Hà Nội: Dân chung cư lo ngại “bom gas”
Thế nhưng, sau vụ nổ khí gas khiến 4 người bị thương vong ngày 3/11, nhiều gia đình có sử dụng gas trung tâm bắt đầu hoang mang, lo lắng.
“Nếu nổ, sẽ kinh hoàng hơn”
Khảo sát nhanh của PV tại một số khu đô thị có triển khai hệ thống gas trung tâm: Khu đô thị mới Trung Văn, khu Dịch Vọng, tòa nhà 151 Nguyễn Đức Cảnh, 299 Cầu Giấy; tòa nhà M3, M4 đường Nguyễn Chí Thanh, 27 Huỳnh Thúc Kháng tại Hà Nội, hầu hết người dân đều cho biết, tại những tòa nhà này, chưa bao giờ xảy ra bất kì một sự cố gì dù nhỏ nhất liên quan đến gas.Trong nhiều năm sinh sống, người dân cảm thấy an toàn với việc sử dụng hệ thống gas trung tâm, lại giảm được phiền hà về việc đang nấu nướng lại hết gas.
Hệ thống đường dẫn gas trung tâm trong chung cư |
Thế nhưng, sau vụ nổ khí gas 3/11 tại phố Tạ Quang Bửu (Hà Nội), nhiều người bắt đầu có tâm lí hoang mang, lo lắng.
Thông thường, hệ thống gas trung tâm thường phải nằm cách công trình cao tầng khoảng 30m, nhưng cũng tùy theo hiện trạng xây dựng và thiết bị lắp đặt, mà có thể gần hơn.
Nhiều tòa nhà có đặt hệ thống gas trung tâm ngay chân tòa nhà hoặc trong tầng hầm.
Một người dân tên Minh sống cạnh cổng vào hệ thống gas trung tâm của tòa nhà M3, M4 Nguyễn Chí Thanh cho biết, từ lúc nghe chuyện nổ khí gas khiến 4 người bị thương vong đến giờ, gia đình anh vô cùng lo lắng vì cả nhà sống ngay cạnh hệ thống gas trung tâm của tòa nhà cao tầng.
Chưa bao giờ có một sự cố nào xảy ra ở đây nhưng tự dưng nghe có nơi bị nổ khí gas thì anh cũng sợ vì chẳng có cơ sở nào đảm bảo rằng, gas trung tâm sẽ an toàn tuyệt đối và không có một lỗi nhỏ nào.
“Nếu gas trung tâm mà nổ, có khi còn kinh hoàng hơn nổ khí gas tại một nhà” – anh Minh lo lắng.
Về độ an toàn của hệ thống gas trung tâm, anh Thành, một kĩ sư chuyên lắp đặt hệ thống gas trung tâm cho các tòa chung cư cho biết: “Với hệ thống gas trung tâm, áp suất trong đường ống nhỏ hơn vài chục lần so với áp suất trong bình chứa gas người dân mua ngoài thị trường.
Thêm vào đó, tất cả hệ thống gas trung tâm đều có các van an toàn, hệ thống tự ngắt nên người dân có thể hoàn toàn an tâm có các đường ống cấp gas đến gia đình. Hệ thống gas trung tâm bao gồm bồn chứa tập trung được thiết kế ngầm bên dưới chung cư, qua hệ thống máy móc thiết bị, các loại van chuyên dùng, đi theo hệ thống mạng đường ống chôn ngầm dưới đất dẫn tới các điểm sử dụng cuối cùng và được quản lý qua đồng hồ đếm gas (tương tự như mô hình quản lý nước sạch hiện nay).
Với các van an toàn khi có sự cố rò rỉ gas, đầu dò gas báo động, hệ thống sẽ tự động đóng lại, các hộ gia đình sử dụng hệ thống này sẽ tiết kiệm được 3-5% chi phí so với sử dụng gas bình.
"Bom gas" trong các khu chung cư
Rất ít các tòa nhà chung cư hiện nay có hệ thống gas trung tâm. Hầu như trong các tòa nhà cao tầng, người dân vẫn đang sử dụng hệ thống bình gas riêng của mình.Và không một ai dám chắc rằng, những bình gas, dây dẫn gas được mua từ các cơ sở tư nhân có thực sự đảm bảo an toàn hay không?
