• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội: Dân có nguy cơ “trắng tay” vì mua đất do xã bán trái phép

Tuy nhiên, khi việc khắc phục sai phạm vẫn còn “bị bỏ ngõ” và thay vì “giải thoát” cho người dân có cuộc sống ổn định thì vừa qua quận Thanh Xuân lại có quyết định cưỡng chế đẩy người dân lại đứng trước nguy cơ “trắng tay”.

Hà Nội: Dân có nguy cơ “trắng tay” vì mua đất do xã bán trái phép | ảnh 1
Người dân bức xúc vây quanh khu vực bị cưỡng chế.

Hệ luỵ từ bản án “bỏ túi”

Chuyện bắt đầu từ tháng 10.1992, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội tại Công văn số 579/CV - UB do ông Trương Tùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ngày 13/04/1991 và Quyết định số 35 của UBND huyện Thanh Trì ký cấp đất cho các hộ dân có nhu cầu và mục đích làm nhà ở, UBND xã Khương Đình, huyện Thanh Trì (nay là phường Khương Đình, quận Thanh Xuân - PV) có chủ trương giãn dân cho người dân trong xã.

Từ phong trào “giao đất” của UBND xã Khương Đình, 152 hộ gia đình sau khi nộp đủ các nghĩa vụ tài chính và đền bù hoa màu trên đất thì được UBND xã cấp Giấy cho phép sử dụng đất làm nhà ở tại Khu Đầm Sen, Đầm Hồng, trong đó có 31 hộ dân hiện đang khiếu kiện được chính quyền xã cấp tại lô D khu vực Đầm Sen.

Hà Nội: Dân có nguy cơ “trắng tay” vì mua đất do xã bán trái phép | ảnh 2
Những “ngôi nhà tạm” bị cưỡng chế này có nằm trong Nghị định 180-2007/NĐ – CP?

Tuy nhiên, “đầu xuôi đuôi chẳng lọt” vào năm 1995, bản án số 757 tuyên xử các “công bộc” sở tại và một số đối tượng về tội “vi phạm quản lý, sử dụng đất đai” tại khu vực trên và đồng thời có quyết định thu hồi 2.500m2 đất do các bị cáo đã mua đi bán lại bất hợp pháp, giao chính quyền địa phương quản lí và giải quyết theo thẩm quyền.

Gần 20 năm trôi qua, phán quyết tịch thu 2.500 m2 đất tại khu vực đầm Hồng, đầm Sen của TAND thành phố Hà Nội vẫn không thể thi hành án được với lí do không xác định được vị trí, mốc giới của phần đất phải thu hồi, số đất phải thu là bao nhiêu, đồng nghĩa việc xác định tối tượng thi hành án dân sự về việc thu hồi đất là không có. Bản án “treo” cũng có nghĩa đẩy người dân vào cảnh “dở khóc, dở cười”. Theo ông Lương Văn Xướng, cán bộ nghỉ hưu tại Khu D, tổ 19 (74 tuổi), việc xử lý bản án không triệt để đã đẩy cuộc sống của một số người dân vào tình cảnh “cam khổ”, không được xây nhà, không được cấp điện, đường xá…

Càng khó khăn hơn, khi những người dân cố bám trụ trên mảnh đất mình mất tiền mua, tôn tạo nó thành một khu phố như hiện nay lại coi như sống “ngoại đạo”, không có quyền công dân, không được làm hộ khẩu, khai sinh, đăng ký kết hôn…cũng như các giấy tờ xác nhận, chứng thực của UBND phường.

Hà Nội: Dân có nguy cơ “trắng tay” vì mua đất do xã bán trái phép | ảnh 3
Cảnh tan hoang sau khi những ngôi nhà của người dân bị cưỡng chế.

Làm trái quy định?

Sau 20 năm mòn mỏi đợi chờ và vì cuộc sống, người dân nơi đây đã tự ý xây dựng những căn nhà tạm phục vụ sinh hoạt gia đình. Tuy nhiên, việc làm trên được coi là trái pháp luật, sai quy hoạch nên bị buộc tháo dỡ.

Bức xúc trước cách hành xử không “nhìn trước, ngó sau” của chính quyền địa phương, người dân đã đâm đơn cầu cứu các cơ quan chức năng. Theo đơn các hộ dân gửi các cơ quan báo chí, 31 hộ dân khu D khu vực Đầm Sen cho rằng, việc cưỡng chế nhà tạm của người dân là trái với những quy định tại văn bản mà trước đây phường đã ban hành năm 1992, do ông Hoàng Văn Tràng, Phó Chủ tịch UBND xã Khương Đình (bây giờ là UBND phường Khương Đình) ký. Việc cưỡng chế khi chưa xác định được mốc giới, nguồn gốc, diện tích lô đất đã đập công trình nhà dân là hành động quá vội vàng (!?).

Hai Thông báo số 63/TB-TTPTQĐ ngày 29/11/2011 và Thông báo 03/TB-TTPTQĐ ngày 16/02/2012 của Trung tâm Phát triển quỹ đất và duy tu công trình đô thị quận Thanh Xuân về việc khởi công, triển khai công trình Xây dựng hàng rào tôn bao quanh khu đất Đầm Sen là không phù hợp với Luật Đất đai và các quy định hiện hành.

Cụ thể, Chủ đầu tư khi đo đạc, khảo sát hiện trạng đã không thông báo cho các hộ dân có đất biết; không có diện tích sơ đồ và quyết định giao đất đối với khu vực thi công. Việc làm trên của Trung tâm quỹ đất đang làm ảnh hưởng đến quyền lợi, an ninh, đời sống sinh hoạt cũng như xâm phạm bất hợp pháp vào đất của các hộ dân.

Tại Công văn số 1279/UBND-TNMT, ngày 28/02/2012 của UBND TP Hà Nội về việc “chấn chỉnh, rà soát công tác quản lý nhà nước về đất đai, về thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất trên địa bàn Thành phố” quy định rõ nhiều nội dung như: Rà soát các quy định về thu hồi đất, giao đất, thuê đất tại các Điều 38, 39, 40 Luật Đất đai 2003 và thu hồi đất khi thực hiện các kiến nghị, quyết định tại bản án có hiệu lực pháp luật của Toà án, báo cáo, đề xuất xử lý các trường hợp bất cập, vướng mắc (nếu có).

UBND các quận, huyện, thị xã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và TĐC, GPMB thu hồi đất…Tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân hiểu và tự nguyện chấp hành bàn giao theo đúng quy định của pháp luật….

Chiểu theo Công văn 1279/UBND-TNMT và cách hành xử của chính quyền quận Thanh Xuân vừa qua, dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng chính quyền địa phương đang phớt lờ chỉ đạo của cấp trên (?!)

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

(Theo LĐO)

  • 0
  • By Admin
  • 06/03/2012
  • 17