• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội: Dân chung cư than phiền về các loại phí dịch vụ

Dịch vụ văn phòng cao gấp… 40 lần so với ở

Phí các khoản dịch vụ khi mở văn phòng tại các chung cư cao gấp nhiều lần so với dịch vụ nhà ở của các hộ dân. Đó là hiện tượng đang diễn ra tại chung cư D5 đơn nguyên C Dịch Vọng Hậu, đường Trần Nhân Tông, Cầu Giấy (Hà Nội).

Theo biên bản họp hồi đầu tháng 6 giữa đại diện Ban quản trị chung cư và đại diện Xí nghiệp Kinh doanh dịch vụ Đô thị được độc giả gửi báo Dân trí thì, tiền dịch vụ nhà của các hộ dân là 100.000 đồng/tháng/hộ.

Hà Nội: Dân chung cư than phiền về các loại phí dịch vụ | ảnh 1
Biên bản họp quy định mức phí dịch vụ dành cho văn phòng là 4 triệu đồng/tháng/hộ

Trong khi đó, tiền dịch vụ các hộ cho thuê làm văn phòng hoặc sử dụng căn hộ của mình làm văn phòng thì giá lên tới 4 triệu đồng/tháng/hộ, nghĩa là gấp 40 lần so với các hộ dân sống ở đây. Các hộ sống ở tầng 1, tầng lửng cũng phải đóng tới 2 triệu đồng/tháng/hộ.

Ngoài ra, giá tiền gửi xe ô tô cho các văn phòng cũng cao gấp 3 lần (trong điều kiện còn chỗ gửi) so với các hộ dân (1,8 triệu đồng/xe/tháng), tiền gửi xe máy của văn phòng cũng cao hơn gấp 2 lần…

Không chỉ có tòa nhà chung cư D5 đơn nguyên C Dịch Vọng Hậu có “vấn đề” trong việc thu phí. Mới đây, hơn 70 người dân sống tại tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Towers (đường Phạm Hùng, Hà Nội) cũng đã ủy quyền cho luật sư khiếu nại công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina, chủ đầu tư dự án Keangnam về việc thu phí dịch vụ quá cao.

Hà Nội: Dân chung cư than phiền về các loại phí dịch vụ | ảnh 2
Phí đỗ xe quy định tại tòa nhà Keangnam

Theo đại diện luật sư, Keangnam đang thu phí vượt trần so với quy định của UBND thành phố. Cụ thể phí trông ôtô, xe máy được chủ đầu tư áp dụng lần lượt là 1,462 triệu đồng và 104.000 đồng mỗi tháng, trong khi đó, quy định phí giữ ôtô và xe máy tại các chung cư trên địa bàn quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm là 875.000 đồng và 45.000 đồng. Mức phí xe máy tính theo lượt của chủ đầu tư đưa ra lên tới 10.000 đồng, gấp 5 lần quy định của thành phố.

Rồi phí quản lý cũng được chủ đầu tư áp tới 0,99 USD, xấp xỉ 21.000 đồng mỗi mét vuông, mức kỷ lục đối với các chung cư Hà Nội từ trước tới nay. Mức thu tại các chung cư cao cấp như Vincom B cũng chỉ có 14.000 đồng mỗi m2, Sky City 88 Láng Hạ 8.000 đồng mỗi m2…

Có thể thu cao hơn nhưng không thể bất hợp lý

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên cư dân sống tại các chung cư cao cấp bức xúc về mức phí quá cao so với quy định. Hơn nữa, tại tòa Keangnam, theo các cư dân sống ở đây, tòa nhà vẫn trong giai đoạn hoàn thiện, một số hạng mục vẫn dở dang, vì vậy việc thu phí ngay và với mức cao như vậy là không thỏa đáng.

Họ cũng cho biết, đến ngày 24/6 tới, nếu chủ đầu tư không có ý kiến trả lời thỏa đáng, cư dân Keangnam sẽ khởi kiện chủ đầu tư để có được mức phí hợp lý. Một trường hợp gần đây nhất mà cư dân đã đòi lại được quyền lợi của mình là ở tại tòa nhà giảm được một nửa phí.

Còn đối với việc thu các dịch vụ khi sử dụng chung cư làm văn phòng như tại chung cư D5 đơn nguyên C Dịch Vọng Hậu, rõ ràng, đây là mức thu quá cao. Nó ảnh hưởng không nhỏ đến tài chính của các doanh nghiệp, mà chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối tượng vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu thực sự Ban quản trị tòa nhà không đồng ý cho mở làm văn phòng thì có thể cấm luôn, còn không thì cần có cách ứng xử hợp lý. Có thể thu phí cao hơn so với người dân ở nhưng không thể hơn đến hàng chục lần như vậy!

Liên quan đến việc này, Bộ Xây dựng cũng vừa hoàn tất dự thảo thông tư quy định việc sử dụng chung cư làm văn phòng và đang lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan.

Theo đó, để căn hộ nhà chung cư được sử dụng làm văn phòng thì người đại diện văn phòng phải là chủ sở hữu hoặc người sử dụng hợp pháp căn hộ nhà chung cư và hoạt động của văn phòng không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng.

Đáng chú ý, việc sử dụng căn hộ làm văn phòng phải có sự đồng ý (ký tên) của các chủ sở hữu, người sử dụng trong cùng tầng nhà của đơn nguyên có căn hộ đó và ít nhất là 2/3 tổng số các chủ sở hữu, người sử dụng trong đơn nguyên có căn hộ đó.


(Theo Dantri)

  • 0
  • By Admin
  • 21/06/2011
  • 17