Cổng vào hệ thống gas trung tâm của tòa nhà M3, M4 Nguyễn Chí Thanh |
Việc các hộ tự cung cấp gas tại các chung cư cao tầng đang vi phạm các quy định an toàn về cháy nổ, nhưng sự vụ hầu như đang bị bỏ ngỏ.
Những quy định về việc vận chuyển gas chưa chặt chẽ, nhất là vận chuyển gas trong các khu nhà cao tầng. Ngay cả những khu nhà được gọi là chung cư cao cấp trong Thành phố cũng "mạnh ai, nấy có bình gas riêng".
Chị Phương, một người dân tại khu vực Đền Lừ cho biết: Nhà chị ở tầng 9 của khu đô thị này. Lần nào gọi gas cũng căng thẳng, nhức đầu và ức chế vì chờ đợi. Vì không phải đại lý gas nào cũng chịu cho người mang gas đến các tòa nhà này vì quy tắc an toàn là không cho đưa gas vào trong thang máy. Mà ai có thể leo nổi bình gas mấy chục kg lên tận tầng 9.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó giám đốc công ty quản lý BĐS quản lý 5 tòa nhà CT Yên Hòa cho biết: “Với các tòa nhà đã xây lâu như ở đây thì không có hệ thống gas tổng. Mỗi nhà có một bình gas riêng. Hai năm trước, công ty cũng kí hợp đồng với một bên cung cấp gas nhằm đảm bảo chỉ tiêu kĩ thuật an toàn, đảm bảo chất lượng cho chung cư.
Thế nhưng, với người dân, BQL tòa nhà lại không có quyền bắt dân phải sử dụng gas của hãng đó mà chỉ khuyến khích và thông báo cho mọi người hiểu. Còn tâm lý chung của người dân là ở đâu thấy gas rẻ thì mua. Mà trên thị trường lại rất nhiều loại gas không đảm bảo nên thật ra, điều này, BQL tòa nhà cũng không can thiệp được”.
Ông Quang khẳng định, BQL tòa nhà quán triệt việc không sở dụng thang máy để vận chuyển bình gas. Nhưng nhân viên đưa gas luôn biết cách “lách”. Có khi là mang bình lên tầng 2 hoặc tầng 3 thì mới đi thang máy. Có khi chính người dân, vì muốn gọi được gas lại chỉ cho nhân viên cách đi thang máy kiểu như vậy”.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống gas trung tâm- Trạm cấp gas trung tâm nằm tại một vị trí thoáng và khuất trong khuôn viên của khu nhà. Gas LPG sẽ được vận chuyển bằng xe bồn nạp vào bồn chứa tại trạm này.- Khí gas từ bồn chứa gas trung tâm sẽ được giảm áp suất xuống còn nhỏ hơn 1,5 bar và được dẫn theo đường ống chôn ngầm (ống nhựa PE) chạy dọc theo các vỉa hè đi đến chân các đơn nguyên cao tầng, các nhà thấp tầng và nhà trẻ trong khu đô thị. - Tại chân đơn nguyên cao tầng, khí gas sẽ được giảm áp suất một lần nữa và theo đường ống dẫn (ống thép đúc tráng kẽm) đi đến đầu chờ vào các khu bếp của các căn hộ (ống đi trong hộp kỹ thuật gas riêng hoặc đi chung với hộp kỹ thuật của hệ thống cấp thoát nước). - Tại đầu chờ vào các khu bếp của căn hộ, khí gas sẽ được giảm áp suất một lần nữa đến áp suất vận hành (~ 30mbar) và theo đường ống dẫn (ống thép/ống mềm inox/ống đồng) đi đến đầu vào các thiết bị dụng gas như bếp gas, bình nóng lạnh dùng gas, lò nướng dùng gas, lò sưởi dùng gas.... - Toàn bộ hệ thống từ bồn gas với các thiết bị gắn trên bồn, hệ thống công nghệ: máy hóa hơi, van điều áp, đường ống, van, thiết bị đo kiểm, thiết bị an toàn, thiết bị phòng chống cháy nổ,..được thiết kế trên cơ sở các tiêu chuẩn của Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Anh – những nước hàng dầu về ngành dầu khí và đã có kinh nghiệm sử dụng gas trên 50 năm. |
(Theo Vietnamnet)
- 138
- By Admin
- 04/11/2011
- 17