ra lênh láng cũng không phải mới mẻ gì... Những hư hỏng này đã được báo lên tổ quản lý, lên Xí nghiệp. Bản thân chúng tôi khi đến làm việc tại Xí nghiệp Quản lý Khai thác dịch vụ đô thị đã vô tình gặp bà Phê khi bà đến đây đề nghị được sửa chữa một số hạng mục bị hư hỏng. Mới đây, khi đi thực tế ở khu Đền Lừ II, tôi lại gặp bà Tổ trưởng tận tâm với công việc này. Bà than phiền: “Những vấn đề cô nêu ra hôm trước, đến nay vẫn thế cháu ạ”.
“Chúng tôi được cấp sổ đỏ, được cam kết là chủ sở hữu toàn bộ khối nhà, từ móng lên, thế nhưng không hiểu sao đơn vị quản lý lại cho người ngoài vào thuê, sử dụng để bán hàng, ở. Chúng tôi không đồng tình, ngăn cản nên người thuê vẫn đóng cửa đấy”, bà Bẩy, phòng 702, nhà N2 khu TĐC Đồng Tàu nói.
Ngay như ở khu TĐC Cầu Diễn cũng đang tồn tại một nghịch lý. Trong khi chợ mua bán không ở gần nơi sinh sống, người dân muốn đi chợ phải qua một đoạn đường khá xa, quán nước, hàng ăn thì phải kinh doanh trên vỉa hè... thì lại có những căn phòng với diện tích khá rộng nằm ở tầng 1 quanh năm để bụi bẩn, có phòng dành để chứa một số thứ đồ đạc linh tinh.
Ông Hoàng Tiến An, Tổ phó tổ dân phố số 22 chỉ những căn phòng (vốn được dành làm dịch vụ) với sự nuối tiếc: “Phòng bỏ không nhưng chúng tôi cũng không muốn để đơn vị quản lý nhà dùng để kinh doanh, vì họ không làm tròn trách nhiệm của mình. Nếu bà con được sử dụng diện tích này thì sẽ lấy tiền lãi dịch vụ để duy trì, sửa chữa hỏng hóc các thiết bị điện, nước, đường chiếu sáng, cây xanh...”.
Thiết nghĩ, TP Hà Nội cần có cuộc tổng kiểm tra nhà TĐC để phát hiện, sửa chữa, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị cũng như chấn chỉnh lại công tác quản lý. Nếu làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan, làm tốt việc quản lý, vận hành đối với các khu nhà TĐC, thành phố sẽ rất thuận lợi trong việc giải phóng mặt bằng phục vụ công ích, thương mại. |
(Theo CAND)
- 151
- By Admin
- 27/08/2011
- 17